Mở cửa thị trường vốn

TRỊNH DŨNG 16/08/2017 08:47

Các tổ chức tín dụng đã và đang nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những cách hữu hiệu để hiện thực hóa các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng ngày càng nhiều hơn. Ảnh: T.D
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng ngày càng nhiều hơn. Ảnh: T.D

Tín dụng gia tăng

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam công bố dư nợ cho vay cuối tháng 7.2017 đạt khoảng 47.259,8 tỷ đồng. Con số này đã tăng 0,67% so với tháng 6 và tăng đến 8,5% so với đầu năm. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được các ngân hàng “bơm” nhiều vốn với tỷ lệ 22,89%. Ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 13,78%. Nông, lâm, thủy sản chiếm 6,14%. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí chiếm 7,45% và sản xuất sản phẩm vật chất, dịch vụ tiêu dùng của hộ gia đình cũng đã chiếm đến 13,03%.

Những con số thống kê này cho thấy dòng vốn ngân hàng đã đổ vào nền kinh tế ngày càng nhiều. Chỉ trừ cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao không phát sinh dư nợ thì các lĩnh vực khác như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, phát triển thủy sản đều tăng trưởng khá cao. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Các ngân hàng đồng loạt minh bạch hóa thông tin tín dụng, công bố công khai trên trang điện tử các thông tin về quy trình, thủ tục hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ, tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng hiểu, nắm đầy đủ thông tin liên quan đến các khoản vay. Không chỉ vậy, các ngân hàng cũng đã tung ra nhiều chương trình cho vay lãi suất hợp lý, phù hợp với tình hình doanh nghiệp trên địa bàn, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay, tạo vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay hầu hết ngân hàng đã trực tiếp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện, ưu tiên dành nguồn vốn cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên. Thống kê có đến 2.685 doanh nghiệp nhỏ và vừa có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại với dư nợ cho vay khoảng 7.659 tỷ đồng, chiếm 16,21%/tổng dư nợ là minh chứng rõ nhất cho nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay, triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng và triển khai thực hiện tốt các cuộc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và các chính sách tín dụng của Nhà nước.

Mở rộng dòng vốn

Có thể nói tại Quảng Nam, ngành ngân hàng đã hiện thực hóa một cách khá tốt Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ cùng kế hoạch hành động của UBND tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp có sức lan tỏa rộng lớn, thâm nhập sâu vào nền kinh tế. Gần như doanh nghiệp không còn than phiền về việc khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Không đưa ra con số kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017 của hệ thống ngân hàng Quảng Nam là bao nhiêu, nhưng năm 2016, tín dụng đã tăng đến 28,2%, vượt xa chỉ tiêu đề ra và được đánh giá là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, đưa kinh tế Quảng Nam tăng trưởng trở lại và con số tăng trưởng tín dụng mạnh trong vòng 7 tháng qua, cho thấy nền kinh tế đã hấp thụ khá tốt dòng vốn từ ngân hàng. Theo kế hoạch hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa được UBND tỉnh công bố, việc tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh bình đẳng là một trong những điều quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói ngành ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hợp lý. Minh bạch và đơn giản thủ tục vay vốn để tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình cho vay kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cũng cho hay tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào chính bản thân doanh nghiệp, sức khỏe của nền kinh tế. Một giám đốc ngân hàng thương mại (không muốn nêu tên) cho rằng, không một ai có thể buộc ngân hàng mở rộng dòng vốn. Chính quyền đã kiện toàn, mở rộng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng dòng vốn có được khơi thông hay không, không hoàn toàn do giới ngân hàng quyết định mà phụ thuộc nhiều vào các định hướng vĩ mô, chiến lược cạnh tranh của nền kinh tế và sự phối hợp các chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tạo được niềm tin thì ngân hàng sẽ sẵn sàng mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, kể cả những gói tín dụng giá rẻ.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG