Tổng lực cải thiện, nâng chất PCI

TRỊNH DŨNG 05/04/2017 08:38

Mục tiêu trong năm 2017, Quảng Nam phải đứng trong nhóm có chỉ số tốt (đạt từ 60 điểm trở lên), phấn đấu từ năm 2018 trở về sau luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất nước. Kế hoạch cải thiện này có lan tỏa đến các sở, ban, ngành địa phương hay không vẫn là câu chuyện cần bàn.

Nỗ lực cải thiện

Các sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ nhiều năm qua, như một cửa liên thông, tiếp doanh nghiệp định kỳ, cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp hay cà phê doanh nhân… vẫn đang được vận hành. Kể từ năm 2016, chính quyền Quảng Nam đã đưa ra một kế hoạch cụ thể để cải thiện, nâng chất từng chỉ số, cho thấy quyết tâm thay đổi để trở thành địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tiếp cận đất đai, đào tạo lao động… vẫn là một trong những chỉ số thấp điểm của Quảng Nam (ảnh minh họa). Ảnh: T.D
Tiếp cận đất đai, đào tạo lao động… vẫn là một trong những chỉ số thấp điểm của Quảng Nam (ảnh minh họa). Ảnh: T.D

Không chỉ dừng lại việc công khai niêm yết đồng bộ 100% thủ tục hành chính, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục, trên trang thông tin điện tử các đơn vị và cổng thông tin điện tử tỉnh, các quy trình và các thủ tục hành chính đã dần hoàn thiện. Toàn bộ thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đều đã được rút ngắn thời gian. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đối thoại doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị hợp lý của các nhà đầu tư… cũng đã được gia tăng tần suất hoạt động. Các nỗ lực này đã tạo cơ sở cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cho điểm về năng lực điều hành của chính quyền Quảng Nam thông qua cuộc điều tra PCI mới đây.

Theo nhận định của các cơ quan quản lý, những sáng kiến này đã góp phần giúp Quảng Nam trở thành gương mặt ấn tượng trong tốp 10 tỉnh, thành cả nước và xếp thứ hai vùng duyên hải miền Trung, thuộc nhóm tốt dẫn đầu chỉ số PCI, có đủ năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư cao nhất nước. Số lượng vốn đầu tư gia tăng và mới đây nhất là 32 dự án đầu tư được cấp phép, thỏa thuận… với tổng vốn đăng ký lên đến 15,8 tỷ USD và nhiều doanh nghiệp khác bày tỏ ý định sẵn sàng mở rộng sản xuất, kinh doanh, phần nào chứng tỏ môi trường đầu tư, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đã phát huy hiệu quả. Kết quả điều tra, khảo sát PCI năm 2016 cho dù tụt 2 bậc so với năm 2015, nhưng tổng điểm các chỉ số thành phần Quảng Nam đã gia tăng từ 61,06 lên 61,17 điểm. Chiếu theo kế hoạch hành động của UBND tỉnh thì việc hai năm liên tục đứng trong nhóm có chỉ số tốt (đạt từ 60 điểm trở lên), lọt vào tốp 10 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất nước là một thành công lớn.

Đó là nhận định của cơ quan quản lý. Nhà đầu tư và doanh nghiệp không nghĩ vậy. Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh đã vận hành, nhưng phải đợi đến cuối năm 2017 mới có khoảng 90% tổng số thủ tục hành chính của từng cơ quan, đơn vị sẽ được chuyển về tiếp nhận, giải quyết tại trung tâm này. Thành công của trung tâm này hay không thì phải đợi đến cuộc khảo sát PCI năm 2017 mới có thể đánh giá được. Còn hiện tại, khi các chỉ số như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý vốn là những chỉ số thành phần đã được doanh nghiệp cho điểm tốt trong cuộc điều tra, khảo sát năm 2015 lại “bất ngờ” rớt điểm một cách thảm hại vào năm 2016.

Cần thực tiễn đánh giá

Kết quả như vậy thì liệu những “lạc quan” của các cơ quan quản lý có phải là những nhận định đúng đắn hay không? Rất cần thêm những cuộc điều tra, phân tích, luận giải để xác lập một môi trường đầu tư thông thoáng hơn trên thực tế. Động thái mới là UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung cải thiện các chỉ tiêu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo yêu cầu Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch của tỉnh theo hướng tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính như đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… nhằm xây dựng nền hành chính kiến tạo, năng động, trách nhiệm, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là hướng đến thông thoáng, minh bạch và tạo thuận lợi, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những vấn đề quan trọng sẽ là tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá: phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực. Sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm cắt giảm 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bằng việc đơn giản, điện tử hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội, thông quan hàng hóa, tiếp cận tín dụng, đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, bảo đảm theo yêu cầu đề ra, không vượt quá thời gian quy định của Chính phủ.

Kế hoạch tổng lực cải thiện, nâng cao chỉ số PCI đã ban hành. Tuy nhiên, nhà đầu tư, doanh nghiệp cho rằng cần thêm một hệ thống đánh giá, theo dõi giám sát kết quả thực thi, để biết được những chương trình, kế hoạch của chính mình đưa ra có thực sự lan tỏa đến hết địa phương hay sở, ban, ngành hay không mới là điều quyết định cho sự thành công của nỗ lực cải thiện!

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG