Thaco tính chuyện công nghiệp hóa nông nghiệp

TRỊNH DŨNG 27/03/2017 08:55

Từ sản xuất ô tô, Thaco đã bước sang một địa hạt mới là sản xuất và kinh doanh máy nông nghiệp. Sự kiện này được đánh giá là một cuộc khởi nghiệp để “đón đầu hội nhập”, dựa trên chính nội lực của doanh nghiệp.

Khởi nghiệp

Trường Hải đã có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường ô tô Việt Nam. Thị phần Thaco tiếp tục tăng vọt, bỏ xa các đối thủ trực tiếp, duy trì vị thế 3 năm liên tục dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam, chiếm 41,5% thị phần Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Năm 2016, Thaco lần đầu tiên vươn lên vị trí số 1 của khối doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và hướng tới trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành. Thế nhưng, một trong những ý tưởng khởi nghiệp mới của Thaco lại gắn với nông nghiệp. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải - ông Trần Bá Dương cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng công nghiệp hóa, cơ giới hóa trong sản xuất, canh tác. Nông nghiệp hiện là ngành chủ đạo của nền kinh tế, nhưng lạc hậu, cần phải ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa mạnh trong thời gian tới. Vì vậy, Trường Hải đã quyết định tham gia việc phát triển ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Lễ ký kết hợp tác sản xuất máy nông nghiệp giữa LS Mtron và Thaco. Ảnh: T.D
Lễ ký kết hợp tác sản xuất máy nông nghiệp giữa LS Mtron và Thaco. Ảnh: T.D

Sự biến động của thị trường lẫn áp lực hội nhập, không hiếm tập đoàn tư nhân lớn tại Việt Nam đã tìm kiếm thêm những hướng đi mới trên thị trường đầy cạnh tranh này, Thaco cũng không ngoại lệ. Song, sự khác biệt đầu tiên của tập đoàn này chính là chọn đầu tư sản xuất máy nông nghiệp dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, dựa trên chính nội lực, thế mạnh của chính mình để bước sang một giai đoạn khởi nghiệp mới. Sự khác biệt thứ hai, khác hẳn với các doanh nghiệp lớn chế tạo máy nông nghiệp tại Việt Nam, Thaco chọn cách liên doanh với đối tác nước ngoài, thông qua chuyển giao công nghệ, sẽ nội địa hóa sản phẩm khi lượng tiêu thụ đủ lớn. Theo ông Dương, Thaco cần một lúc làm vài ba ngành nghề, từ đầu tư hạ tầng, công nghiệp ô tô và tham dự vào công nghiệp hóa nông thôn, để có thể chống đỡ cho nhau khi một ngành nào đó bất ổn.

Khởi sự cho chiến lược này, Thaco đã ký kết hợp tác với Tập đoàn LS Mtron (Hàn Quốc) ngày 17.1.2017. Theo nội dung ký kết, LS Mtron sẽ chuyển giao công nghệ cho Thaco xây dựng nhà máy sản xuất các loại máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa đến 50% và phân phối độc quyền tại Việt Nam mang thương hiệu Thaco vào tháng 10.2017. Giai đoạn 2 là liên doanh mở rộng sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu. Ông Trần Bá Dương cho biết, song song với việc sản xuất các máy móc nông nghiệp có công năng phù hợp, sử dụng hiệu quả, mang lại năng suất cao, Thaco đang nghiên cứu và sẽ tham gia quy hoạch, thiết kế lại quy mô canh tác theo hướng công nghiệp hóa. Sẽ nghiên cứu, sản xuất các máy móc thiết bị chuyên dụng cho nhóm sản phẩm nông nghiệp các loại khép kín theo chuỗi giá trị từ khâu canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến và phân phối.

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Tập đoàn LS Mtron đã khởi sự sản xuất máy nông nghiệp kể từ năm 1997 và phát triển vượt bậc, trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu về máy nông nghiệp. Máy kéo thương hiệu LS đang chiếm thị phần lớn nhất tại Hàn Quốc, một hệ thống kinh doanh ở Mỹ và các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, Brazil đang được thiết lập. Tập đoàn này đã xuất khẩu các dòng máy kéo đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Chỉ riêng thị trường máy nông nghiệp lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, mỗi năm LS xuất khẩu không dưới 12.000 máy kéo. Ông Ja-Eun Koo - Phó Chủ tịch Tập đoàn LS Mtron nói sự quyết đoán của ông Dương và sự tương đồng về tầm nhìn, triết lý kinh doanh của hai phía sẽ tạo nên sự hợp tác thành công. Ông Trần Bá Dương cho rằng cuộc hợp tác này sẽ là ngành nghề kinh doanh mới của Thaco theo chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, lấy cơ khí và ô tô làm chủ đạo. Đây cũng là trách nhiệm của Thaco trong việc tham gia phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. Thaco sẽ thực hiện thí điểm vài mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng công nghiệp hóa từ khâu gieo trồng, thu hoạch, quảng bá sản phẩm, xuất khẩu gạo ra nước ngoài. Hy vọng sản phẩm máy nông nghiệp này sẽ dần thay thế hàng ngoại nhập.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, ngành nông nghiệp được xem là lợi thế của Việt Nam nhưng các doanh nghiệp dường như rất khó để phát triển. Ngay như việc kinh doanh máy nông nghiệp, hiện nay có rất nhiều hệ thống văn bản liên quan để khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận được những chính sách này vì chính sách không cụ thể, các tiêu chuẩn để được hỗ trợ quá cao… Hiện nay máy móc nông nghiệp Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính vì vậy, ông Hoàng Văn Thắng – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã tỏ ra phấn khích trước cuộc hợp tác này của Thaco.

Theo ông Thắng, sự hợp tác của Thaco và LS Mtron là điều đáng mừng, bởi hiện tại tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ vào giá trị sản phẩm của nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 30% tại Việt Nam. Trình độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn thấp và chưa phát triển toàn diện. Ngành cơ khí chế tạo máy chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện mới chỉ đáp ứng 33% thị trường nội địa nhưng chất lượng máy còn thiếu ổn định và hầu hết là máy có công suất nhỏ. Cho dù Việt Nam có nhiều sản phẩm từ nông nghiệp chủ lực với tổng giá trị xuất khẩu hơn 32 tỷ USD và cung cấp sản phẩm cho 90 triệu dân tiêu dùng nội địa, nhưng tỷ lệ lao động thủ công trong nông nghiệp vẫn còn rất lớn. Việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là xu hướng tất yếu và Thaco có đủ tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường để thực hiện điều này. Đây là một sự kiện mà Bộ NN&PTNT đã chờ đợi từ lâu.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG