Điểm nhấn xuất khẩu may mặc
Kim ngạch xuất khẩu Quảng Nam tăng so với cùng kỳ năm 2016 là thành quả đáng ghi nhận, đặc biệt ở ngành may mặc. Tuy vậy, vẫn còn không ít khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực, vận động trong thời gian tới.
Ưu thế hàng may mặc
Thống kê từ Phòng Quản lý đầu tư và xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), tính đến cuối tháng 5, kim ngạch xuất khẩu Quảng Nam ước đạt 228,3 triệu USD, tăng 9,07% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, hàng dệt may đạt khoảng 93,6 triệu USD, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2016. Theo đánh giá, sự phát triển có được là nhờ các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh đã tập trung nguồn lực, đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, sản xuất hàng hóa đẹp, đa dạng kiểu mẫu. Thị trường xuất khẩu may mặc ngày một rộng mở, ngoài thị trường EU, còn có thêm Nhật, Mỹ, Hàn Quốc. Bằng việc đầu tư xây dựng thêm nhà máy, tuyển dụng thêm nhân công, quy mô ngành đã không ngừng được mở rộng, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất, năng suất, sản lượng sản phẩm.
Xuất khẩu của ngành may mặc có nhiều chuyển biến trong thời gian qua. Ảnh: N.Q.V |
Tại Công ty TNHH Vast Apparel Việt Nam (Cụm công nghiệp Tam Đàn, Phú Ninh), ngoài 1 nhà xưởng đang hoạt động hết công suất với 1 nghìn lao động, công ty đã đầu tư thêm 2 nhà xưởng mới, tuyển thêm 2 nghìn lao động, phục vụ may các sản phẩm quần, áo sơ mi, đồ da, hàng may sẵn cao cấp. Theo bà Lê Thị Tuyết Nga - phụ trách quản lý sản xuất của Công ty TNHH Vast Apparel Việt Nam, chất lượng sản phẩm may mặc có nhiều chuyển biến trong thời gian gần đây. Công ty chú trọng thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu bằng việc nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao và giảm dần các mặt hàng gia công đơn thuần. Cụ thể, áo bảo hộ lao động, quần jean, quần kaki có giá trị gia tăng thấp đang được thay thế dần bằng những mặt hàng may sẵn như áo sơ mi, quần áo thời trang. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến đích phát triển bền vững.
Theo Sở Công Thương, ngoài may mặc, các mặt hàng thủy sản, giày dép cũng tăng trưởng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 triệu USD, tăng 32,8%; hàng giày dép đạt khoảng 67,2 triệu USD, tăng 3,2%. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương cho rằng, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội trong xuất khẩu của tỉnh. Quảng Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây nối đến Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện với đầy đủ đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển quốc tế, sân bay đã tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, giao thương, mở rộng xuất khẩu. Môi trường đầu tư kinh doanh luôn được tỉnh quan tâm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch hành động để thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời hạ tầng khu, cụm công nghiệp được mở rộng, phát triển rộng khắp cũng là tiền đề thu hút nhiều nhà đầu tư đến Quảng Nam sản xuất hàng xuất khẩu.
Tạo cú hích mới
Bên cạnh thành quả đạt được, theo Phòng Quản lý đầu tư và xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), xuất khẩu Quảng Nam đang phải đối diện với không ít khó khăn. Đáng chú ý, sản phẩm dệt may và da giày chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhưng do chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước nên không khai thác hết các ưu đãi thuế quan do việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Hầu hết doanh nghiệp của tỉnh có quy mô đầu tư nhỏ, công nghệ sản xuất chưa đạt yêu cầu hội nhập, năng lực quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn thấp nên chất lượng một số mặc hàng chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường xuất khẩu, giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu thấp nên hiệu quả đem lại chưa cao...
Nhiều phân tích cho thấy, 2017 tiếp tục là năm khó khăn cho xuất khẩu Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng. Bởi, nhu cầu tiêu dùng giảm, tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm sẽ khiến cho nhu cầu mua sắm, lưu thông hàng hóa quốc tế chững lại. Trong khi đó, các rào cản mới được dựng lên gồm cả thuế quan và phi thuế quan, ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực xuất khẩu của các doanh nghiệp. Bà Lê Thị Tuyết Nga cho rằng, sẽ tiếp tục củng cố, đẩy mạnh khai thác 2 thị trường lớn là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Doanh nghiệp tập trung giảm khâu trung gian, nâng cao hiệu quả, cũng như tiết giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, tiếp cận các thị trường khó tính với các đặc tính thời trang cao, không chỉ trong trang phục mà cả các sản phẩm gia dụng.
Ông Nguyễn Quang Thử cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung, cam kết của FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Mục đích, giúp doanh nghiệp nắm rõ các quy định về tiêu chuẩn, xuất xứ, điều kiện được hưởng các ưu đãi, tiềm năng, thế mạnh, qua đó thúc đẩy xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường đã ký FTA. Quảng Nam cần chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề chất lượng cao, có chính sách hỗ trợ về vốn, khuyến khích doanh nghiệp cải tiến, chuyển giao công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng rất cần linh hoạt. “Quảng Nam cần ưu tiên hỗ trợ phát triển vùng cây nguyên liệu, các ngành bổ trợ sản xuất, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ và chính sách thương mại. Tỉnh cần ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, liên kết vùng, hạ tầng công nghiệp, thương mại để tạo điều kiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế’ - ông Nguyễn Quang Thử nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT