Dấu ấn sản xuất sợi
Các nhà máy sản xuất sợi được đầu tư và đi vào hoạt động trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đã đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ từ sản xuất sản phẩm sợi cấp trung bình sang chất lượng cao.
Công nghệ hiện đại
Tháng 10.2015, Công ty CP Sợi Hòa Thọ Thăng Bình (thuộc Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ) triển khai xây dựng giai đoạn 1 nhà máy sản xuất sợi tại thôn Ngọc Sơn (xã Bình Phục, Thăng Bình). Tháng 8.2016, công trình hoàn thành, đi vào sản xuất, quy mô 21.600 cọc sợi, vốn đầu tư 12 triệu USD, thu hút hơn 160 lao động. Sản phẩm sợi chất lượng cao của công ty này không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, được các đối tác Nhật Bản và châu Âu đánh giá cao. Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Công ty CP Sợi Hòa Thọ Thăng Bình cho biết, nhà máy sản xuất sợi được đầu tư thiết bị hiện đại, đồng bộ của Nhật và châu Âu.
Ông Lê Tiến Trường giới thiệu các công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất sợi tự động hóa của Công ty CP Sợi Hòa Thọ Thăng Bình với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn. Ảnh: N.Q.V |
Quy trình sản xuất sợi tự động hóa cao, công suất giai đoạn 1 đạt 5 nghìn tấn sợi/năm, chuyên sản xuất các loại sợi CVC, chất lượng sợi đạt dưới đường uster 5%. Doanh thu hàng năm từ sản xuất sợi đem lại cho công ty không dưới 260 tỷ đồng, tạo kim ngạch xuất khẩu hơn 12 triệu USD/năm. “Đầu tư nhà máy sợi ở Thăng Bình không chỉ tạo điều kiện để Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ mở rộng thị trường, gia tăng thị phần xuất khẩu và nội địa mà còn góp phần từng bước thực hiện mục tiêu phát triển cho cả giai đoạn 2011 - 2020 được Tập đoàn Dệt may Việt Nam phê duyệt. Đây là dự án sản xuất sợi đầu tiên của Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ đầu tư tại Quảng Nam, đánh dấu bước chuyển sang sản xuất sợi chất lượng cao” - ông Bình nói.
Quảng Nam còn thêm một nhà máy sản xuất sợi nữa hoạt động tại cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung, Duy Xuyên) là Nhà máy sản xuất sợi chỉ RIO Quảng Nam. Đây cũng là dự án lớn, được sự đầu tư bằng nguồn vốn FDI của Tập đoàn RIO Industries - Hàn Quốc. Công suất sản xuất sợi của nhà máy này đạt 7 nghìn tấn/ năm với tổng vốn đầu tư 12 triệu USD, thu hút 500 lao động. Sản phẩm sợi chỉ chất lượng cao cung cấp sang thị trường Hàn Quốc, hướng tới cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các doanh nghiệp trong nước. Hoạt động của 2 nhà máy sản xuất sợi ở Quảng Nam đã đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược mở rộng sản xuất, phát triển thị phần ngành công nghiệp phụ trợ mà Quảng Nam đang hướng đến.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, về cơ bản Quảng Nam thống nhất với chủ trương mở rộng đầu tư sản xuất sợi của công ty CP Sợi Hòa Thọ Thăng Bình. Trong thời gian đến, công ty cần chú trọng sản xuất sợi có chất lượng cao hơn mặt bằng hiện tại của ngành sợi, qua đó xuất khẩu tốt hơn. Lực lượng sản xuất cũng cần phải tiết kiệm triệt để các chi phí để hạ giá thành sản xuất, nâng cao cạnh tranh hàng hóa trên thị trường. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động yên tâm sản xuất, tạo sản phẩm sợi ngày một bắt mắt hơn, đảm bảo hơn. |
Bà Trần Thị Thu Hường - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho rằng, việc đầu tư đồng bộ các thiết bị, công nghệ cao của châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, cộng với quy trình sản xuất hiện đại và tính cần cù, chịu khó của lao động Quảng Nam đã mở ra hướng đi rất quan trọng cho ngành sản xuất sợi. Không khó để lý giải điều này, khi thời gian qua, cả nước đã xuất khẩu sợi thô và thu mua nguyên liệu vải về phục vụ may mặc. Phần thặng dư giá trị gia tăng mang lại từ công nghiệp may mặc quá thấp, xuất khẩu sợi thô thu lợi ít mà nhập khẩu vải vóc tốn quá nhiều chi phí là những yếu kém đã được vượt qua tại Quảng Nam vào thời điểm này.
Sản xuất lớn
Ông Trần Văn Phổ - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá rất cao thành công bước đầu trong sản xuất sợi của Công ty CP Sợi Hòa Thọ Thăng Bình. Ông Phổ cho rằng, tiềm năng sản xuất sợi của công ty rất lớn, vì thế UBND tỉnh cần tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư giai đoạn 2 của dự án, tăng quy mô sản xuất sợi từ 6ha lên 20ha. Quan điểm được Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ là sẽ nâng quy mô sản xuất sợi từ 21.600 cọc sợi lên 100.000 cọc sợi cộng thêm 1 nhà máy sợi xe đôi với tổng mức đầu tư lên đến 60 triệu USD, thu hút 800 lao động địa phương làm việc. “Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép sẽ đầu tư thêm 5 nhà máy sợi nữa, khởi công trong năm 2017 này, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Chúng tôi cam đoan sẽ đầu tư đồng bộ các thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại nhất của châu Âu và Nhật Bản để thu được thành quả lao động và đóng góp lớn nhất có thể cho địa phương” - ông Phổ nói.
Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thị trường sợi thế giới rất rộng mở, tuy nhiên khả năng cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam lại nhỏ lẻ về số lượng, sản lượng, chủng loại sản phẩm sợi. Trong khi đó, ngành may mặc trong nước cũng ngày một phát triển sâu rộng, nhu cầu nguyên liệu vải vóc từ sợi chất lượng tốt để sản xuất cũng rất cao. Với tiềm năng to lớn cộng với nguồn cầu cao, việc phát triển sản xuất sợi chất lượng tốt là phù hợp với nhu cầu nội tại phát triển. Ông Trường khẳng định, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục là đầu mối, cung cấp những thông tin cần thiết về ngành sợi cũng như tổ chức nghiên cứu kỹ thị trường sợi để các doanh nghiệp sản xuất sợi nắm bắt, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư quy trình hiện đại và đào tạo nguồn lao động sản xuất sợi tốt đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu. Đến thời điểm này, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã đầu tư 7 công ty, nhà máy hoạt động tại Quảng Nam với tổng số vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng, thu hút 5 nghìn lao động địa phương. Năm 2016, tổng công ty này đạt doanh thu 924 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu là 42 triệu USD, đóng góp ngân sách tỉnh 56 tỷ đồng/năm.
NGUYỄN QUANG VIỆT