Bỏ áp trần giá sữa để cạnh tranh lành mạnh
Ngày 31.3, Bộ Công thương dự kiến sẽ bỏ áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Hai vấn đề người tiêu dùng quan tâm là thời điểm này liệu giá sữa có tăng cao và ngành chức năng quản lý chặt chẽ thị trường ra sao?
Không dễ tăng giá
Sau hơn 2 năm triển khai, áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 này. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy băn khoăn chung của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh là liệu giá sữa có “nhảy múa” như trước khi áp trần giá sữa hay không. Tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, hiện có nhiều mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi được bày bán như: Friso, Grow plus, Similac, Optimum, Nuti IQ, Pedia plus… Cùng một loại sữa Pedia có trọng lượng 900g tuy nhiên giá chênh lệch rất lớn.
Chưa có tình trạng “găm” hàng để tăng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ảnh: N.Q.V |
Loại sữa này của hãng Dielac có giá bán 294.500 đồng nhưng của hãng Abbott lại có giá bán hơn gấp đôi: 602.000 đồng. Các nhân viên bán hàng của Co.opMart Tam Kỳ cho biết, do đầu vào khác nhau, sữa Abbott được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu của Mỹ nên chất lượng sữa tốt hơn, giá bán cao hơn. Người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn các mặt hàng sữa cần mua với các giá niêm yết rõ ràng. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh. Với giá bán như vậy thì rõ ràng sản phẩm đến tay người tiêu dùng thấp hơn mức trần từ vài trăm đồng đến vài nghìn đồng. Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), tuy các loại sữa có giá chênh nhau rất lớn nhưng không hề có tình trạng “cháy hàng” xảy ra trong vòng một tuần qua. Điều đó có thể khẳng định chưa xảy ra tình trạng “găm” hàng để chờ bán với giá cao hơn.
Khảo sát tại nhiều cửa hàng bán lẻ các mặt hàng sữa dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh của chúng tôi có “mẫu số chung” là vẫn chưa xuất hiện tình trạng “găm” hàng. Chị Phan Thị Thảo (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) - chủ cửa hàng bán lẻ các loại sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi cho biết, theo suy luận tự nhiên thì bỏ áp trần giá sữa có thể giá sẽ lên xuống thất thường, khả năng tăng giá do doanh nghiệp tự định giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều mặt hàng sữa cùng loại có mặt trên thị trường thì sức cạnh tranh sẽ rất lớn. Hầu như người tiêu dùng chỉ lựa chọn sản phẩm sau khi đối chiếu, cân nhắc kỹ. Vì vậy, tăng giá có thể sẽ khiến cho doanh nghiệp bị tách ra khỏi quy luật chung chi phối kinh doanh. “Tôi bán các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo khung giá quy định của nhà phân phối. Nếu mình “găm” hàng, tự đẩy giá bán lên cao thì người tiêu dùng không mua mà nhà phân phối cũng sẽ không cung cấp hàng trong thời gian đến thì rõ ràng đó không phải là cách lựa chọn. Bên quản lý thị trường kiểm tra nếu phát hiện gian dối trong kinh doanh sẽ tước giấy phép, chấm dứt buôn bán” - chị Thảo nói.
Vận động theo quy luật
Theo Sở Công thương, thị trường có quy luật vận động nên trong thời gian tới giá sữa sẽ tăng hay giảm tùy theo mức độ cạnh tranh chất lượng hàng hóa cũng như thị hiếu chuộng mặt hàng sữa nào của người tiêu dùng. “Sau khi bỏ áp trần, về lý thuyết có thể xảy ra tình trạng loạn giá sữa bởi doanh nghiệp được tự định giá. Tuy nhiên, bên cạnh việc đăng ký giá, doanh nghiệp còn phải tính tới yếu tố thị phần, phân khúc cạnh tranh. Vì vậy, càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh thì sự cạnh tranh càng khốc liệt. Từ đó tạo sức ép lên giá thành, buộc doanh nghiệp phải giảm giá, doanh nghiệp nào bán giá cao thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay. Trong quá trình cạnh tranh nếu doanh nghiệp đẩy giá lên quá cao thì sẽ đánh mất lợi thế của mình” - ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương nói.
Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, quy định tại khoản 2, điều 15 của Luật giá thì sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là một trong những mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Do đó, khi không còn bị áp trần về giá nhưng cơ quan nhà nước vẫn có quyền sử dụng các biện pháp bình ổn giá để điều hòa cung cầu. Theo đó, các biện pháp tài chính tiền tệ phù hợp, lập quỹ bình ổn, đăng ký giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá, hỗ trợ về giá phù hợp, định giá tối đa/tối thiểu... là những công cụ đắc lực để ngành công thương quản lý thị trường sữa phù hợp với quy luật vận động, tránh lộn xộn, chèn ép trên thị trường sữa. “Như vậy, hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào một trị trường sữa cạnh tranh lành mạnh. Do đó, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sữa chất lượng với giá hợp lý và được nhà nước can thiệp bình ổn giá kịp thời khi có biến động thị trường” - ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thị trường (Sở Công thương) thông tin.
Sở Công thương có trách nhiệm tiếp nhận, rà soát các biểu mẫu đăng ký giá, kê khai giá sữa theo quy định. Cùng với đó là hướng dẫn các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng hóa sản phẩm theo giá niêm yết. “Sở Công thương đã có công văn hướng dẫn các tổ chức kinh doanh thực hiện các quy định nêu trên. Đồng thời chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan sát sao thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định. Nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo thẩm quyền” - ông Nguyễn Quang Thử cho biết thêm.
NGUYỄN QUANG VIỆT