Điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách
Ngân sách tỉnh chắc chắn hụt thu. Một phương án điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách đã được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này.
Sẽ điều chỉnh tăng thu ngân sách dựa vào thủy điện và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ảnh minh họa). Ảnh: T.D |
Huyện tăng, tỉnh hụt thu ngân sách
Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay căn cứ kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô và khả năng thu ngân sách 6 tháng còn lại cuối năm, thì tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 trên địa bàn Quảng Nam sẽ chỉ khoảng 18.166 tỷ đồng, đạt 86,7% dự toán. Trong đó, riêng nguồn thu nội địa năm 2017 (không bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) dự kiến hụt thu 2.084 tỷ đồng.
Theo phân tích của Sở Tài chính, ngân sách trung ương sẽ bị hụt 1.254 tỷ đồng (xuất nhập khẩu 1.000 tỷ đồng và hụt thu từ nội địa 254 tỷ đồng), ngân sách cấp tỉnh (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu quản lý qua ngân sách) sẽ hụt 2.120 tỷ đồng. Trái ngược với ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện theo thống kê sẽ gia tăng 290 tỷ đồng; 17 huyện thị, thành tăng thu khoảng 363 tỷ đồng. Chỉ riêng Núi Thành dự kiến hụt thu 73 tỷ đồng. Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, các nguồn thu đều tăng khá. Song thu từ ô tô Trường Hải và bia VBL thấp. Thu thuế từ ô tô Trường Hải chỉ đạt hơn 38%. Dự báo, năm 2017 khả năng hụt thu từ ô tô Trường Hải rất lớn. Yếu tố này đã tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Cơ cấu nguồn thu chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Hiện tăng thu ngân sách chủ yếu ở các địa phương, còn ngân sách tỉnh hụt thu lớn. Điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối ngân sách trên địa bàn.
Ông Phan Văn Chín nói, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, nếu dự kiến số thu không đạt dự toán được HĐND quyết định thì phải điều chỉnh giảm một số khoản chi. Tuy nhiên, năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017 - 2020, các cấp ngân sách địa phương được bố trí chi đầu tư và chi thường xuyên theo định mức do Chính phủ và HĐND quy định, nên nếu cắt giảm chi tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình thế này, không còn cách nào khác, UBND tỉnh đã đề xuất HĐND tỉnh không điều chỉnh tổng dự toán thu, chi mà chỉ xem xét điều chỉnh cơ cấu các nguồn thu nội địa và cân đối của từng cấp ngân sách địa phương cho hợp lý hơn.
Chờ quyết định điều chỉnh
Theo phương án điều chỉnh của UBND tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2017 sẽ vẫn giữ nguyên con số đã được ấn định là 20.950 tỷ đồng. Thu xuất nhập khẩu không có gì thay đổi, vẫn ở mức 6.420 tỷ đồng và tổng thu nội địa 14.150 tỷ đồng, nhưng điều chỉnh lại cơ cấu các nguồn thu cho phù hợp với khả năng thu. Thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thu phí, lệ phí, thu tiền sử dụng đất… giữ nguyên theo dự toán đầu năm, nhưng thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương sẽ tăng 37% so với dự toán đầu năm, tương ứng tăng 193 tỷ đồng, chủ yếu thu từ các doanh nghiệp thủy điện (tăng 155 tỷ đồng so với dự toán đầu năm), thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương tăng 7,5% (tương ứng 11 tỷ đồng), thu từ doanh nghiệp FDI tăng 28,5% (tương ứng 230 tỷ đồng) và thu từ thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh giảm 4,4% (tương ứng 480 tỷ đồng). Ông Phan Văn Chín cho rằng, kết quả điều chỉnh sẽ cho ra một con số được cho là hợp lý. Ngân sách địa phương sẽ được hưởng 11.757 tỷ đồng (loại trừ thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết), bao gồm: ngân sách tỉnh được hưởng 9.208 tỷ đồng (giảm hơn 348,3 tỷ đồng so với dự toán), ngân sách cấp huyện được hưởng 2.550 tỷ đồng (tăng hơn 348,3 tỷ đồng), trong đó có 13 huyện chưa tự cân đối ngân sách có số thu được hưởng tăng so với dự toán đầu năm là hơn 243,1 tỷ đồng. Tam Kỳ, Hội An và Điện Bàn có số thu được hưởng tăng so dự toán đầu năm hơn 109,8 tỷ đồng. Hiệp Đức không có biến động sau khi điều chỉnh. Núi Thành sẽ hụt thu so với dự toán đầu năm khoảng 4,5 tỷ đồng, thay vì dự báo hụt thu như ban đầu là 73 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, thực chất của điều chỉnh này theo hướng giao cho các địa phương số thu cao hơn so với dự toán từ đầu năm 764,6 tỷ đồng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng khá lớn đến việc điều hành ngân sách các địa phương, nhất là các huyện miền núi. Số giao thu tăng thêm chủ yếu từ nguồn thu nhà máy thủy điện thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương và từ doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, hoạt động của các nhà máy thủy điện lại phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến thời tiết. Còn khu vực FDI, số thu từ khu vực này chủ yếu từ hoạt động kinh doanh của nhà máy bia VBL. Số giao thu từ VBL chiếm tỷ trọng đến 42,3% tổng nguồn khu vực FDI, nhưng kết quả 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 16,6% so với dự toán. Khả năng hoàn thành chỉ tiêu từ bia VBL 6 tháng cuối năm phụ thuộc lớn vào kết quả sản xuất của VBL và thị trường tiêu thụ bia. Cần phải xem xét kỹ việc giao tăng thu từ khu vực doanh nghiệp FDI. “Điều chỉnh dự toán thu ngân sách để bù hụt thu vẫn chưa dự lường những vấn đề nảy sinh từ các nguồn thu. Quá trình quản lý, điều hành ngân sách cần theo dõi diễn biến thu tại 13 đơn vị chưa tự cân đối ngân sách để có phương án điều chỉnh hợp lý, giảm áp lực cân đối thu chi ngân sách, nhất là các huyện miền núi” - ông Đức nói.
Phương án điều chỉnh đã được trình, nhưng có được “chuẩn y” hay không phải chờ vào quyết định của kỳ họp HĐND lần này.
TRỊNH DŨNG