Thay đổi tư duy cải thiện môi trường đầu tư
Quảng Nam quyết tâm trở thành địa chỉ đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, nâng cao chỉ số PCI, phấn đấu từ năm 2018 luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất nước.
Nâng cao thứ hạng PCI
Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư của Tỉnh ủy năm 2009 đã kéo theo sự ra đời hàng loạt chỉ thị, kế hoạch hành động cụ thể cho chiến lược cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng thứ hạng PCI. Những cơ chế hấp dẫn như doanh nghiệp được quyền lựa chọn, quyết định dự án đầu tư phù hợp, đơn giá đất có kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp bằng 1/3 so với các khu vực khác hay được hỗ trợ một phần chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí đào tạo lao động… đã thu hút các dự án đầu tư.
Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam trở thành địa chỉ tin cậy để người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.Ảnh: T.DŨNG |
Theo Sở KH&ĐT, đến cuối tháng 4.2017, khoảng 50% trong số hơn 5.500 doanh nghiệp (130 dự án FDI) cho biết sẽ không ngừng mở rộng đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Không chỉ vậy, số lượng 32 dự án đầu tư được cấp phép, thỏa thuận đầu tư… với tổng vốn đăng ký lên đến 15,8 tỷ USD và 6 ngân hàng thương mại đã cam kết sẵn sàng đổ vốn vào các dự án đầu tư tại Quảng Nam thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 26.3.2017 đã ít nhiều chứng tỏ chiến lược cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh Quảng Nam có phần hiệu quả. Những cuộc điều tra, khảo sát PCI cũng đã xác nhận năm 2015 và 2016, Quảng Nam lọt vào nhóm tốt, đứng vào tốp 10 tỉnh, thành cả nước có thứ hạng PCI cao nhất, xếp thứ 2 vùng duyên hải miền Trung, có đủ năng lực để cạnh tranh thu hút đầu tư.
Kết quả khảo sát PCI 2 năm gần đây ghi nhận 75% doanh nghiệp cho biết không còn khó khăn khi tiếp cận các tài liệu về ngân sách và 79% doanh nghiệp hài lòng về sự năng động, thân thiện, sáng tạo trong điều hành của chính quyền địa phương. Cho dù PCI năm 2016 có tụt 2 bậc so với năm 2015, nhưng tổng điểm các chỉ số thành phần đã tăng từ 61,06 lên 61,17 cho thấy kế hoạch hành động cải thiện của Quảng Nam (thuộc nhóm tốt, đạt từ 60 điểm trở lên kể từ năm 2015). Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết Quảng Nam đã trở thành vùng đất đầy tiềm năng và cơ hội mở rộng đầu tư. Giao thông gần như đã đồng bộ, kết nối bắc – nam, đông – tây và các tuyến ĐT, ĐH khác cũng đã dần hoàn thiện. Sự phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đã giải quyết cho doanh nghiệp có nguồn lao động ổn định, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển.
Chọn hướng đi bền vững
Có thể khẳng định Quảng Nam đã thành công khi tạo ra ba mũi đột phá (cải thiện môi trường đầu tư, phát triển hạ tầng và đào tạo nhân lực). Song kết quả PCI năm 2016 về các chỉ số: tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý bất ngờ rớt điểm đã khiến chính quyền và cơ quan quản lý buộc phải thức nhận lại nỗ lực cải thiện đã thực sự hiệu quả hay chưa. Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An cho rằng vai trò kiến tạo, tháo gỡ khó khăn và tạo động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng hiện chỉ mới khởi xướng từ UBND tỉnh. Sự cải thiện của các cơ quan liên quan trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp với sự thay đổi từng ngày của môi trường kinh doanh như hiện nay. Có thể dễ dàng nhận thấy trình độ quản lý của nhiều cơ quan nhà nước phát triển chậm hơn trình độ quản lý của doanh nghiệp. Cách tiệm cận của chính quyền như hiện nay khá ấn tượng, nhưng mới chỉ dừng ở các cá nhân. Cần phải có cả hệ thống công quyền vào cuộc thì mới có thể tạo ra sự thay đổi. Ông Nguyễn Viết Linh – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc mong có thêm những chính sách cụ thể, đơn giản hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ.
Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai cho hay thu hút các dự án, nhà đầu tư lớn về Quảng Nam không dễ. Muốn có một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và hội nhập tốt thì thể chế kinh tế với những quy định về quản lý đầu tư phải thay đổi. Doanh nghiệp cần chính sách công khai, minh bạch, bình đẳng, rõ ràng và khoa học. Chính sách cần nhất quán, không thể ngắn hạn. Chính quyền và cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm, không nên đổ qua, đổ lại trách nhiệm làm khó cho doanh nghiệp. Theo ông Chúng, đến cuối năm 2018, Khu công nghiệp Tam Thăng sẽ sử dụng hơn 30.000 lao động. Theo tính toán của các doanh nghiệp, hiện chỉ thu hút được 2.277 lao động. Dự báo lao động phục vụ cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp này sẽ thiếu hụt trong thời gian tới, kể cả lao động quản lý. Chính quyền Quảng Nam đã tính toán đến việc chuyển dịch lao động từ miền núi xuống đồng bằng, nhưng kế hoạch này cũng chỉ mới khởi đầu và không dễ dàng thực hiện.
Đứng trước những băn khoăn, lo ngại của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tại phiên họp thường kỳ ngày 28.4.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định tiếp tục mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quan điểm của Quảng Nam là công bằng với mọi dự án đầu tư, nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chuyển dịch lao động, tăng cường đào tạo lao động, giới thiệu việc làm, quản lý hiện trạng vùng dự án đầu tư, gấp rút hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vùng đông (nơi hiện có nhiều dự án lớn đang được triển khai)… Chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm trước tiến độ các dự án đầu tư (kể cả giải phóng mặt bằng). Quảng Nam xem PCI như là một kênh đối thoại, thu thập thông tin để biết doanh nghiệp nghĩ gì và đánh giá như thế nào về chất lượng điều hành. Những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp tỉnh soi mình, năng động hơn để thay đổi và cải thiện môi trường đầu tư. Những tồn tại sẽ được mổ xẻ, phân tích, thay đổi tư duy phục vụ với trách nhiệm mang lại sự thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
TRỊNH DŨNG