Bảo vệ an toàn lưới điện cao áp

HOÀNG LIÊN - HOÀNG PHƯƠNG 25/05/2017 08:36

Thực trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ) cao áp không chỉ gây khó khăn cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành đường dây mà còn gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của người dân. Vì thế, việc bảo vệ an toàn lưới điện cao áp luôn được PC Quảng Nam đặc biệt quan tâm.

Nguyên nhân gây sự cố về điện

Năm 2016, Quảng Nam có 7.300km đường dây trung - hạ thế, 11 trạm biến áp 110kV, 13 trạm biến áp trung gian, 1.360 trạm biến áp phụ tải. Quảng Nam được cấp điện từ các trạm biến áp 220kV: Đà Nẵng, Dốc Sỏi, Thạnh Mỹ, Tam Kỳ và 11 trạm biến áp 110kV với tổng công suất 545MVA. Năm 2016, nguồn điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 1.496,8 triệu kWh, trong đó điện cấp cho công nghiệp và xây dựng chiếm 49,4%. Năm 2017, kế hoạch cung ứng điện thương phẩm cả tỉnh là 1.648 triệu kWh. Quảng Nam còn là tỉnh thuộc vùng dự án xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép có tổng chiều dài 700km đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố (EVN đầu tư); trong đó tổng chiều dài lưới điện đi qua địa bàn tỉnh là 121,6km, trải dài 6 huyện với diện tích ảnh hưởng trong hành lang tuyến là 390ha. Trên địa bàn tỉnh có 6 công trình lưới điện truyền tải 500 - 220kV, 6 công trình lưới điện phân phối, bên cạnh lưới điện từ các dự án cấp điện Cù Lao Chàm, dự án mở rộng và nâng cấp lưới điện nông thôn, lưới điện trung và hạ thế. Do đặc thù lưới điện đi qua nhiều vùng đô thị, khu dân cư đông đúc, rừng núi nên nguy cơ bị tác động và ảnh hưởng do tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ là rất lớn. Công tác quản lý và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp của ngành điện cũng hết sức khó khăn.

Lưới điện nằm sát khu dân cư. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Lưới điện nằm sát khu dân cư. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm hành lang ATLĐ. Trước hết là do người dân chưa hiểu rõ quy định của Nhà nước về việc bảo vệ hành lang lưới điện cao áp; còn chủ quan, không lường trước những nguy hiểm, tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra khi xây dựng nhà, công trình gần công trình điện. Gần đây, hiệu quả kinh tế từ cây keo lá tràm khá cao nên nhiều trường hợp người dân bất chấp nguy hiểm trồng cây dọc hành lang tuyến. Theo thống kê, có gần 700km đường dây cao áp ở khu vực miền núi cây cối dễ dàng ngã đổ vào đường dây điện mỗi khi có mưa bão. Một mối lo không nhỏ của ngành điện nữa là sắp đến kỳ nghỉ hè, trẻ em có thú vui thả diều vào mỗi buổi chiều, trong khi đây là trò chơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện, dễ xảy ra chập điện, cháy nổ, sự cố về điện do vướng đường dây điện, ảnh hưởng đến tính mạng của con người. Một nguy cơ tai nạn, mất ATLĐ cũng rất cao do một số đơn vị thi công ngoài ngành điện tự ý thi công các hạng mục mà thiếu sự phối hợp, đăng ký với các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, nhiều đơn vị tự ý thi công cáp viễn thông lắp đặt trên cột điện khiến khả năng gây sự cố lưới điện, tai nạn về điện trong nhân dân rất cao… Điều đó dẫn đến một số công trình thi công vi phạm hành lang bảo vệ ATLĐ cao áp gây tai nạn ngay trong quá trình thi công, hoặc tồn tại trong tình trạng mất an toàn, gặp khó khăn trong việc khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm…

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra do vi phạm hành lang ATLĐ, thời gian qua, PC Quảng Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn khi cất nhà ở, công trình trong hành lang lưới điện để người dân thấy được sự nguy hiểm khi vi phạm và tự giác phòng tránh. Công ty tổ chức phát tờ rơi ATLĐ cho khách hàng sử dụng điện; nhắc nhở người dân sử dụng các dụng cụ cách điện và phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với hành lang lưới điện trong quá trình canh tác. Ngành điện cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý trồng cây trong khu vực ảnh hưởng hành lang ATLĐ, phải phối hợp cùng ngành điện trong quá trình kiểm tra, chặt tỉa cây nhằm đảm bảo sự an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân. Bên cạnh thực hiện các giải pháp tạm thời, PC Quảng Nam còn chú trọng triển khai những giải pháp mang tính lâu dài, cụ thể như thường xuyên kiểm tra, xử lý các vị trí cột điện, dây điện chùng, võng không đạt tiêu chuẩn quy định về khoảng cách an toàn; cải tạo lưới điện sau tiếp nhận từ các hợp tác xã; xử lý các công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. PC Quảng Nam còn đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ đường dây, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm mới phát sinh và tái phạm; ký kết quy chế phối hợp với các địa phương, trong đó có nội dung bảo vệ hành lang ATLĐ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm, yêu cầu chủ nhà, chủ công trình khắc phục, cương quyết không để phát sinh những điểm vi phạm mới.

Nhờ nỗ lực triển khai tuyên truyền với nhiều giải pháp đồng bộ, trình trạng vi phạm hành lang ATLĐ đã giảm rõ rệt. Tính đến quý 1.2017, tình trạng cây cối vi phạm hành lang ATLĐ đã giảm còn 5 vụ, tương đương 75% so với trước, không còn tình trạng công trình vi phạm hành lang ATLĐ. Trong 5 năm qua (2010 - 2016), công ty đã cùng với địa phương, đơn vị liên quan xử lý xong 48 trường hợp công trình vi phạm hành lang ATLĐ khó xử lý với mức phạt từ 1 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, thời gian tới, ngành điện lực tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn tỉnh, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm, trồng cây ngoài hành lang tuyến có khả năng ngã đổ vào đường dây gây sự cố lưới điện. Ngành điện Quảng Nam cũng kiện toàn hồ sơ pháp lý về hành lang ATLĐ trên địa bàn tỉnh để thuận lợi trong quá trình quản lý vận hành. Để giải quyết triệt để “bài toán nan giải” về vi phạm hành lang ATLĐ, thời gian đến, bên cạnh nỗ lực của ngành điện, rất cần sự chung tay ủng hộ từ phía khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý chặt chẽ đất đai và trật tự xây dựng khai thác cây cối dọc hành lang lưới điện, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm.

HOÀNG LIÊN - HOÀNG PHƯƠNG

HOÀNG LIÊN - HOÀNG PHƯƠNG