Nhận diện bức tranh doanh nghiệp
Doanh nghiệp tiếp tục rời bỏ thị trường và hàng tồn kho vẫn gia tăng là những vấn đề rất đáng quan tâm của kinh tế Quảng Nam hiện nay. Cần có một cuộc điều tra, khảo sát cụ thể để nhận diện bức tranh doanh nghiệp một cách cụ thể, đầy đủ hơn; trên cơ sở đó mới có giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Những dấu hiệu “bất an”
Có thể dễ dàng nhìn thấy bức tranh doanh nghiệp Quảng Nam đang “trôi” theo hai hướng đối nghịch nhau. Nếu chỉ số sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ từ đầu năm đến nay tăng 4,9 - 13%, thu ngân sách nội địa tăng hơn 42% cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì độ tăng trưởng thì phía ngược lại, lượng hàng hóa tồn kho và số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường ngày một gia tăng. Theo thống kê của UBND tỉnh, số doanh nghiệp từ đầu năm đến nay tăng gần 244 doanh nghiệp, thì cũng đã có đến gần 200 doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi, giải thể, ngừng hoạt động. Một thống kê khác cho biết năng lực sản xuất giường tủ, bàn ghế giảm 21%, sản xuất chíp điện tử giảm kỷ lục đến 50% và sức tiêu thụ của thị trường cũng đã giảm đáng kể, nhiều nhất là chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ (36%), linh kiện điện tử (34%). Đáng lo nhất là chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước…
Giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho là cách tạo sự bình ổn cho nền kinh tế địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh (ảnh có tính minh họa). Ảnh: T.D |
Không ít ý kiến cho rằng, hiện tại trên thị trường vẫn còn không ít doanh nghiệp thiếu chiến lược kinh doanh, thiếu chuyên nghiệp, hoạt động kinh doanh mang tính cơ hội, sống dựa vào vốn vay ngân hàng để thực hiện những thương vụ ngắn hạn và rước lấy rủi ro lớn. Một giai đoạn suy giảm là điều kiện cần để nền kinh tế đào thải những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Chấp nhận hàng loạt doanh nghiệp phá sản theo quy luật thị trường là chuyện đương nhiên. Có thể doanh nghiệp phá sản sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế, song cũng sẽ sàng lọc để nền kinh tế Quảng Nam bước sang trang mới.
Nhận diện và giải cứu
Bức tranh doanh nghiệp không thuận chiều. Không ít chuyên gia kinh tế khẳng định, tồn kho và số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường không ngừng gia tăng chính là hai điểm nghẽn của nền kinh tế, cần được tháo gỡ. Song nhiều ý kiến cũng cho rằng không một chính quyền nào đủ lực, đủ người để giải cứu tràn lan. Tuy nhiên, dù chấp nhận quy luật bình thường của thị trường, nhưng theo các phân tích, chính quyền cần định danh và nhận diện những yếu tố bất ổn, tìm ra phương thức giải quyết. Nếu doanh nghiệp rời bỏ thị trường không phải từ áp lực cạnh tranh hay năng lực của chính mình mà do tác động từ môi trường kinh doanh thì chuyện này không còn tự nhiên. Vì vậy, chính quyền và cơ quan quản lý nên mở những cuộc khảo sát, phân tích cụ thể ngay tại chính doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh về những nguyên nhân để tìm cách xử lý.
Chính quyền và cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều kế hoạch tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, nhưng ít thấy ai nói đến chuyện giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp và phân tích nguyên nhân doanh nghiệp rời bỏ thị trường một cách cụ thể. Không có một bản nghiên cứu và số liệu sâu sát với những phân tích, thống kê cụ thể mà chỉ đề cập một cách chung chung trong các báo cáo thường kỳ, thường niên của các cơ quan quản lý. Liệu đây có phải là một trong những lý do khiến chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong các khảo sát PCI hằng năm của Quảng Nam luôn bị đánh giá thấp, tụt điểm thường xuyên và khó vượt qua điểm số 6 hay không?
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay, cuộc cạnh tranh nâng điểm số hay cải thiện thứ hạng PCI chưa bao giờ có điểm dừng. Không muốn tụt hậu, kích thích doanh nghiệp phát triển, chính quyền đã đưa ra kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí, trong đó giảm từ 30% trở lên đối với các thủ tục hành chính… Năm 2017, Quảng Nam phải đứng trong nhóm có chỉ số tốt (đạt từ 60 điểm trở lên), phấn đấu từ năm 2018 trở về sau, Quảng Nam luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất nước. Chính quyền và cơ quan quản lý đã phần nào thành công, kích thích người dân khởi sự kinh doanh. Mục tiêu của Quảng Nam năm 2017 sẽ có thêm 1.000 doanh nghiệp nữa ra đời và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, kế hoạch này có nguy cơ phá sản hoặc xa vời nếu số doanh nghiệp bị “khai tử” hoặc dừng hoạt động hàng năm vẫn xấp xỉ con số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Vì vậy, nếu chính quyền và cơ quan quản lý nhận diện được sự vụ cụ thể của doanh nghiệp “chết” hay có nguy cơ bị “khai tử” để họ có thể gia tăng cơ hội “sống sót”, chắc chắn đó là giải pháp hiệu quả để tạo ra hiệu ứng và thổi bùng phong trào khởi nghiệp.
TRỊNH DŨNG