Thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp ở Thăng Bình: Tín hiệu khả quan

NGUYỄN QUANG VIỆT 04/08/2017 08:23

Huyện Thăng Bình đang nỗ lực thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên cơ sở triển khai nhiều ưu đãi và phát huy các ưu thế về nguồn lao động dồi dào được đào tạo tốt trong thời gian qua.

Sản xuất gạch không nung ở Công ty TNHH MTV Sản xuất Nguyên Tâm. Ảnh: N.Q.V
Sản xuất gạch không nung ở Công ty TNHH MTV Sản xuất Nguyên Tâm. Ảnh: N.Q.V

Sản xuất thuận lợi

Theo quy hoạch của UBND tỉnh, huyện Thăng Bình có 10 cụm công nghiệp. Hiện tại, 5 cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Phục), có 9 doanh nghiệp đã hoặc đang đầu tư phát triển công nghiệp và thu được những kết quả khả quan. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Sản xuất Nguyên Tâm. Liên tục nhiều tháng qua, công ty đều đặn sản xuất được 40 nghìn viên gạch không nung mỗi ngày, xuất bán được 1,2 triệu viên gạch không nung trong tháng 7 vừa qua. “Sản xuất gạch không nung có ưu thế là hạn chế tác hại xấu đến môi trường. Loại gạch mới này dễ thi công nhà cửa, công trình hơn gạch đỏ nung truyền thống. Giá cả lại rẻ hơn nên gạch không nung sẽ là hướng đi mới cho vật liệu xây trên địa bàn tỉnh nói chung, Thăng Bình nói riêng” - ông Nguyễn Duy Khánh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Nguyên Tâm cho biết. Theo ông Khánh, do gạch không nung vẫn còn mới mẻ, chỉ các công trình xây dựng từ nguồn vốn nhà nước sử dụng nên công ty chưa khai thác hết công suất sản xuất. “Gạch không nung được sản xuất từ nguyên liệu bột đá, xi măng và cát. Giá thành 1 viên gạch không nung khoảng 1 nghìn đồng. Chúng tôi bán ra thị trường giá 1.250 đồng, rẻ hơn gạch đỏ nung đến 150 đồng/viên. Chúng tôi sản xuất gạch không nung có chất lượng đảm bảo, khi khơi thông thị trường sẽ sản xuất hết công suất” - ông Khánh chia sẻ. Sản xuất thuận lợi bước đầu, công ty này đã giải quyết việc làm ổn định cho 45 lao động với mức lương xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng.

Theo Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp - thương mại & dịch vụ (CN-TM&DV) Thăng Bình, Công ty CP May Thăng Bình, Công ty TNHH Đông Huy, Công ty TNHH May Sài Gòn Xanh, Công ty TNHH Onewoo... hoạt động rất hiệu quả tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được. Công ty TNHH May Ánh sáng 2, Công ty TNHH Mỹ Hưng, Công ty TNHH Trang trí nội thất mỹ nghệ Đỗ Hoàng sản xuất thuận tiện ở Cụm công nghiệp Kế Xuyên - Quán Gò (xã Bình Trung). Công ty TNHH Bình An Phú sản xuất hiệu quả ở Cụm công nghiệp Bình An (xã Bình Định Bắc). Theo ông Phan Phước Đồng - Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm CN-TM&DV Thăng Bình, trong 6 tháng đầu năm, Thăng Bình đã tổ chức thành công chuyến đi quảng bá, kêu gọi đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Theo đó, hàng loạt công ty sẽ đầu tư phát triển công nghiệp tại các cụm công nghiệp trên địa bàn. Đáng chú ý là các nhà đầu tư An Hosang và Cha Jeongran (Hàn Quốc), Công ty CP Bê tông Hòa Cầm, Công ty CP Đầu tư & xây dựng Lê Kiên Giang, Công ty TNHH MTV Xây dựng & kinh doanh nhà Long Á, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Vững Phát...

Nhiều ưu đãi

Hoạt động sản xuất công nghiệp tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình trong năm 2016 để lại nhiều dấu ấn với 12 công ty sản xuất hiệu quả, thu lợi lớn. Tổng doanh thu chưa thuế của các doanh nghiệp đạt 800 tỷ đồng, tăng 126 tỷ đồng so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người hằng tháng của các doanh nghiệp đạt gần 3,7 triệu đồng. Tổng số lao động hoạt động trong các cụm công nghiệp là 3 nghìn lao động.

Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được có diện tích là 83,5ha, còn khoảng 31ha chưa được đầu tư. Theo quy hoạch tại cụm công nghiệp này, lĩnh vực công nghiệp chế biến chưa được đầu tư là 14,7ha. Đối với công nghiệp nhẹ, chưa được đầu tư là 8ha. Các ngành tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ còn gần 9ha chưa được đầu tư. Tại cụm công nghiệp này, diện tích hạ tầng đã đầu tư xây dựng là 104.251m2, chiếm 75% diện tích. Trong đó, đường trục chính đã xây dựng được 42.480m2; 2 đường trục nhánh đã đầu tư khoảng 47 nghìn m2. Hệ thống thoát nước thải ở cụm công nghiệp này đã được đầu tư với diện tích 14.700m2. Huyện Thăng Bình thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp này với mức thuê đất 250 nghìn đồng/m2, áp dụng cho đường trục chính và 200 nghìn đồng/m2 áp dụng cho trục đường nhánh, hạn mức trả tiền một lần khi thuê đất trong thời hạn 50 năm. Ở các cụm công nghiệp khác, giá thuê đất ở mức dưới 200 nghìn đồng/m2, áp dụng cho thời gian thuê 50 năm hoặc trả trong từng năm.

Hiện tại, có nhiều cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tại các cụm công nghiệp được huyện Thăng Bình vận dụng cho doanh nghiệp từ các cơ chế của trung ương và của tỉnh. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất để xây dựng cơ bản, áp dụng thời hạn 11 năm. Đối với các nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp sẽ được miễn 100% tiền thuê đất. Đối với các dự án thuộc danh mục ưu đãi đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp sẽ được miễn tiền thuê đất trong thời hạn 15 năm. Huyện Thăng Bình áp dụng thuế suất ưu đãi với mức 10% trong thời hạn 15 năm. Doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được miễn thuế nhập khẩu. Theo ông Cao Văn Yên - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CN-TM&DV Thăng Bình, rất nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cộng với nguồn lao động dồi dào được huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh đào tạo tốt trong thời gian qua sẽ là cú hích lớn cho thành công của doanh nghiệp khi đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời gian đến.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT