Phát triển kinh tế tư nhân: Tạo động lực mới

ĐẶNG HÙNG 01/08/2017 08:33

Những năm qua, kinh tế tư nhân ở Quảng Nam giữ vai trò quan trọng trong việc phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách... Tuy nhiên, làm thế nào để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh và bền vững cho đến nay vẫn còn là bài toán khó.

Khu kinh tế mở Chu Lai thu hút nhiều nhà đầu tư.Ảnh: Đ.H
Khu kinh tế mở Chu Lai thu hút nhiều nhà đầu tư.Ảnh: Đ.H

Động lực phát triển kinh tế

Cùng với sự phát triển năng động của nền kinh tế, hoạt động của kinh tế tư nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng. Trong đó, doanh nghiệp (DN) tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về ngành nghề cũng như năng động trong quản lý điều hành. Theo Sở KH&ĐT, trong vòng 5 năm qua (2012 - 2016) đã có 3.807 DN thành lập. Trung bình mỗi năm có khoảng 761 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký 3.981 tỷ đồng/năm, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 18,5%.  Lợi thế của các DN tư nhân là năng động trong việc thực hiện chiến lược phát triển của mình. Tính đến cuối tháng 6.2017, toàn tỉnh đã có hơn 5.600 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng phát triển nhanh về quy mô và đạt nhiều hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 129 DN FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 1,98 tỷ USD.

Trên tinh thần đồng hành với DN, thời gian gần đây Quảng Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, trong đó có triển khai thực hiện quy chế phối hợp thực hiện “một cửa liên thông”; xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư linh hoạt, cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng... Chìa khóa để thu hút mạnh mẽ đầu tư ở Quảng Nam là cải cách thể chế và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư, mà việc thành lập Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư (IPA) được coi là một bước tiến đáng kể. IPA Quảng Nam hoạt động dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, giải quyết các thủ tục nhanh gọn, rõ ràng, minh bạch theo cơ chế một cửa; quan tâm, hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, để kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Quảng Nam cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thu hút nhiều DN với quy mô lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ DN nhỏ. Đây chính là yếu tố then chốt để DN Quảng Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thành công có tính đột phá của Quảng Nam chính là việc chuyển dịch, xác định cơ cấu kinh tế đúng hướng, chọn phát triển công nghiệp để tạo lực đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, xác định DN tư nhân và DN FDI đóng vai trò nòng cốt cho tăng trưởng kinh tế. Giải pháp lâu bền cho chiến lược này là xây dựng các khu công nghiệp tập trung, Khu kinh tế mở Chu Lai làm đòn bẩy để phát triển. Đến nay, Quảng Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với các dự án tầm cỡ quốc gia và những sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu như ô tô Trường Hải, kính nổi Chu Lai, thiết bị ngành may Groz Becker, thiết bị vệ sinh Inax, The Nam Hai, sân golf Montgomerie Links, Palm Garden… Chỉ tính riêng Khu kinh tế mở Chu Lai, đến nay đã thu hút được 118 nhà đầu tư (chủ yếu kinh tế tư nhân), trong đó có 75 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện 970 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động. Các DN trong khu kinh tế mở đã đóng góp vào tổng thu ngân sách bình quân 70%/năm.

Cần những giải pháp đồng bộ

Tuy có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng nhưng quy mô DN vẫn là nhỏ và vừa. Số lượng DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm tới hơn 97%, nên dù tăng số lượng DN nhưng quy mô bình quân của DN (về lao động, về vốn, về giá trị tăng thêm) cũng đang giảm dần. Mặc dù trong những năm gần đây, Quảng Nam đã xuất hiện những “con sếu” lớn nhưng chưa có sức lan tỏa, tạo động lực đẩy - kéo trong cộng đồng DN. Nhiều DN ra đời trong thời gian ngắn thì “chết yểu” do thiếu vốn, thiếu công nghệ và thiếu cả tầm nhìn chiến lược phát triển DN. Theo số liệu khảo sát mới đây, số lượng DN tạm ngừng hoạt động, giải thể phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 92,5% trên tổng số DN tạm ngừng hoạt động). Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 473 DN đăng ký thành lập mới, trong khi đó có đến 124 DN (bao gồm 44 DN giải thể) ngừng hoạt động. Phần lớn DN tư nhân ở Quảng Nam có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh yếu, cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với thành phần kinh tế khác… Các DN này cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, không được hưởng ưu đãi về thuế quan như các DN FDI, trong khi đó lại chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ khối FDI.

Theo ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tuấn Đạt, DN tư nhân và kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng như vậy, song trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, vẫn còn có các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý chưa thấy hết được vai trò của DN tư nhân và chưa đưa ra được những giải pháp thích hợp nhằm tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế. Môi trường kinh doanh chưa thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Cơ chế hỗ trợ DN tư nhân chậm đi vào thực tế. DN tư nhân ít được tiếp cận với những chính sách hỗ trợ và các chương trình ưu đãi của Chính phủ; ít được hỗ trợ về thông tin thị trường, họ thường phải tự vươn lên, làm ăn theo kinh nghiệm. Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam cho rằng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân được xem là động lực mới cho sự phát triển. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đang được nhìn nhận và đặt ở vị trí xứng tầm. Vấn đề hiện nay là cần nhanh chóng cụ thể hóa những cơ chế, chính sách mà nghị quyết này đã đề ra như về chính sách đất đai, chính sách tài chính, tín dụng; chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ; chính sách lao động - tiền lương và hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại...

ĐẶNG HÙNG

ĐẶNG HÙNG