Đi lên từ gỗ
Ba chàng trai lớn lên từ quê hương Gò Nổi (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) có chung một niềm đam mê với gỗ. Họ đến với gỗ nghệ thuật như một cái duyên và theo đuổi giấc mơ làm giàu từ gỗ.
1. Anh Phan Phước Tuấn (34 tuổi, thôn Cẩm Phú 1) không may mắn khi cơ thể không được lành lặn vì một cơn bại liệt khi anh còn nhỏ. Nhưng khó khăn trong cuộc sống không làm anh nản chí. Học xong lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình nên anh quyết định nghỉ học và tìm kiếm cho mình một công việc. Một lần chứng kiến những hoa văn độc đáo được tạo ra trên những khúc gỗ thô cứng đã mang đến cho anh cảm hứng muốn học nghề. Anh đã tìm đến cơ sở gỗ mỹ nghệ Âu Lạc để theo đuổi đam mê của mình. Hơn 10 năm học nghề và làm việc tại đây, anh Tuấn đã rèn cho mình được một tay nghề cứng cáp. Đã đến lúc chọn con đường đi cho riêng mình, anh quyết định rời ngôi nhà Âu Lạc để mở xưởng gỗ điêu khắc.
Anh Phan Phước Tuấn đang tạo dáng cho bức tượng của mình. Ảnh: MỸ LINH |
Thời điểm năm 2010, thị trường gỗ mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp, làm sao để cạnh tranh và tạo được thương hiệu riêng là điều anh Tuấn trăn trở. Anh đã chọn cho mình thể loại điêu khắc tượng, tranh gỗ và gặt hái được thành công. Hiện mỗi sản phẩm của anh có giá dao động từ 10 triệu đến hơn 70 triệu đồng và được xuất bán trong và ngoài tỉnh. Khách hàng đã biết đến thương hiệu gỗ mỹ nghệ Gò Nổi của anh Tuấn và tin tưởng đặt hàng nhiều sản phẩm giá trị. Không chỉ thỏa niềm đam mê của mình, cuộc sống của anh giờ khá ổn định khi nguồn hàng đều đặn. Bên cạnh đó, anh cũng dạy nghề, giúp đỡ nhiều bạn trẻ địa phương có việc làm ổn định với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
2. Phù điêu là thể loại khó nhất của điêu khắc gỗ. Để thổi hồn vào những khúc gỗ, người thợ phải có bàn tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng. Nguyễn Thành Trường (sinh năm 1989, ở thôn Tân Thành) đã chọn thể loại này để phát triển sự nghiệp bởi theo anh phù điêu rất hợp với sở trường của mình. “Trên thị trường bây giờ rất nhiều sản phẩm gỗ mỹ nghệ, hướng đến nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau, ngay tại xứ Gò Nổi này cũng có đến 3 cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ, vì thế để tạo ra sản phẩm mang dấu ấn riêng thì phải chọn thể loại độc đáo” - anh Trường chia sẻ.
Trong căn nhà nhỏ được tận dụng phần sân để làm xưởng mộc, ngổn ngang những khúc gỗ với hình thù độc đáo và những bức phù điêu. Nhiều người nhìn vào có thể cho rằng bức phù điêu được làm bằng máy, cắt ghép nhiều chi tiết dán lại. Nhưng không, tất cả đều được làm bằng tay, với sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ và sáng tạo của người thợ. Anh Lê Đức Hiền, một người thợ đang làm tại xưởng của Trường dù tuổi đời còn nhỏ nhưng đã có 10 năm gắn bó với nghề và là thợ chính của xưởng. “Làm nghề này phải đam mê, phải nhìn vào những sản phẩm đã hoàn thành để có động lực làm ra các sản phẩm mới. Một sản phẩm hoàn thành cần rất nhiều thời gian, có khi một tháng đã xong, nhưng cũng có nhiều bức mất thời gian hơn nửa năm mới hoàn thành. Nhiều lúc yêu cầu của khách quá cao, nhìn vào mẫu đã rối hết cả đầu, nếu không quyết tâm thì sẽ bỏ cuộc ngay” - Hiền chia sẻ.
Hết đục đến đẽo, rồi gọt giũa cho thành hình và hơn hết phải gửi cả cái tâm vào trong đó thì tác phẩm mới có sức sống. Mỗi tác phẩm hoàn thành là cả tâm huyết, tình cảm của người thợ. Anh Trường cho biết, cái khó của nghề này là rất kén chọn khách hàng, với những khách hàng sành sỏi thì yêu cầu sẽ rất cao, còn với những khách hàng bình thường thì không cảm nhận hết được giá trị của những tác phẩm nghệ thuật kỳ công này. Các sản phẩm tâm huyết anh giao cho khách hàng đều nhận được phản hồi tốt. Tuy nhiên, cũng có khi trong quá trình di chuyển, một vài chi tiết bị hư hỏng, khách trả hàng làm anh đau đầu. Như vậy anh phải chịu toàn bộ chi phí vận chuyển ra vào, nhất là khi ở xa như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
Hiện tại, Nguyễn Thành Trường đã liên kết với một công ty tại TP.Hồ Chí Minh, vì thế các mặt hàng được sản xuất ổn định hơn. Nhờ đó, anh cũng giúp đỡ thêm nhiều bạn trẻ có công ăn việc làm ổn định. Tám người thợ đang làm tại xưởng đều có tuổi đời rất trẻ, người lớn nhất sinh năm 1991, còn nhỏ nhất sinh năm 2002, tất cả đều là những thanh niên trong thôn, có hoàn cảnh khó khăn, nghỉ học sớm. Với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng, Trường đã giúp nhiều bạn trẻ có việc làm, thu nhập ổn định.
3. Với anh Lê Tiến Vỹ, có thể nhiều người đã biết chàng trai đặc biệt này có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng đã gầy dựng nên sự nghiệp từ gỗ đáng ngưỡng mộ. Không may mắn như người khác, anh khuyết tật cả 2 chân, phải đi lại bằng nạng gỗ. Với anh, chiếc xe máy ba bánh là phương tiện thân thương đồng hành với anh trên những chặng đường. Tôi gặp Vỹ khi anh vừa chạy xe hơn 20km từ nhà của khách về. Dù mệt nhưng trên gương mặt vẫn vui vẻ vì theo anh có thêm nhiều việc để làm. Anh cho biết, không phải tham công tiếc việc khi mình đã là một ông chủ, nhưng tính cách của chàng trai nghèo khó năm xưa vẫn thôi thúc anh phải làm việc, làm thật nhiều, vì đó là niềm vui không chỉ của bản thân mà còn giúp cho nhiều thanh niên tại địa phương có được cái nghề ổn định.
Hiện mặt hàng của cơ sở anh Vỹ đa dạng hơn nhiều so với cơ sở của anh Tuấn, anh Trường vì có cả đồ dân dụng. Tuy nhiên, anh vẫn chú trọng những mặt hàng như tượng, phù điêu, tranh, vì những sản phẩm này đã tạo nên thương hiệu trong giới đồ gỗ. Bên cạnh việc chạy theo nguồn hàng đã được đặt trước, anh vẫn đầu tư cho những sản phẩm chất lượng, có thể mất đến nửa năm hoặc cả năm mới hoàn thành, và đó là những sản phẩm công phu, sáng tạo của anh và những người thợ của mình. Những sản phẩm này sẽ được anh tham gia giới thiệu tại các triển lãm trong nước, quảng bá sản phẩm đến mọi miền đất nước, đáp ứng được những khách hàng khó tính.
Từ những chàng trai sinh ra ở vùng đất nghèo khó, vượt lên số phận, các anh đã cần cù, chịu khó để gây dựng nên cơ nghiệp của mình, không chỉ mang lại cho bản thân, gia đình một cuộc sống ổn định, mà còn giúp đỡ được nhiều người có được việc làm, hơn nữa giới thiệu được tài nghệ khéo léo của những người con xứ Quảng.
MỸ LINH
________________________
Bài dự thi "Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo" năm 2017