Du lịch miền Trung - Tây Nguyên: Làm gì để có đẳng cấp thương hiệu?

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 01/07/2017 10:33

Cần các tập đoàn kinh tế làm trụ cột phát triển; đột phá các chính sách tài chính; hay chỉ cần sự tham gia của cộng đồng dân cư làm du lịch, liên kết hiệu quả để định hình một thương hiệu chung cho du lịch miền Trung – Tây Nguyên (MTTN). Đó là câu chuyện bàn định cho du lịch khu vực này tăng tốc đúng với tiềm năng, hướng đến đẳng cấp thương hiệu - vẫn luôn nóng và chưa có hồi kết trong các diễn đàn hay hội thảo về du lịch đã, đang và sẽ mở…

Đà Nẵng là nơi thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế mạnh trong phát triển du lịch. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đà Nẵng là nơi thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế mạnh trong phát triển du lịch. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

“Cần các tập đoàn lớn làm trụ cột”

Tiềm năng du lịch MTTN lớn. Nhưng chưa tận dụng tốt. Tỉnh, thành phố nào mở biên độ cho du lịch và thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế mạnh thì phát triển tốt như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận. Còn Tây Nguyên (trừ Đà Lạt) và các tỉnh miền Trung khác tuy tiềm năng không thua kém, thậm chí có những mặt nổi trội hơn, nhưng vẫn chưa đúng tầm vì thiếu cách tiếp cận phát triển với tầm nhìn hợp thời và hợp thế. Không chỉ vậy, nhiều cơ sở cho sự phát triển bền vững, định hướng đẳng cấp cao đã và đang bị xói mòn. Tất cả bắt nguồn từ chính mô hình kinh tế hướng tới khai thác cạn kiệt tài nguyên và các nguồn lực sẵn có. Duy trì mô thức phát triển du lịch định hướng “sản lượng khách” quá lâu. Phát triển du lịch theo lối truyền thống “mạnh ai nấy làm”, cạnh tranh gà nhà, ăn xổi. Đó là sự dàn trải, thiếu liên kết địa phương, thiếu phối hợp ngành dẫn tới lợi ích cục bộ và xung đột lợi ích, thiếu định hướng thị trường mục tiêu (thị trường khách theo đẳng cấp).

Không có sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt địa phương, khác biệt ngành và chưa nhận thức đầy đủ thế mạnh của du lịch như một tổng thể liên kết (thương hiệu) để định vị như một địa chỉ du lịch khác biệt và đẳng cấp. Chiến lược công nghiệp hóa không định hướng công nghệ cao, chỉ tập trung phát triển các ngành công nghiệp cổ điển, bỏ qua nguyên tắc lợi thế, bỏ rơi nông nghiệp, du lịch dịch vụ và quan điểm thống trị là nhà nước làm du lịch. Không hoặc chưa coi trọng vai trò quyết định của doanh nghiệp. Tất cả điều đó đã diễn ra trong một thời gian dài, mà thiếu vắng một định hướng phát triển hướng tới đẳng cấp cao. Cho đến tận bây giờ, doanh nghiệp du lịch vẫn manh mún, chủ yếu dựa vào nền “bất động sản” hơn là “công nghiệp văn hóa”, thiếu trụ cột dẫn dắt. Sự phân tán, manh mún, địa phương chủ nghĩa nên tranh chấp lợi ích, gà nhà đá nhau, kiềm chế nhau ở các cấp độ. Kết cục là không thể nào tạo thương hiệu và biểu tượng du lịch quốc gia, thậm chí thương hiệu và biểu tượng du lịch vùng.

Không phải đánh giá thấp các doanh nghiệp nhỏ, nhưng cần có một trụ cột để liên kết các doanh nghiệp du lịch lại thì khi đó mới thống nhất hành động phát triển. Và đây là mấu chốt cho phát triển du lịch đẳng cấp và thương hiệu. Đây cũng là điểm yếu chung của du lịch Việt Nam. Ngoại trừ tiềm năng quá đẳng cấp thì MTTN thiếu các điều kiện thể chế cho việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khắc phục được những những điểm yếu đó chính là định hình tương lai  du lịch MTTN.

Trình độ cao hay đẳng cấp chỉ là nấc thang phát triển mới của du lịch. Ngoài các trụ cột là các tập đoàn kinh tế lớn thì câu chuyện tạo dựng hình ảnh an toàn, thân thiện, giảm thiểu rủi ro, tạo liên kết… là một trong những giá trị cốt lõi. Nếu Tây Nguyên không còn rừng thì liệu miền Trung có an toàn để hướng đến đẳng cấp và ngược lại du lịch miền Trung không đáng tin cậy thì Tây Nguyên có cơ hội phát triển hay không?

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

“Doanh nghiệp không mạnh, đừng nói đến đẳng cấp”

Mạng lưới doanh nghiệp du lịch MTTN đang hình thành và phát triển với tốc độ rất nhanh. Một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam đã tập trung xây dựng nhiều cơ sở lưu trú cao cấp với quy mô lớn mang thương hiệu Việt Nam như Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh, đã làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng đất. Khu vực Đà Nẵng - Hội An đã từng bước trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp lớn nhất Việt Nam với hàng loạt khách sạn, resort trải dài khoảng 40km. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ hệ thống khách sạn, resort dẫn đến MTTN thiếu nghiêm trọng nhân lực du lịch, đặc biệt nhân lực có trình độ cao. Các doanh nghiệp lớn đã thuê các chuyên gia nước ngoài quản lý, nhưng hầu hết doanh nghiệp nhỏ phải sử dụng nhân lực không đạt tiêu chuẩn. Số lao động chưa đào tạo chiếm tỷ lệ cao (Thanh Hóa 25,8%, Nghệ An 40%, Quảng Nam 39,3%, Phú Yên 43,2%…).

Khu vực này đang hấp dẫn du khách, nhưng các tỉnh đầu tư rất ít cho công tác phát triển thị trường nên thị trường thuộc loại tự phát. Thiếu sản phẩm du lịch đặc thù do các công ty tự lo xây dựng sản phẩm và quản lý sản phẩm lỏng lẻo. Ngân sách dành cho xúc tiến điểm đến quá ít. Các chủ đầu tư chỉ tập trung quảng cáo cho sản phẩm riêng họ, ít đóng góp hoặc tham gia xúc tiến điểm đến cho khu vực. Việc này cần được triển khai để bảo đảm sự phát triển ổn định nguồn khách, định hướng được thị trường.

Doanh nghiệp có vai trò quan trọng hàng đầu, bởi họ là người trực tiếp khai thác tài nguyên, xây dựng và cung cấp các sản phẩm du lịch, phù hợp nhu cầu khách quốc tế và nội địa. Không có họ, sẽ không có sự phát triển. Chính quyền cần xác định vai trò động lực phát triển du lịch của doanh nghiệp bằng sự tôn trọng đúng mức, xây dựng chính sách hỗ trợ, giải quyết các đề nghị hợp lý của doanh nghiệp, ban hành các chính sách trong thẩm quyền của mình, đối thoại công tư để tạo sự đồng thuận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

Một vấn đề quan trọng cần được tháo gỡ chính là đẩy nhanh triển khai Nghị quyết 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch phù hợp với thẩm quyền của mỗi địa phương. Trên cơ sở tài nguyên du lịch mỗi địa phương, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch thích hợp với các thị trường phù hợp, tăng cường tham gia các sự kiện xúc tiến trong nước để thu hút khách nội địa và ủng hộ sự hoạt động của hiệp hội du lịch các địa phương. Hiệp hội du lịch cần hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết khu vực, xây dựng các liên minh doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp MTTN phát huy thế mạnh của mình, hợp tác với doanh nghiệp các địa phương trong cả nước kinh doanh có hiệu quả cao, đặc biệt tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu của khu vực, góp phần phát triển các dịch vụ đẳng cấp cho khu vực này.

Sông Hoài - Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Sông Hoài - Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước về du lịch với hiệp hội du lịch, qua thành công ở một số địa phương, đủ khẳng định là con đường đúng đắn phát huy sức mạnh của các doanh nghiệp, thúc đẩy nhanh phát triển du lịch ở địa phương. Còn doanh nghiệp, cũng cần nhận thức được vai trò, vị trí, cơ hội, điều kiện kinh doanh du lịch được quy định trong Luật Du lịch để cấu trúc doanh nghiệp phù hợp với sự phát triển của thị trường du lịch và yêu cầu của xã hội…

TS.Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn vùng miền Trung:

“Phải ứng xử đúng tầm với du lịch”

Nói một cách ngắn gọn, du lịch phát triển phải để tự người dân làm và làm bằng trái tim. Khi đó mới tính đến sự chuyên nghiệp hay đẳng cấp. Điều đầu tiên phát triển du lịch là tạo dựng lòng tin, sự thân thiện. Du lịch không chỉ là chuyện chuyên nghiệp mà phải được cộng đồng dân cư làm du lịch. Nếu cộng đồng dân cư đó đứng bên ngoài thì không có một công ty du lịch chuyên nghiệp nào làm thành công. Quản lý nhà nước cần phải làm 4 việc. Đó là quy hoạch cụ thể, không thể để dang dở, chia cắt. Nhà nước phải cung cấp hạ tầng kỹ thuật thì doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư. Thực tế cho thấy, chỗ nào nhà nước không cung cấp hạ tầng tốt thì chỗ đó không thể phát triển. Quan trọng hơn cả là nhà nước phải bảo đảm an ninh, trật tự. Ở đó không có chụp giật, cướp bóc, có đi suốt đêm vẫn an toàn, mua sắm không bị chặt chém. Và cuối cùng là nhà nước chỉ còn chờ để thu thuế.

 Thực sự MTTN có quá nhiều tiềm năng nhưng không định hình rõ nét, nhiều địa phương không bao giờ dám dồn một nơi, chọn một điểm để đầu tư dứt điểm. Tình trạng dàn trải, rải đều việc đầu tư, chỗ nào cũng có chút cho vui, không thể phát triển được. Không thể phân biệt đối xử. Tại sao nếu thuê đất làm công nghiệp được miễn thuế 15 năm mà làm du lịch phải đóng tiền và tại sao ngành khách sạn phải trả giá điện cao để bù lỗ cho sắt thép, xi măng… Riêng sự phân biệt đối xử này khó mà nói nó là ngành mũi nhọn một khi vẫn cứ khăng khăng cho xi măng hay sắt thép công nghiệp mới là quan trọng trong việc kiếm tiền làm giàu cho đất nước.

Nghị quyết chọn du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn thì phải ứng xử với nó đúng tầm mũi nhọn. Tôi xin thưa rằng, lâu nay các ngành chưa đánh giá hết tiềm năng và đóng góp của ngành du lịch – một ngành tạo ra sản phẩm nội địa có giá trị cao nhất chứ không phải là công nghiệp. Đó là ngành xuất khẩu tại chỗ, lấy ngoại tệ tại chỗ. Nó tác động cho ngành nông nghiệp và các ngành khác phát triển rất mạnh, nếu như giải quyết tốt 4 vấn đề: ở đâu, ăn gì, chơi ở đâu và mua cái gì mang về. Hiện chúng ta chưa làm tốt cái nào. Không nên chê khách du lịch nào. Vấn đề là sự chuẩn bị bên trong để đón, ứng xử với từng loại khách khác nhau như thế nào, có tiếp tay tiêu cực không? Quản lý nhà nước phải loại bỏ những công ty lữ hành giả, nhái thương hiệu, những người làm ăn phi pháp không có đất sống thì mới có thể phát triển được.

Hiện nay khó khăn nhất của du lịch MTTN là nhân lực. Nghề này không thể tay ngang hay nghiệp dư làm được. Nhưng nhân lực chưa được đào tạo. Cần kiến nghị Chính phủ để các trung tâm đào tạo, trường nghề gắn với cơ sở du lịch đào tạo nhân lực chất lượng chứ đào tạo chay như hiện nay thì không làm gì được. Sự cạnh tranh thu hút nhân lực ngay giữa các doanh nghiệp du lịch đang là điều nhức nhối. Ngoài những hạn chế về cơ chế, chính sách, thủ tục…, cái lớn nhất phải bắt đầu (vì thay đổi rất chậm) là tập trung tính toán đào tạo nguồn nhân lực, định hướng rõ ràng thì mới có thể phát triển bền vững được.

KTS.Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định:

“Cần một nhạc trưởng”

Quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương vẫn là khoảng trống, cần có một định hướng cụ thể. Với sự quản lý nhà nước này, đồng nghĩa chúng ta chưa kịp chuẩn bị cho quy chế phát triển du lịch ở từng địa phương. Du lịch MTTN chưa cần đặt vấn đề thương hiệu, đẳng cấp vì chắc chắn rất nhiều tỉnh, thành chưa thể đạt đến mức đó. Để tạo động lực phát triển, quan trọng nhất để liên kết phát triển du lịch MTTN ở từng địa phương thì sự thân thiện, an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu. Không thể ai cũng có quyền ý kiến, kiểm soát. Chẳng hạn như phát triển du lịch biển, đảo (thế mạnh của duyên hải miền Trung), một con thuyền chở khách ra biển, bộ đội biên phòng có ý kiến, cảnh sát giao thông, thanh tra chính quyền địa phương cũng có quyền “ách lại”, trong khi ngành du lịch không có một quyền hạn nào trong “sự vụ” này thì làm sao nói với doanh nghiệp để họ tạo nên động lực phát triển. Định hướng phát triển du lịch hiệu quả, trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đòi hỏi cung cách quản lý phải đi theo, phù hợp, nhưng quản lý nhà nước vẫn y như gần 10 năm trước. Tại sao các ngành khác có tổng cục thì ở địa phương có cục như một chân rết mà ngành du lịch lại không? Không định hướng cơ chế quản lý bộ máy, một thủ lĩnh thì làm sao giúp du lịch địa phương phát triển tương xứng.
Ngành du lịch địa phương năng động, chịu khó, tạo dựng được doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng, nhưng sự liên kết đánh dấu sự khởi đầu ở đâu? Điểm mấu chốt của kết thúc hành trình liên kết này ở chỗ nào? Hiện tại sự liên kết này chưa có một nhạc trưởng hay chưa có định hướng về quy mô liên kết ở lĩnh vực nào và liên kết ra làm sao. Thực tế rõ ràng ở khu vực này chỉ có 2 sản phẩm du lịch đặc trưng: nghỉ dưỡng biển và văn hóa, lịch sử. Nhưng sự phát triển cộng với sự căng kéo, cạnh tranh trong việc thu hút khách đã làm giảm giá trị của “thương phẩm”. Bình Định cũng đã phối hợp với Quảng Ngãi, Phú Yên làm một tour “về với hoa vàng cỏ xanh và đại ngàn Tây Nguyên”, nhưng thực chất liên kết này phụ thuộc các doanh nghiệp nên thiếu sự hợp tác và cũng đã khó thành công.

Không thể bắt ép một ngành mới phát triển trong vài năm mà bảo đảm được nguồn nhân lực. Ngành du lịch cần sự hỗ trợ của nhà nước về chính sách đào tạo nhân lực. Nói một cách đơn giản là phát triển nhân lực ở cấp nào và ai làm. Địa phương hiện chỉ có thể đào tạo 4 lĩnh vực: buồng, bàn, bar, bếp. Chỉ trong vòng một vài tháng có thể làm việc được. Nhưng lao động chất lượng cao phải từ vai trò của trung ương, mới có thể có chính sách đào tạo từ hệ thống các trường đại học, cao đẳng.

Chưa cần bàn tới đẳng cấp thương hiệu, chỉ cần có những chương trình, trách nhiệm của liên kết, kế hoạch cụ thể giữa các địa phương, để tạo ra hình ảnh, một thương hiệu chung cho du lịch MTTN thực sự hiệu quả, đã là chuyện thành công rồi.

TS.Vũ Đình Ánh - Viện Kinh tế Tài chính:

“Phải đột phá chính sách tài chính”

Chiến lược hay quy hoạch tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt đều khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp vào năm 2020. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển thì tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2016 – 2020 phải đạt 11,5 – 12%/năm. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch xác định nhu cầu đầu tư rất lớn. Giai đoạn 2016 – 2020 là 482 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2021 – 2025 là 506 nghìn tỷ đồng và 533 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2026 – 2030.

Nguồn vốn đầu tư đó tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Ưu tiên đầu tư phát triển các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch, các khu, tuyến, điểm du lịch các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nhưng có tiềm năng phát triển du lịch.

Kế hoạch như vậy, nhưng khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn vẫn còn khá xa, chưa đồng bộ và thiếu ổn định. Nội dung các chính sách ưu đãi hỗ trợ chưa thật sự đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để tạo ra đột phá của ngành du lịch. Trong khi xu hướng đầu tư từ ngân sách sẽ giảm. Khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để phát triển du lịch là rất hạn chế. Theo thống kê, các tỉnh, thành MTTN còn nghèo với nguồn thu ngân sách nhà nước hạn chế. Nguồn nội lực đầu tư từ ngân sách không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn…

Như vậy, tư duy đột phá là không nên trông cậy hay phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch từ ngân sách (cả trung ương và địa phương), thậm chí phải chuẩn bị phương án đầu tư từ vốn ngân sách không đạt 8 -10% tổng nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch. Do đó cần sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách một cách tập trung, dứt điểm và hiệu quả để dẫn dắt, lan tỏa, thu hút các nguồn vốn khác (kể cả nước ngoài) nhằm bù đắp phần thiếu hụt từ ngân sách và lưu ý các chính sách tài chính ưu đãi hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch. Đột phá trong chính sách tài chính ưu đãi hỗ trợ phát triển riêng du lịch chính là đưa du lịch, cả đầu tư và kinh doanh vào thành một đối tượng ưu đãi hỗ trợ trong tất cả văn bản chính sách, với mức ưu đãi hỗ trợ ít nhất không thấp hơn với mức ưu đãi hỗ trợ chung chung, từ những ưu đãi hỗ trợ đầu tư, tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế đến tiếp cận tín dụng…

Quan trọng nhất, chính sách tài chính phát triển du lịch cho MTTN hay cả Việt Nam chỉ thực sự có đột phá khi và chỉ khi du lịch được đặt đúng vị trí của nó như một ngành kinh tế mũi nhọn với tất cả cơ chế tài chính và ưu đãi hỗ trợ phát triển tương xứng.

TRỊNH DŨNG (thực hiện)

TRỊNH DŨNG (thực hiện)