"Giải mã" năng lực cạnh tranh
Chìa khóa để cung cấp một môi trường đầu tư tốt hơn là chính quyền biết lắng nghe, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp bằng các chính sách thích hợp… Đây cũng là điều Quảng Nam đang hướng đến.
Cung cấp cơ sở hạ tầng tốt, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, sản xuất kinh doanh phát triển là những nội dung đang được Quảng Nam xúc tiến nhanh, hiệu quả. Ảnh: T.D |
4 tăng
Kết quả khảo sát của đại diện 244 doanh nghiệp dân doanh và 37 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chỉ số PCI năm 2016 của Quảng Nam đạt 61,27 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 2/12 khu vực duyên hải miền Trung (sau Đà Nẵng). Căn cứ vào những dữ liệu chi tiết PCI trong vòng 4 năm gần đây, Quảng Nam đã cải thiện đáng kể. Từ một tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế khá (năm 2013 xếp hạng 27/63) đã vươn lên chất lượng điều hành kinh tế trong nhóm tốt năm 2015 (8/63) và năm 2016 xếp hạng 10/63. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Quảng Nam lọt vào tốp 10 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất nước (thuộc nhóm có chỉ số tốt).
Khảo sát của VCCI đã ghi nhận 4 chỉ số (gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch và tính năng động của chính quyền tỉnh) đã tăng điểm. Hầu hết doanh nghiệp đã đánh giá cao về môi trường kinh doanh Quảng Nam thông thoáng, bình đẳng và gia nhập thị trường dễ dàng hơn. Hai chỉ số (cạnh tranh bình đẳng - 11/63 và gia nhập thị trường - 13/63) được đánh giá là 2 chỉ số có sự cải thiện rõ rệt về điểm số và thứ hạng năm 2016. Theo VCCI, sự tăng điểm của các chỉ số này thể hiện chính quyền đã quan tâm nhiều hơn và ưu tiên giải quyết những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. Thủ tục hành chính về đăng ký, thành lập doanh nghiệp đã được giải quyết nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện hơn cho doanh nghiệp.
Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay, từ năm 2016, doanh nghiệp Quảng Nam chỉ mất 3 - 5 ngày để hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp, so với 5 - 10 ngày như trước đây. Việc rút ngắn thời gian, đơn giản hồ sơ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới. Các loại thông tin về quy hoạch và pháp lý đã được công bố đầy đủ, chi tiết. Hầu hết tài liệu về ngân sách đã được công bố ngay sau khi cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh đã được doanh nghiệp truy cập nhiều, đánh giá tốt. Không chỉ vậy, chính từ sự linh hoạt, năng động, sáng tạo, cầu thị với nhiều sáng kiến, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được chính quyền Quảng Nam ban hành kịp thời, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã nhận được sự ủng hộ và cho điểm của doanh nghiệp tư nhân.
6 giảm
Ông Võ Văn Hùng cho rằng dù tổng điểm PCI năm 2016 tăng 0,11 điểm nhưng thứ hạng lại giảm 2 bậc và còn đến 6 chỉ số thành phần bị giảm điểm. Điều này cho thấy kết quả cải cách hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa ổn định, thiếu bền vững. Các chỉ số thành phần PCI luôn biến động tăng, giảm không đều qua từng năm. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, bứt phá hơn về cải thiện các chỉ số thành phần trong PCI. Có thể thấy, chỉ số tiếp cận đất đai vốn nằm trong những chỉ số tăng điểm năm 2015 đã bị sụt giảm trong năm 2016 (giảm đến 11 bậc). Theo dữ liệu khảo sát của VCCI, 78% doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh, 83% doanh nghiệp siêu nhỏ, 63% doanh nghiệp nhỏ và 100% doanh nghiệp vừa cho biết họ đã gặp khó khăn về thủ tục hành chính đất đai trong vòng 2 năm qua. Rủi ro thu hồi đất của doanh nghiệp hiện vẫn đang ở mức cao và khả năng được bồi thường rất thấp nếu bị thu hồi đất.
Khảo sát cũng ghi nhận chi phí không chính thức có xu hướng tiêu cực. Chỉ số này chưa có dấu hiệu cải thiện. Nếu năm 2015 xếp hạng 5/63 thì năm 2016 đã bị xếp thứ 22/63, giảm đến 17 bậc và là chỉ số thành phần bị giảm điểm, giảm hạng nhiều nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI. 60% doanh nghiệp cho rằng họ đã bị nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là những doanh nghiệp lớn thuộc công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông lâm thủy sản. Chi phí thời gian không được cải thiện. Có đến 11% doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 4 cuộc trở lên. 44% doanh nghiệp cho biết đã phải “tặng quà” cho cán bộ thanh tra, kiểm tra. Nhiều nhất doanh nghiệp nhỏ (47%), siêu nhỏ (42%), doanh nghiệp lớn (33%) và 17% doanh nghiệp vừa.
Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế, chưa đạt chất lượng. Theo ghi nhận, các doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa tự cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ của mình. Chính điều này đã khiến cho các doanh nghiệp giảm bớt nhu cầu tìm kiếm, sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp từ khu vực tư nhân. Tỷ lệ doanh nghiệp có ý định sử dụng lại các nhóm dịch vụ đã giảm đáng kể. Doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ vẫn còn gặp khá nhiều bất lợi khi tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương. Hơn 50% doanh nghiệp đã không biết tới chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Họ ít có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến cho chính sách phát triển kinh tế của địa phương khi 70% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ không hề có điều kiện tham gia ý kiến về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Chất lượng lao động cũng đang là một vấn đề cần tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đã gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Con số này được ghi nhận đứng thứ 39/63, giảm 7 bậc và xếp thứ 11/12 tỉnh, thành duyên hải miền Trung. Một vấn đề đáng “kinh ngạc” hơn khi các doanh nghiệp đều cho rằng đã giảm niềm tin vào khả năng bảo vệ pháp luật (từ 92% xuống còn 84%), ít có sự tin tưởng vào các cơ chế tố cáo tham nhũng của cán bộ khi 53% doanh nghiệp nói họ chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, từ năm 2018 trở về sau, Quảng Nam phấn đấu luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất nước, thuộc nhóm tốt (đạt từ 60 điểm trở lên). Những kiến nghị của doanh nghiệp không được giải quyết dứt điểm thì sáng kiến cũng sẽ chỉ mang tính hình thức, lấy điểm nhất thời. Nỗ lực cải thiện nâng chất lượng điều hành là trách nhiệm chung của toàn hệ thống, các địa phương không chỉ trông chờ vào cấp tỉnh mà tự mình giải quyết theo đúng luật, nói đi đôi với làm, giải quyết kịp thời, đúng hạn những yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
TRỊNH DŨNG