Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư

TRỊNH DŨNG 14/06/2017 08:37

Kết nối hạ tầng giao thông, hoàn thiện các hạ tầng then chốt (kể cả hạ tầng xã hội) được xem là điều kiện cần tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.

Cầu Giao Thủy hoàn thành kết nối tuyến giao thông từ đông sang tây. Ảnh: T.D
Cầu Giao Thủy hoàn thành kết nối tuyến giao thông từ đông sang tây. Ảnh: T.D

Đột phá giao thông

Con đường nối khu dân cư Duy Hải (Duy Xuyên) lên cầu Trường Giang vừa hoàn tất đi qua những nổng cát nóng, nối cầu Trường Giang qua cầu Duy Thành tạo chuỗi giao thông liên kết đến thị trấn Nam Phước. Tuyến đường này lên tới Nông Sơn qua đèo Phường Rạnh sau khi cầu Giao Thủy khánh thành hồi tháng 4.2017, trở thành một trục giao thông kết nối đông - tây. Ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói nếu tiến độ đầu tư các dự án vùng đông tốt đẹp thì chẳng mấy chốc từ “đô thị động lực” Nam Phước sẽ sẵn sàng kết nối chuỗi du lịch từ đông sang tây. Hiện tại, dù có phát triển công, nông nghiệp hay lĩnh vực nào khác cũng đều hướng đến phục vụ cho sự phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân. Cơ hội phát triển không chỉ dành riêng cho Duy Xuyên. Một cây cầu Cửa Đại bắc ngang sông Thu Bồn theo đường 129, kết nối hai đầu nam – bắc, cũng hứa hẹn “đổi đời” cho vùng đất miệt đông. Ngoài ra, việc mở rộng nhiều tuyến quốc lộ như 14B, 14D, 14E..., hình thành 6 cây cầu quan trọng kết nối khu vực đông - tây... đã biến những vùng đất xa xôi trở nên gần gũi và tiếp cận nhiều hơn cơ hội phát triển.

Không chỉ đường bộ, giao thông đường hàng không, biển và đường sắt cũng có đủ khả năng để phát triển. Cảng Kỳ Hà, Tam Hiệp đã trở thành cảng biển quốc tế với những tuyến hàng hải trực tiếp đến các cảng biển nước ngoài, có khả năng tiếp nhận tàu 20.000DWT. Hạ tầng then chốt khác (kể cả hạ tầng xã hội) cũng phát triển không kém. Điện, nước, viễn thông đã phát triển khá đồng bộ, được đầu tư đến ranh giới dự án hoặc đến hàng rào các nhà máy trong nhiều khu, cụm công nghiệp. Mạng lưới trường học và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh những năm gần đây phát triển rộng khắp với gần 6.000 phòng học phổ thông được xây dựng mới, nâng chuẩn và thành lập mới 8 trường cao đẳng và 2 trường đại học; xây dựng mới 3 bệnh viện cấp tỉnh và 13 bệnh viện cấp huyện, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa Trung ương đặt tại Núi Thành quy mô 500 giường... Ông Đặng Minh Trường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn mặt trời cho hay, Quảng Nam hội tụ đủ các loại hình giao thông thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là du lịch. Đó là tất cả điều kiện cần cho thấy tiềm năng lớn mạnh của một thị trường du lịch đang hình thành và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Ông Choi Young Joo - Chủ tịch Panko tại Khu công nghiệp Tam Thăng nói ông đã xem xét rất nhiều vùng đất tiềm năng khác nhưng Quảng Nam chính là địa điểm hội tụ đầy đủ các điều kiện, tiềm năng để phát triển một nền công nghiệp vững mạnh, lâu dài. Còn ông Don Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An cho rằng sức hút của Quảng Nam chính là tỉnh có lợi thế khá cân bằng về biển, di sản, sinh thái và chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông.

Kết nối hạ tầng

Thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư hay diễn đàn kinh tế được mở trong vài tháng qua tại Quảng Nam, thay vì chờ vào sự ưu đãi thuế, pháp lý như các doanh nghiệp địa phương thì những nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và quản trị đều mong muốn địa phương có được hạ tầng đồng bộ. Sự cải thiện này chính là chất xúc tác và cũng là sức ép lớn nhất để họ thương thảo với chính quyền trước khi quyết định đầu tư. Ông Tạ Minh Huy - Tổng hội trưởng Tổng hội Thương mại Đài Loan đại diện cho 150 nhà đầu tư Đài Loan nói nếu Quảng Nam đáp ứng hệ thống giao thông, điện, nước sạch và vận tải đường biển từ các cảng thì địa phương có nhiều cơ hội để đón làn sóng đầu tư mạnh từ Đài Loan. Hiện tại các nhà đầu tư có thể dễ dàng xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng tại Quảng Nam thông qua sự kết nối bằng con đường hàng hải quốc tế trực tiếp mới mở của Thaco.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, hiện tại kết cấu hạ tầng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Nguồn lực nhiều năm qua chỉ đáp ứng khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu. Nguồn lực nhà nước quan trọng, nhưng chỉ riêng nguồn lực ấy sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Định hướng của Quảng Nam là sẽ đa dạng hóa, lồng ghép và tạo sự cộng hưởng các nguồn vốn đầu tư. Quảng Nam phải cần đến 130.000 - 135.000 tỷ đồng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 - 10,5%/năm cho đến năm 2020. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đông - tây, hạ tầng đô thị, nông thôn, nạo vét cảng Kỳ Hà, sông Cổ Cò, Trường Giang, hoàn thành đường Đông Trường Sơn, phát triển cảng hàng không Chu Lai… là những lĩnh vực ưu tiên.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành tuyến đường bộ ven biển nối Đà Nẵng - Tam Kỳ - sân bay Chu Lai, các tuyến đường ngang nối quốc lộ 1 với vùng ven biển, phát triển mạng lưới giao thông, kết nối hạ tầng trọng điểm, chiến lược đông - tây, đô thị - nông thôn, huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư 5 dự án kinh tế động lực thuộc vùng đông và 4 dự án có tính liên kết vùng tây, tạo 2.000ha đất sạch và cơ sở hạ tầng hoàn thiện để kêu gọi, thu hút đầu tư. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho hay vùng đông (xác định động lực tạo đột phá phát triển Quảng Nam) đã được ưu tiên cấp vốn để hoàn thiện hạ tầng cốt lõi như đường ven biển từ Hội An đi Tam Kỳ và tiếp tục đầu tư từ Tam Kỳ đi đến sân bay Chu Lai. Sẽ hoàn thiện từng đoạn theo đúng quy chuẩn để đủ điều kiện thông tuyến và đủ các làn xe cho nhà đầu tư đưa các dự án vào khu vực này. Ngoài ra, các khu tái định cư cho dân và các khu nghĩa địa… cũng sẽ nhanh chóng hoàn tất, hiện thực hóa “cuộc cách mạng” sắp xếp dân cư vùng ven biển theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG