Èo uột phiên chợ hàng Việt vùng cao

NGUYỄN QUANG VIỆT 24/07/2017 08:20

Phiên chợ đưa hàng Việt lên huyện Nông Sơn được Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam tổ chức trong 3 ngày 21, 22 và 23.7 diễn ra èo uột khi không thu hút được người dân đến tham quan, mua sắm và thiếu cả sự sâu sát từ đơn vị tổ chức.

Người dân không mặn mà mua sắm tại phiên chợ hàng Việt được tổ chức ở huyện Nông Sơn. Ảnh: N.Q.V
Người dân không mặn mà mua sắm tại phiên chợ hàng Việt được tổ chức ở huyện Nông Sơn. Ảnh: N.Q.V

Không có điểm nhấn

Buổi sáng 22.7, thời tiết thuận lợi nhưng phiên chợ hàng Việt ở trung tâm hành chính huyện Nông Sơn thuộc xã Quế Trung lại vắng người. Đến 9 giờ sáng, nhiều gian hàng vẫn chưa có người phụ trách đón khách. Chị Lê Thị Thúy (thôn Khánh Bình, xã Quế Minh, Quế Sơn) đến tham quan, mua sắm đã thất vọng. “Tôi lên thăm bà con ở xã Quế Trung, tiện đường ghé đến phiên chợ, xem có hàng nào ưng ý thì mua về sử dụng. Nhưng 9 giờ sáng rồi mà nhiều gian hàng vẫn chưa mở cửa”. Còn chị Phan Thị Thanh (thôn Trung Hạ, xã Quế Trung) chia sẻ: “Nghe nói có phiên chợ hàng Việt, chúng tôi cất công đến tham quan và mua sắm nhưng hàng hóa không có gì đặc biệt. Ở đây, tuy là huyện miền núi nhưng hàng hóa thế này có đầy ở các quầy tạp hóa”.

Theo quan sát của chúng tôi, phiên chợ hàng Việt ở trung tâm huyện Nông Sơn có tất cả 9 gian hàng. Các gian hàng của Vinaphone, Viettel và huyện Nam Giang không hề có người túc trực dù đã hơn 9 giờ sáng. Gian hàng của Co.opMart Tam Kỳ có 3 người phụ trách bán hàng với khoảng 100 món hàng trong không gian chừng 100m2, gồm dầu gội đầu, sữa rửa mặt, mỳ tôm, bia, nước mắm, dầu ăn.. Các gian hàng còn lại bán áo quần trẻ em, giày dép, đồ chơi trẻ em... Đây là lần đầu tiên chị Trần Thị Lệ (30 Phan Đình Phùng, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) tham gia phiên chợ hàng Việt ở Quảng Nam. “Đã gần nửa thời gian diễn ra phiên chợ mà có quá ít người đến mua sắm. Tệ nhất là người dân đến xem, tò mò mở hết quần áo ra xem, mặc thử cho con rồi bỏ xuống, đi không ngó lại. Người dân không hào hứng mua sắm đã buồn rồi, thêm cảnh xộc xệch áo quần, rất mất công xếp lại. Phiên chợ này lỗ chắc, tiền vận chuyển, gửi đồ đạc đã tốn gần 15 triệu đồng mà hàng vẫn còn nguyên” - chị Lệ thở dài.

Sát ngay gian hàng bán áo quần trẻ em của chị Lệ là gian hàng bán giày dép của ông Nguyễn Văn Trí đến từ huyện Phú Xuyên (TP.Hà Nội). Ông Trí cho biết, qua liên hệ của Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam, gia đình đã vào Quảng Nam từ 10 ngày qua. Tất cả khoản chi gồm ăn uống, chỗ nghỉ, vận chuyển và gửi hàng hóa đã tốn xấp xỉ 15 triệu đồng nhưng mới chỉ bán được rất ít. “Gian hàng thưa thớt vài người dân đến tham quan, số người mua hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thôi kệ, bán được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, đằng nào cũng đã đến đây rồi” - ông Trí nói.

Thiếu chuyên nghiệp

Hàng cây nhà, lá vườn hút khách
Trong số 9 gian hàng bố trí ở phiên chợ, có 1 gian hàng của huyện Nông Sơn do Trạm Khuyến nông - khuyến lâm quản lý, trông rất bắt mắt với các sản phẩm cây nhà, lá vườn, gồm gà thả vườn, bưởi Đại Bình, sầu riêng Đại Bình, măng tre Đại Bình, trứng gà, ếch, nấm lim xanh, nấm linh chi... Điều đặc biệt là khách có thể tham quan, mua đem về hoặc yêu cầu nấu nướng, chế biến để thưởng thức tại chỗ. “Huyện Nông Sơn có nhiều đặc sản nên nhân phiên chợ hàng Việt này, chúng tôi quảng bá sản phẩm. Ngoài phục vụ cho người dân huyện Nông Sơn, Quế Sơn, nếu có du khách gần xa, trong, ngoài nước ghé đến mua hàng hoặc chỉ tham quan thôi cũng đã ấm lòng rồi” - ông Trần Văn Lưu - Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Nông Sơn nói.

Không khó để nhận thấy, phiên chợ hàng Việt ở huyện Nông Sơn thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, có đến 3 gian hàng đến từ Hà Nội, 1 gian hàng đến từ Kon Tum, Trung tâm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Nông Sơn góp mặt 1 gian hàng. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, hàng hóa tương đối đa dạng nhưng tại sao hàng Việt lại ít được cộng đồng chào đón. Một số người dân đến phiên chợ nhưng chỉ xem qua chứ không mua sắm vì tâm lý sợ phải dùng hàng tồn kho, hàng kém chất lượng, hàng lỗi mốt. Có mặt ở phiên chợ từ sáng đến trưa ngày 22.7, chúng tôi không hề nhận thấy sự có mặt của cán bộ thuộc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam hay Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nông Sơn. Ông Trương Ngọc Vũ - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nông Sơn cho biết, Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam có đến huyện đặt vấn đề mở phiên chợ hàng Việt trên địa bàn. Huyện Nông Sơn đã giúp đỡ đơn vị cấp tỉnh lựa chọn địa điểm, bố trí đầy đủ điện nước, các phương tiện, thiết bị hỗ trợ khác và đảm bảo an ninh. “Phiên chợ này do đơn vị cấp tỉnh tổ chức, quản lý còn ngành công thương cấp huyện chỉ giúp đỡ, đáp ứng các yêu cầu thôi chứ không tham gia” - ông Vũ nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hải (thôn Trung Phước 1, xã Quế Trung, Nông Sơn) so sánh hàng Việt được bày bán ở phiên chợ có rẻ hơn giá cả của nhiều mặt hàng luôn được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Hải cho rằng không mua hàng tại phiên chợ vì đã quá quen với các sản phẩm có thương hiệu, chưa thể mặn mà với hàng Việt chưa được quảng bá, khuyến khích sử dụng. Theo ông Nguyễn Văn Toản, chủ một doanh nghiệp kinh doanh hàng dân dụng ở Phú Xuyên (Hà Nội) tham gia phiên chợ hàng Việt ở Nông Sơn, ban tổ chức nên kết hợp chặt chẽ với địa phương, tuyên truyền thật kỹ để người dân hiểu được ý nghĩa của phiên chợ hàng Việt rồi hãy mở phiên chợ. Khi phiên chợ diễn ra, ban tổ chức cũng nên đồng hành với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp vận động người dân mua hàng chứ không nên bỏ mặc doanh nghiệp “tự bơi”. Chiều 21 và sáng 22.7, chúng tôi gọi điện thoại đến ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại Quảng Nam để liên hệ làm việc nhưng ông Phúc đều không nghe máy.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT