Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên: Vẫn còn nhiều cái thiếu

TRỊNH DŨNG 21/06/2017 09:01

Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên một lần nữa được đem ra luận bàn. Mong muốn hướng tới đẳng cấp thương hiệu là khát vọng của chính quyền, doanh nghiệp, nhưng trước hàng loạt rào cản về tài chính, nhân lực, thiếu sản phẩm đặc hiệu… lẫn sự liên kết lỏng lẻo nên ước muốn này sẽ vẫn là câu chuyện không dễ thành hiện thực.

Đại biểu trao đổi tại diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên.Ảnh: T.DŨNG
Đại biểu trao đổi tại diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên.Ảnh: T.DŨNG

Chưa tương xứng tiềm năng

Theo thống kê, năm 2016 tổng lượng khách quốc tế đến miền Trung - Tây Nguyên đạt 6,4 triệu lượt (trong đó Bắc Trung Bộ đạt 1,48 triệu lượt, duyên hải Nam Trung Bộ 4,41 triệu lượt và Tây Nguyên 0,55 triệu lượt). Tổng lượng khách nội địa đạt 37,8 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 71 nghìn tỷ đồng. Số lượt khách lớn nhưng phân bổ không đồng đều. Tổng lượng khách du lịch cao nhưng số ngày lưu trú bình quân của du khách rất thấp. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, miền Trung – Tây Nguyên có nhiều lợi thế. Song, sự phát triển của ngành du lịch không đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp, chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Đà Lạt có ngành du lịch phát triển khá sôi động, có cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển, đáp ứng tốt các yêu cầu thì nhiều điểm đến khác chưa có sự bứt phá…

Khá nhiều ý kiến tại diễn đàn du lịch miền Trung – Tây Nguyên tổ chức ngày 10.6 tại Tam Kỳ cho rằng du lịch miền Trung - Tây Nguyên chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua việc khai thác thô các tài nguyên du lịch và thu hút vốn đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú. Sản phẩm du lịch khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương. PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, chính sự tương đồng về tiềm năng cũng như các ưu tiên phát triển du lịch của các địa phương trong vùng đã khiến sản phẩm du lịch trùng lặp, đơn điệu, khi vùng này chỉ thu hút được 50% lượng khách so với cả nước. Sự “thất bại” này do thiếu tính liên kết, hợp tác giữa các công ty lữ hành, lưu trú… để tạo nên hình ảnh thống nhất của vùng.

Lấy sự liên kết làm điểm tựa

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để du lịch miền Trung - Tây Nguyên phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng, thì trước hết cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc mạnh hơn nữa. Trong đó cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, phải tìm ra đâu là sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để đầu tư, tạo ra thương hiệu nhằm thu hút du khách. “Du lịch miền Trung - Tây Nguyên phải lấy sự liên kết làm điểm tựa để phát triển. Cùng với đó, trong đào tạo nhân lực du lịch, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nên gắn kết chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Bộ VH-TT&DL cũng phải phối hợp để tính đến việc xây dựng khung đào tạo nhân lực du lịch…” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nguồn lực hạn hẹp cũng là vấn đề cản trở sự phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên. TS.Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế tài chính) cho hay khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn còn khá xa, chưa đồng bộ và thiếu ổn định. Nội dung các chính sách ưu đãi hỗ trợ chưa thật sự đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để tạo đột phá của ngành du lịch. Nguyên nhân chủ yếu là một số địa phương và cơ quan chức năng chưa thật sự nhận thức du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để từ đó hoạch định chính sách tài chính ưu đãi đặc thù cho ngành du lịch. Theo kế hoạch, nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 toàn khu vực là 482 nghìn tỷ đồng, nhưng xu hướng đầu tư từ ngân sách sẽ giảm. Khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước phát triển du lịch là rất hạn chế. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành thuộc miền Trung - Tây Nguyên với nguồn thu ngân sách nhà nước hạn chế, vì vậy nguồn nội lực đầu tư từ ngân sách không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn…

Hiến kế

Diễn đàn phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên lần này chủ yếu trao đổi, gợi mở để có thêm cái nhìn mới về việc định hình “đẳng cấp thương hiệu”. Diễn đàn hướng tới phân chia 3 vùng khai thác du lịch khác nhau. Vùng Bắc Trung bộ (6 tỉnh) hướng đến khai thác sản phẩm đặc trưng như tham quan di sản, di tích lịch sử văn hóa, du lịch biển đảo, tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái, du lịch biên giới gắn với các cửa khẩu. Duyên hải Nam Trung bộ (8 tỉnh, thành) sẽ hướng đến khai thác sản phẩm đặc trưng như du lịch biển đảo, du lịch tham quan di tích (hệ thống di sản) kết hợp du lịch nghiên cứu bản sắc văn hóa (văn hóa Chăm, các dân tộc thiểu số ở Đông Trường Sơn), du lịch MICE. Tây Nguyên (5 tỉnh) hướng khai thác du lịch văn hóa Tây Nguyên, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, tham quan nghiên cứu hệ sinh thái...

TS.Nguyễn Thu Hạn - Chủ tịch Liên hiệp khoa học và phát triển du lịch bền vững cho rằng các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên nên cùng nhau tìm kiếm hướng đi chung cho hội nhập, đầu tư, tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá về du lịch cho cả khu vực bằng cách chọn khái niệm điểm đến thay vì địa giới hành chính. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng du lịch miền Trung khởi sắc nhờ nhận diện đúng lợi thế, lựa chọn hướng ưu tiên đúng thế và hợp thời, tập trung thu hút đầu tư với sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn, có tầm nhìn. Tỉnh, thành phố nào mở biên cho du lịch và thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế mạnh thì phát triển càng tốt. Tây Nguyên (ngoại trừ Đà Lạt) và các tỉnh miền Trung khác như Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế tuy tiềm năng không thua sút, thậm chí có những mặt trội nhưng vẫn chưa thấy phát triển đúng tầm vì thiếu cách tiếp cận phát triển với tầm nhìn hợp thời và hợp thế. Ông Thiên đặt câu hỏi và cũng đưa ra câu trả lời. Sự tụt hậu này bắt đầu từ chính những mô hình kinh tế hướng tới khai thác cạn kiệt tài nguyên và các nguồn lực sẵn có. Cách phát triển của du lịch thiếu tầm nhìn hướng tới đẳng cấp cao một cách rõ rệt. Duy trì mô thức phát triển du lịch định hướng “sản lượng khách” quá lâu. Không có sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt địa phương, khác biệt ngành, chưa biết giới thiệu để định vị.

Theo ông Thiên, một trong những rào cản khác chính là thiếu vốn đầu tư; chưa coi trọng vai trò quyết định của doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển du lịch. Đến nay, doanh nghiệp du lịch vẫn manh mún, chủ yếu dựa vào nền “bất động sản” hơn là “công nghiệp văn hóa”, thiếu trụ cột dẫn dắt. “Thiếu tầm nhìn, thiếu vốn, thiếu lực lượng doanh nghiệp chủ công, thiếu cơ chế liên kết, thiếu nguồn nhân lực. Tóm lại, ngoại trừ tiềm năng quá đẳng cấp thì miền Trung – Tây Nguyên thiếu tất cả, nghĩa là thiếu các điều kiện thể chế cho việc phát triển ngành kinh tế mũi nhọn trong điều kiện thị trường, hội nhập. Khắc phục được những điểm yếu đó chính là định hình tương lai tươi sáng của du lịch miền Trung - Tây Nguyên, một tuyến trụ cột của ngành kinh tế Việt Nam. Nhưng điều đó không dễ dàng” - ông Thiên nói.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG