Bài toán tăng thu ngân sách
Khả năng thu ngân sách Quảng Nam năm 2017 sẽ hụt thu ít nhất 1.000 tỷ đồng. Bài toán tăng thu ngân sách đầy có khăn không dễ có lời giải cụ thể trong hiện tại.
Sự sụt giảm doanh thu của Thaco kéo theo ngân sách Quảng Nam suy giảm. Ảnh: T.D |
Chắc chắn hụt thu
Con số thu nội địa khoảng 5.580 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng chỉ bằng 39,4% dự toán năm được cho là khá bất lợi của nền kinh tế Quảng Nam sau gần 6 tháng. Sự sụt giảm này chủ yếu do tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp quá ít ỏi (tăng 1,33%), nhất là ngành sản xuất và lắp ráp ô tô chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp Quảng Nam lại giảm đến 1,2% so cùng kỳ. Không chỉ vậy, tình hình tiêu thụ sản phẩm và tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng không khá hơn. Nếu chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 20,6% so cùng kỳ thì tồn kho đã gấp 266 lần. Riêng dòng xe tải Kia tồn kho đã tăng đến mức kỷ lục là hơn 700 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay dự toán thu nội địa năm 2017 khoảng 14.150 tỷ đồng, nhưng mới chỉ thu chưa tới 40% thì khả năng sẽ hụt thu lên đến 1.120 tỷ đồng vào cuối năm nay. Chủ yếu do sản xuất, kinh doanh của Trường Hải gặp khó khăn. Có thể số đóng góp của công ty này cho ngân sách Quảng Nam hụt gần 1.000 tỷ đồng. Ông Lương Đình Đường – Phó cục trưởng Cục Thuế cho biết thu nội địa của Quảng Nam nhờ vào các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nhưng cho dù các ngành kinh tế tăng trưởng liên tục đến 21% vẫn không thể bù đắp nổi khi sự suy giảm của Trường Hải sẽ dẫn đến thu ngân sách giảm sút đáng kể.
Quảng Nam đã chứng kiến sự bùng nổ đầu tư từ những dự án khởi công, khánh thành như xây dựng nhà máy sản xuất xe Mazda, khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An hay khánh thành dự án nước giải khát ở Chu Lai, nhà máy dệt may, nhà máy tái sử dụng nước tại Khu công nghiệp Tam Thăng… Tuy nhiên, tất cả dự án này cũng chỉ mới là sự khởi đầu, chưa thể đóng góp nhiều vào tăng trưởng của Quảng Nam trong hiện tại. Ông Đinh Văn Đào – Cục trưởng Cục Thống kê cho hay Quảng Nam không thể trông chờ vào các khoản thu đột biến. Chỉ dựa vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Thống kê nhiều năm ghi nhận thu ngân sách nội địa luôn phụ thuộc vào độ tăng trưởng của Trường Hải (chiếm đến 64,7% tổng thu ngân sách nội địa). Các nhà máy lớn đang triển khai, nhưng dự báo năng lực sản xuất các ngành mới này sẽ không bù đắp được cân đối ngân sách 2017. Một khi nguồn thu từ ô tô hụt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách Quảng Nam.
Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng giám đốc Thường trực Thaco cho biết hiện tại thị trường ô tô, nhất là ô tô du lịch đang gặp khó khăn vì tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, khó khăn này cũng chỉ là tạm thời. Một phần do chỉ tiêu đề ra hồi đầu năm quá cao. Thaco đang soát xét lại kế hoạch, cam kết với UBND tỉnh sẽ đảm bảo nguồn thu nội địa ít nhất là 8.000 tỷ đồng và 6.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu. Tất cả nguồn thu này cũng gần bằng năm 2016 dù có sụt giảm, không như kế hoạch đề ra.
Tăng thu không dễ
Con số tổng thu nội địa năm 2017 được xác lập 14.150 tỷ đồng, tăng 8,9% so với thực hiện năm 2016, trong khi số thu nội địa năm 2016 bất ngờ tăng đột biến (13.745 tỷ đồng, vượt đến 156,3%) đã khiến dự toán năm 2017 cũng tăng đến con số kịch trần. Theo một phép tính, nếu chỉ tiêu tăng thu 8,9% và phấn đấu vượt từ 8 – 10% số thu đó thì số thuế thực thu năm 2017 sẽ tăng đến 16 - 20% so với năm 2016. Con số này luôn gây căng thẳng cho không chỉ cơ quan thuế mà cả doanh nghiệp.
Khả năng thu ngân sách không đạt kế hoạch đã buộc các cơ quan quản lý đưa ra nhiều toan tính. Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính nói cần điều chỉnh dự toán thu, chi cho phù hợp thực tế. Nguồn thu từ ô tô giảm thì phải tính đến phương án tăng các sắc thuế khác, thu đúng, thu đủ. Ông Lương Đình Đường – Phó cục trưởng Cục Thuế cho hay cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, đôn đốc, khai thác nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để đưa vào quản lý thu, chống thất thu thuế. Một trong những khoản thu bù đắp khác là sẽ tiến hành khẩn trương, siết chặt việc thu hồi nợ đọng thuế... “Cơ quan thuế đã lên nhiều kịch bản, phương án để tăng thu. Những ngành còn dư địa khá cao như thủy điện, viễn thông hay các ngành kinh tế khác đang được tính toán lại để tìm biện pháp tăng thu. Tăng hay giảm của từng ngành, tăng thu và tăng ở đâu sẽ được tính toán cụ thể để bình ổn việc thu ngân sách” - ông Đường nói.
Chính quyền, cơ quan quản lý đã xác lập động lực tăng thu ngân sách bằng những hành động cụ thể. Có thể cơ quan quản lý tính toán, đưa ra khá nhiều biện pháp, nhưng rất khó có thể định lượng được phát sinh kinh tế, năng lực sản xuất, tiêu thụ của thị trường vốn trồi sụt bất ngờ…, không dễ dự lường con số thuế thu theo kế hoạch tương đối “chính xác”. Thu đúng, thu đủ, chống thất thu chủ yếu vẫn dựa vào sức khỏe của doanh nghiệp, không phải từ nỗ lực hay ý chí của cơ quan quản lý. Có lẽ điều này cần phải đợi câu trả lời trên thực tế. Tuy nhiên, cũng cần xác tín một điều rằng ý thức tự nguyện đóng góp cho ngân sách nhà nước, người dân là điều quan trọng không kém. Phía ngược lại, không có gì kích thích doanh nghiệp, người dân tự nguyện nộp thuế, một khi các cơ quan công quyền tạo ra sự minh bạch, người dân phải được biết tiền thuế của họ đóng góp được dùng vào việc gì, sử dụng chính đáng, hiệu quả trong việc kiến tạo, phát triển địa phương hay không? Một khi điều này được xác lập, thì ngoài việc tìm kiếm nguồn bổ sung thay thế, tránh sự phụ thuộc vào một hay vài doanh nghiệp, khả năng ngân sách sẽ ít rơi vào tình trạng “bấp bênh”.
TRỊNH DŨNG