Kích thích kinh tế tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 09/05/2017 08:41

Sản xuất công nghiệp chững lại, tốc độ thu ngân sách chậm, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ì ạch, chỉ số tiêu thụ giảm, hàng tồn kho gia tăng… là chỉ dấu của một nền kinh tế đang rơi vào tình trạng bất ổn. Nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu hiện nay của tỉnh là tạo những động lực cụ thể để kích thích tăng trưởng.

Kinh tế bất ổn

Theo số liệu thống kê tháng 4.2017, ngành thương mại dịch vụ trong tỉnh bất ngờ vươn lên vị trí quán quân khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng hơn 13% (13,2%). Con số tăng cao nhất ở ngành du lịch (tăng 77%) và dịch vụ (tăng 22,5%). Tổng lượt khách tham quan, lưu trú gần 1,77 triệu lượt, tăng hơn 37%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng hơn 3.200 tỷ đồng (tăng 16,8%) so cùng kỳ. Sản lượng vận tải hàng hóa hơn 4 triệu tấn (tăng 15,3%), vận tải hành khách hơn 5,7 triệu lượt người (tăng 4,9%). Tổng doanh thu hơn 1.040 tỷ đồng (tăng 10,2%).

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho, kích thích nền kinh tế tăng trưởng là mục tiêu hàng đầu của Quảng Nam trong hiện tại. Ảnh: T.D
Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho, kích thích nền kinh tế tăng trưởng là mục tiêu hàng đầu của Quảng Nam trong hiện tại. Ảnh: T.D

Khu vực nông nghiệp cũng gia tăng khi chỉ thu hoạch hơn 35% diện tích xuống giống, nhưng theo ước tính sơ bộ của Sở NN&PTNT, năng suất sẽ đạt 53,5 tạ/ha (tăng 2,5 tạ/ha), sản lượng lương thực hơn 228 nghìn tấn (tăng 9,2% nghìn tấn). Khai thác thủy sản cũng không hề giảm sút với sản lượng hơn 21.720 tấn (tăng 1.120 tấn), thu hoạch 190ha tôm thẻ lót bạt ven biển khoảng 1.230 tấn (tăng 30 tấn). Ngoài ra, diện tích rừng trồng tăng 5,9%, sản lượng gỗ khai thác tăng 4,5%.

Tuy nhiên, theo ông Lê Phước Hoài Bảo – Giám đốc Sở KH&ĐT, sản xuất của một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp Quảng Nam giảm, nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4.2017 đã giảm hơn 3% so với tháng trước và giảm hơn 2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính yếu là ngành ô tô giảm sản xuất để đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho trước áp lực giảm giá ô tô nhập khẩu. Chỉ số sản xuất ô tô tháng 4 đã giảm 1,7% so với tháng trước và giảm đến 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính điều ấy đã dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 4,9% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Theo thống kê của Cục Thống kê Quảng Nam, nếu năm 2014 chỉ số sản xuất ô tô tăng 9,5%, năm 2015 tăng 22% và năm 2016 tăng 32,3% thì cùng kỳ năm 2017 chỉ tăng với con số ít ỏi như vậy.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến cuối tháng 3.2017 giảm 14,7%. Chỉ số tiêu thụ giảm mạnh ở ngành sản xuất giày da (63,6%), sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm 57,8%, sản xuất giường tủ, bàn ghế gỗ giảm 27,5%, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm hơn 17%. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1.4.2017 tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tăng cao ở nhóm sản xuất xe có động cơ, tăng hơn 5 lần và nhóm sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng hơn 14 lần. Tình trạng ảm đạm của sản xuất công nghiệp đã dẫn đến chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm có tăng so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ tăng không đáng kể.

Giải pháp thúc đẩy

Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế - cho hay, tổng thu ngân sách nội địa đã đạt 4.500 tỷ đồng, tăng gần 20% so cùng kỳ và bằng 31,8% kế hoạch, nhưng tốc độ tăng này quá chậm, thu ngân sách có phần đáng lo khi ô tô Chu Lai – Trường Hải đã giảm sản xuất 13% và số lượng xe bán ra cũng đã giảm 34%. Ông Đinh Văn Đào – Cục trưởng Cục Thống kê cho biết, tiến độ tăng trưởng khá thấp. Nền kinh tế đã không thể hấp thụ vốn đầu tư công, cho dù tỷ lệ giải ngân 27% có cao hơn tỷ lệ 25% của cùng kỳ năm 2016, nhưng tỷ lệ tăng không đáng kể và vốn giải ngân chỉ tập trung ở các công trình chuyển tiếp. Hiện tại, các năng lực sản xuất mới đang trong giai đoạn triển khai, sẽ không bù đắp được cân đối ngân sách 2017. Từ số liệu thống kê về các chỉ số sản xuất, tiêu thụ…, dự báo mức thu ngân sách trong những tháng tới và thu ngân sách cả năm sẽ ảnh hưởng. Nếu không có giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thì không thể trông chờ vào một mức tăng trưởng tốt và hụt thu ngân sách là điều đã được dự báo trước.

Kinh tế bất ổn đã được nhận diện với tốc độ tăng trưởng ì ạch như hiện tại. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói, sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu chững lại. Chỉ số tồn kho tăng cao, đặc biệt là ngành sản xuất xe có động cơ. Vì vậy, để thực hiện cao nhất các chỉ tiêu đề ra trong năm 2017, các cấp, các ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách. Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải tháo gỡ các thủ tục đầu tư, vướng mắc khó khăn, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Vùng đông nam cần phải đo đạc, quản lý hiện trạng toàn bộ diện tích đất đai. Việc cấp sổ đỏ phải được hoàn tất. Tạo điều kiện thúc đẩy những dự án lớn để tăng năng lực, bù đắp sự sụt giảm. Nhanh chóng tìm kiếm giải pháp tăng thu ngân sách trước dự báo hụt thu do sự sụt giảm sản xuất và tiêu thụ của ô tô Trường Hải. “Phải xem xét cụ thể những vướng mắc, ách tắc để xử lý, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân. Từng chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, chủ động làm việc với địa phương về tiến độ đầu tư (kể cả giải phóng mặt bằng). Không đất, không nhà đầu tư, không dự án thì lấy gì tăng trưởng kinh tế và thu hút lao động cho Quảng Nam. Không thể để tồn tại một hệ thống chính quyền thiếu trách nhiệm với dân, với nhà đầu tư khi giải quyết chuyện đền bù thiệt hại không đúng cam kết, thiếu hiệu quả. Nếu không, đừng nói hay tính gì đến chuyện thu hút đầu tư và tăng trưởng” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG