Chiều sâu hỗ trợ doanh nghiệp
Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả... là những vấn đề được quan tâm để tiến đến hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng có chiều sâu hơn tại Quảng Nam.
Thực thi nghị quyết
Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đã có sức lan tỏa sâu vào nền kinh tế, tới các địa phương trên khắp cả nước. Tại Quảng Nam, con số 355 doanh nghiệp thành lập mới, thu ngân sách gần 6.330 tỷ đồng (4.500 tỷ đồng thu nội địa) trong vòng 4 tháng qua có thể là minh chứng cho việc thực thi nghị quyết và kế hoạch hành động của tỉnh đạt hiệu quả. Trong một bản báo cáo sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ gửi về trung ương mới đây, UBND tỉnh cho biết đã thực hiện tốt 6 chương trình hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và Quảng Nam là một trong 21 tỉnh, thành phố đã ký cam kết với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Sẽ mở rộng, tăng cường số lượng thủ tục hành chính được giải quyết tại trung tâm hành chính công. Ảnh: T.DŨNG |
Chính quyền Quảng Nam đã xem cải cách hành chính là khâu đột phá với quyết tâm 3 giảm (giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính). Quảng Nam đã tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua các câu lạc bộ, tổ công tác và kinh phí khởi nghiệp, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực đầu tư và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc công bố công khai, đánh giá, rà soát tất cả quy hoạch (vùng đông – tây, xác định các lĩnh vực sản xuất có thế mạnh của Quảng Nam…).
Không chỉ vậy, thời gian qua nhiều hội nghị, tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế đã được mở cho doanh nghiệp, hỗ trợ tuyển dụng lao động theo nhu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng đề án đào tạo nghề lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Những tổ công tác hỗ trợ đầu tư ra đời đã giúp thúc đẩy việc giải quyết nhanh các thủ tục (đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính…), đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp luôn được duy trì bởi sự hỗ trợ pháp lý, giải đáp vướng mắc. Đa số các vụ án liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đều được xét xử đúng thời hạn, hạn chế đi lại nhiều lần của doanh nghiệp với kết quả xét xử lưỡng toàn quyền lợi của đôi bên, nhất quán thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm...
Thông qua các cuộc kết nối giao thương, các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh đã giúp doanh nghiệp đưa được hàng vào siêu thị, giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng một cách nhanh chóng, thuận tiện, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Các kiến nghị của doanh nghiệp đã được tiếp nhận, xử lý theo các kênh “Ngày tiếp doanh nghiệp định kỳ hằng tháng”, “Cà phê doanh nhân”, các buổi họp giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, vận hành Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam tại địa chỉ http://htdn.ipaquangnam.gov.vn và công khai đường dây nóng qua số điện thoại cố định 0235.3833199, số điện thoại di động 0914.065.627, email cchcquangnam@gmail.com...
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay những cải cách của Quảng Nam đã tạo cơ hội cho kinh doanh bùng nổ, giúp không ít doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện 100% dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, địa phương đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 1, 2. Đã có 14 sở, ngành, địa phương thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 171 thủ tục. Doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 98,31% (thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử với ngân hàng thương mại, đạt tỷ lệ 91,64%). Hồ sơ đóng BHXH, BHYT qua internet, đã có 3.872/4.133 đơn vị sử dụng lao động đăng ký giao dịch, đạt 93,69%. Cục Hải quan đã có 73/168 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4… Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận so với mục tiêu, việc phát triển doanh nghiệp, tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh doanh vẫn còn hạn chế. Một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức về công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đôi lúc sự chỉ đạo chưa kiên quyết, đồng bộ, chưa giải quyết dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp. Việc đối thoại, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp ở một số cơ quan, đơn vị cơ sở vẫn còn chậm, thiếu sự quyết liệt, chưa đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức. Hiện ý thức đội ngũ cán bộ công chức vẫn còn mang tính quản lý hơn là phục vụ người dân và doanh nghiệp. Yếu về quy mô lẫn chất lượng trong việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như đào tạo, tư vấn thông tin, thị trường...
Theo kế hoạch, năm 2017, Quảng Nam sẽ phát triển thêm 1.000 doanh nghiệp và phấn đấu đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp toàn tỉnh tăng lên con số 7.500. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng kiến tạo, phát triển, phục vụ, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phải được thực thi tại địa phương ngày càng sâu rộng hơn. Sẽ tiếp tục nâng chất lượng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử, đồng hành, hỗ trợ, mở rộng đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp thông qua các sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính đã được định hình. Chính quyền sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp của các sở, ban, ngành địa phương để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Mở rộng, tăng cường số lượng thủ tục hành chính được giải quyết tại trung tâm hành chính công, triển khai thành lập các trung tâm hành chính công tại Tam Kỳ, Hội An và thị xã Điện Bàn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu việc quan trọng cần được tiến hành nhanh chóng là tập trung đẩy mạnh công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế tạo điều kiện cho hộ kinh doanh cá thể hiện nay chuyển đổi thành doanh nghiệp, cho các địa phương giữ lại một phần kinh phí phù hợp với nguồn thu ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp không phải là một chiến dịch nhất thời mà là hành trình dài hơi, cần hướng đến chiều sâu và lan tỏa rộng trong nền kinh tế.
TRỊNH DŨNG