Rộng cửa đón nhà đầu tư Hàn Quốc

QUỐC TUẤN 07/04/2017 08:55

Hội thảo “Xúc tiến FDI và ODA cho miền Trung - Tây Nguyên và nhà đầu tư Hàn Quốc” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng là cơ hội để chính quyền các địa phương trong khu vực nói chung và Quảng Nam nói riêng giới thiệu thế mạnh của mình với nhà đầu tư Hàn Quốc.

Đầu tư còn hạn chế

Hiện nay trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đang sở hữu 1 khu công nghệ cao, 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 7 khu kinh tế ven biển, hơn 50 khu công nghiệp (KCN) và nhiều sân bay, cảng biển lớn…

Panko đầu tư dự án dệt may có quy mô lớn tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Ảnh: QUỐC TUẤN
Panko đầu tư dự án dệt may có quy mô lớn tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Ảnh: QUỐC TUẤN

Đây là những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực. Tuy nhiên, theo số liệu ban tổ chức hội thảo cung cấp, thu hút đầu tư FDI vào 13 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn từ 1988 - 2016 chỉ mới đạt khoảng 27 tỷ USD (chiếm chưa tới 10% cả nước). Trên bảng xếp hạng những quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, Hàn Quốc chiếm vị trí quán quân với 50,7 tỷ USD (tính đến hết năm 2016) nhưng con số đầu tư vào miền Trung - Tây Nguyên chỉ khoảng 2,5 tỷ USD. Phát biểu tại hội thảo, ông Park Jong Kyu - Trưởng đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank) tại Việt Nam thừa nhận, trước đây phần lớn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc khi đầu tư tại Việt Nam đều chú trọng đến thị trường phía Bắc và phía Nam, trong khi mảnh đất giàu tiềm năng ở miền Trung - Tây Nguyên chưa được quan tâm đúng mức.

Có mặt tại hội thảo, lãnh đạo chính quyền, sở KH-ĐT, khu kinh tế… của 13 tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đều chuẩn bị chi tiết các cẩm nang xúc tiến đầu tư với đầy đủ thông tin chi tiết về các dự án đang kêu gọi đầu tư, các lĩnh vực thế mạnh của từng địa phương phù hợp với các doanh nghiệp Hàn Quốc… để mời chào 25 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư. Cũng tại buổi hội thảo, đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung đã đưa ra các chi tiết so sánh hấp dẫn về các chi phí đầu tư kinh doanh như: giá thuê đất trong KCN, lương công nhân tối thiểu, chi phí thuê văn phòng… so với các khu vực trên toàn quốc.

Thế mạnh của Quảng Nam

Trong 13 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Quảng Nam là một trong những địa phương có mối quan hệ và thu hút đầu tư hiệu quả đối với các đối tác Hàn Quốc. Quảng Nam đã được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ vốn ODA để xây dựng Bệnh viện Nhi Việt - Hàn (khánh thành năm 2002), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (khánh thành năm 2012) và khoảng 10 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nguồn viện trợ phi chính phủ từ Hàn Quốc cũng khá đa dạng với các công trình Làng Hòa Bình (huyện Phú Ninh), Làng Hoa sen quốc tế, Khu 3740 Câu lạc bộ Rotary Quốc tế (TP.Tam Kỳ) với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, việc thu hút dòng vốn FDI từ Hàn Quốc đang được tiến triển mạnh và vẫn sẵn sàng rộng cửa đón các nhà đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 195 triệu USD. Riêng trong năm 2015, Quảng Nam đã cấp phép 8 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc, nổi bật là dự án xây dựng nhà máy dệt, may, nhuộm và phụ liệu dệt may của tập đoàn Panko tại KCN Tam Thăng với vốn đầu tư 80 triệu USD. Tại hội thảo, ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam khẳng định: “Quảng Nam đã dành sẵn khoảng 300 dự án cơ hội ở 2 vùng động lực phía đông và phía tây của địa phương để chào đón các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc”.

Ngoài những điều kiện tự nhiên sẵn có, các cơ quan chức năng của địa phương đang tích cực thúc đẩy, thiết lập các mối quan hệ với phía Hàn Quốc để tạo thuận lợi tốt nhất chào đón các nhà đầu tư. Từ năm 2004, Quảng Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác với TP.Osan, đến năm 2013 tỉnh tiếp tục mở rộng quan hệ với TP.Yongin (cùng thuộc tỉnh Gyeongggi, Hàn Quốc). Tháng 5.2015, đoàn đại biểu của tỉnh đã có buổi hội thảo xúc tiến đầu tư với hơn 150 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Seoul. Nhờ đó, hiện tại Công ty DAE YOUNG E&C đang xúc tiến dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Đại Tân (huyện Đại Lộc) hay việc Công ty CP Ô tô Trường Hải đang hợp tác sản xuất, lắp ráp ô tô Kia với tập đoàn Hyundai. Ngoài ra, việc các tuyến hàng hải container từ cảng Chu Lai - Trường Hải trực tiếp đi Incheon cũng là chất xúc tác giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc mặn mà hơn trong việc đầu tư vào Quảng Nam.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN