Phát triển công nghiệp sạch
Cơ cấu kinh tế TP.Tam Kỳ trong những năm gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng các ngành thương mại dịch vụ và công nghiệp, trong đó đáng chú ý là công nghiệp sạch.
Với vị thế đô thị tỉnh lỵ, từ năm 2006 đến nay, TP.Tam Kỳ luôn xác định mục tiêu và triển khai các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và chuyển dịch theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ và công nghiệp. Cơ sở hạ tầng trên lĩnh vực thương mại dịch vụ được đầu tư phát triển đồng bộ với việc hình thành các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ đầu mối, ngân hàng… Một số công trình trọng điểm đã được nâng cấp, xây mới như chợ trung tâm Tam Kỳ, chợ An Sơn, đường Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng, Lý Thường Kiệt… Mạng lưới kinh doanh thương mại được mở rộng với 7 chợ, 4 siêu thị và nhiều cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ. Trong khi đó, công nghiệp phát triển mạnh với các khu công nghiệp Thuận Yên, cụm công nghiệp Trường Xuân và mới đây nhất là khu công nghiệp Tam Thăng với quy mô 200ha, hiện đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư lớn với tổng số vốn đăng ký hơn 80 triệu USD. Thành phố cũng xây dựng quy hoạch chung và các quy hoạch phân khu để tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, định hình các vùng phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. Tính đến cuối năm 2016, giá trị thương mại dịch vụ toàn thành phố đạt 11.756 tỷ đồng, giá trị ngành công nghiệp xây dựng đạt trên 4.380 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 375 tỷ đồng.
Theo ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm phát triển khu, cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ TP.Tam Kỳ, hiện nay, trong các loại hình phát triển công nghiệp, thành phố ưu tiên cho công nghiệp sạch. Cụ thể như sản xuất vật tư y tế, thiết bị điện, điện tử, bơm chân không ô tô phục vụ cho các ngành công nghiệp ô tô… “Đối với một số loại hình thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố, chúng tôi sẽ lựa chọn các nhà đầu tư để thực hiện các dự án như chăm sóc sức khỏe, thiết bị trường học, vật liệu xây dựng, xúc tiến đầu tư xây dựng các resort, khu nghỉ dưỡng tại vùng ven biển…” - ông Đức nói thêm. Trở thành thành phố đô thị loại II từ năm 2016, Tam Kỳ tiếp tục đặt mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, xác định cơ cấu nền kinh tế đến năm 2020 chuyển dịch theo hướng: thương mại dịch vụ 71%, công nghiệp xây dựng 27,5%, nông nghiệp 1,5%. Các giải pháp cụ thể đề ra đó là phát triển các cơ sở dịch vụ trên trục đường Điện Biên Phủ, Bạch Đằng, Hùng Vương, Huỳnh Thúc Kháng; tập trung hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp Thuận Yên khớp nối với cụm công nghiệp Trường Xuân; thu hút những dự án FDI từ Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tư vào khu công nghiệp Tam Thăng…
Ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho biết: “TP.Tam Kỳ xác định phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Do vậy, chúng tôi coi trọng phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao và kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường. Trong tương lai, du lịch cũng sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố”.
TƯỜNG QUÂN - QUANG SƠN