Nghịch lý giá thịt heo
(QNO) - Giá bán thức ăn chăn nuôi không giảm, giá heo hơi thì giảm ngày càng sâu. Trong khi đó, giá thịt heo tại các chợ, siêu thị lại giảm không đáng kể… là những nghịch lý đang tồn tại trên thị trường khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Giá heo hơi giảm nhưng giá bán thịt tại chợ giảm không đáng kể. Ảnh: C.N |
Như báo Quảng Nam đã phản ánh, giá heo hơi giảm mạnh khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Nhiều người cho biết, heo đến kỳ xuất chuồng nhưng bán rất khó do không có người mua hoặc nếu có người mua thì lại bị ép giá. Người chăn nuôi bị dồn vào thế bí: tiếp tục nuôi thì lỗ nặng, do các chi phí đầu vào, nhất là chi phí thức ăn, thuốc thú y vẫn giữ nguyên, nên chỉ có một lựa chọn là chấp nhận bán rẻ cho tư thương. Nghịch lý ở đây là, trong khi giá heo hơi xuất chuồng dao động ở mức trên dưới 30 nghìn đồng/kg thì giá thịt heo trên thị trường vẫn ở mức cao. Theo khảo sát của chúng tôi tại các chợ trên địa bàn tỉnh vào ngày 26.4 vừa qua, thịt heo đùi có giá 80 nghìn đồng/kg; thịt ba chỉ 75 nghìn đồng/kg. Tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, giá các loại thịt heo các loại trên dưới 80 nghìn đồng/kg; cao nhất là thịt đùi có giá 81.400 đồng/kg. Nếu “quy đổi” theo công thức 2kg heo hơi bằng 1kg thịt thì giá thịt heo trên thị trường đã bị đội giá khoảng 15% và khoản chênh lệch này người chăn nuôi không hề được hưởng.
Một tiểu thương ở chợ Thương mại (Tam Kỳ) cho biết, mức giá như trên là đã giảm 5-10 nghìn đồng/kg so với tuần trước. Hơn nữa, phần lớn người bán tại chợ lấy thịt từ các lò mổ nhưng lò mổ không giảm giá nên đành chịu. Trong khi đó, bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho biết, giá thịt heo tại Co.opMart Tam Kỳ tương đương giá thịt bán ngoài thị trường nhưng giá này đã bao gồm thuế; hơn nữa, sản phẩm nói chung, thịt heo nói riêng, trước khi đưa vào phải qua khâu kiểm nghiệm đảm bảo hồ sơ, quy trình rồi mới đưa vào siêu thị.
Chị Nguyễn Thị Bốn - một người dân xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn) cho biết, chị vừa xuất chuồng mấy con heo thịt chỉ với giá 28 nghìn đồng/kg heo hơi nhưng hằng ngày phải mua thịt heo tại chợ với giá gần 80 nghìn đồng/kg. “Nhà nông nuôi heo chủ yếu lấy công làm lời mà giá heo ngày càng giảm, và chắc còn tiếp tục giảm, thương lái cũng không muốn mua; còn các chi phí khác lại không giảm. Dù không tính công chăm sóc, người chăn nuôi cũng lỗ nặng” - chị Bốn nói.
Không chỉ riêng Quảng Nam mà tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang tồn tại nghịch lý nêu trên. Điều này khiến người tiêu dùng nói chung, người chăn nuôi heo nói riêng phải chịu thiệt thòi. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp để “giải cứu” ngành chăn nuôi heo, vốn chiếm đến 70% tỷ trọng ngành chăn nuôi. Chẳng hạn như tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý và công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào cho ngành chăn nuôi...
Tuy nhiên, từ đề xuất, kiến nghị đến thực thi là cả một quá trình, và trong khi chờ đợi các chính sách đi vào thực tế, nếu không có những giải pháp hữu hiệu mang tính tức thời thì người chăn nuôi heo và cả người tiêu dùng vẫn phải tiếp tục chịu thiệt. Cũng từ thực trạng này, một lần nữa câu chuyện mang tính chiến lược cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng lại được đặt ra: cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành; cùng với đó là việc tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết, điều tiết cung cầu thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thịt heo.
CHÂU NỮ