Tìm lại thương hiệu quế Trà My

TRẦN HỮU 24/03/2017 08:41

Suốt thời gian dài cây quế Trà My lâm cảnh “ba chìm bảy nổi”, có lúc nông dân không thương tiếc chặt bỏ để thay thế bằng loại cây trồng khác. Tuy nhiên, khi loại cây này có chỗ đứng trên thị trường, chính quyền một số địa phương miền núi đã nỗ lực bảo tồn, phục hồi thương hiệu cho cây quế bản địa

Bảo tồn ngọc quế

Khu rừng già Đông Trường Sơn qua huyện Nam Trà My, nhiều nơi còn bạt ngàn rừng quế cổ thụ. Đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong, Xê Đăng lâu nay vẫn có ý thức bảo vệ rừng quế. Nóc ông Ní thuộc thôn 3 (xã Trà Vân, Nam Trà My) có gần 70 hộ dân, hơn 90% là hộ nghèo. Đất lúa rẫy ít, phụ thuộc vào rừng nên đời sống của đồng bào rất khó khăn. Ngoài thâm canh lúa rẫy, khai thác lâm sản phụ trong rừng, chăn nuôi thì cây quế góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vân – ông Hồ Văn Huyện cho biết, một cây quế cổ thụ nếu khai thác toàn bộ vỏ, lá, hạt, thân gỗ có thể thu về hơn chục triệu đồng nhưng đồng bào không nỡ triệt hạ nó. Hai tháng cuối năm thường là thời điểm thu hoạch quế. Với cây quế cổ thụ bình quân mỗi năm hái được 3 ang hạt giống. Tiền bán hạt, cộng với hái lá tươi bán ký đủ để người dân mua thực phẩm tươi sống mỗi ngày. “Đồng bào mình không hám lợi trước mắt mà nghĩ đến cái lợi lâu dài. Vậy nên, họ để cây quế tồn tại hàng chục năm, thậm chí gần 100 năm” chứ không lột vỏ - ông Huyện nói.

 Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Hồ Quang Hải (áo trắng) tìm hiểu thực tế vườn quế trong dân. Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Hồ Quang Bửu (áo trắng) tìm hiểu thực tế vườn quế trong dân. Ảnh: H.P

Khác với xứ sở “cao sơn ngọc quế”, nông dân trồng quế ở vùng trung du Tiên Phước muốn khai thác đứt một lần sau hơn 7 năm trồng. Lúc giá quế tăng cao, người dân sẵn sàng chặt cây đem bán. Mỗi cây quế hơn 7 năm tuổi cho bình quân 10kg vỏ quế tươi (hiện giá mỗi ký vỏ dao động trên dưới 30 nghìn đồng). Sau khi lột vỏ cây quế, thân cây bán lấy gỗ, còn cành và lá được tận dụng bán cho các cơ sở làm hương, chế biến dầu nên giá trị mỗi cây quế cho tối thiểu 500 nghìn đồng. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, toàn huyện ước còn 500ha cây quế bản địa, tập trung nhiều nhất ở thôn 4 và 5 (xã Trà Giáp); thôn 3 và 4 (xã Trà Ka); thôn 2 và 5 (xã Trà Đốc); nóc Xơ Rơ (thôn 8, xã Trà Bui). Để lấy tinh dầu thì cây quế bản địa cần thời gian trồng kéo dài đến 20 năm, trong khi điều kiện kinh tế miền núi khó khăn, người dân không đủ kiên nhẫn chờ đủ độ dài đó mới thu hoạch. “Nếu cân nhắc bài toán kinh tế thì trồng quế chu kỳ thu hoạch ngắn ngày vẫn  hiệu quả hơn. Địa phương đang lên kế hoạch nghiên cứu, học hỏi trồng giống quế ngắn ngày và cách tiêu thụ sản phẩm từ quế của tỉnh Yên Bái. Khi đã đúc kết được kinh nghiệm, lúc đó mới tính chuyện trồng quế nội hay quế ngoại” - ông Thiệu nói.

Đồng bào khai thác vỏ quế.
Đồng bào khai thác vỏ quế.

Chính quyền huyện Bắc Trà My cũng tuyên truyền, định hướng người trồng quế giai đoạn đầu nên tỉa lá bán ký, khi tận dụng hết giá trị của lá quế, cuối cùng mới khai thác vỏ. Lợi thế cạnh tranh của quế Trà My là được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; được đánh giá có chất lượng cao hơn hẳn so với các loại quế trồng ở vùng khác nhờ hàm lượng tinh dầu cao, có mùi vị đặc trưng, vỏ dày và thơm. Ông Đinh Mướk - Chủ tịch Hội quế Trà My quả quyết, dù qua biến động của thị trường nhưng quế gốc bản địa Trà My vẫn có thương hiệu riêng. Sự đột phá về chính sách, cơ chế thu hút hấp dẫn sẽ là cơ hội giúp cho cây quế khẳng định được vị thế và góp phần giảm nghèo cho người dân một số huyện miền núi.

Cần chính sách phù hợp

“Thủ phủ” quế Trà My
Không bị cuốn hút bởi giống quế ngoại lai với chu kỳ thời gian khai thác ngắn ngày, đồng bào dân tộc thiểu số xã Trà Leng (Nam Trà My) hàng chục năm nay vẫn “trung thành” với giống quế bản địa. Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho hay, các thôn trên địa bàn đều trồng quế, nhiều nhất là thôn 1. Mấy năm nay nhiều hộ đã thoát nghèo, có hộ khá giả là nhờ quế. Sở dĩ loại cây này được bảo tồn là người dân biết cách khai thác, giữ được cây cổ thụ để khai thác hạt chứ không bán một lần bằng hình thức lột vỏ. Năm 2016 xã trồng hơn 300 nghìn cây quế, diện tích vùng trồng 722,5ha (chiếm hơn 25,2% diện tích quế của toàn huyện).
Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Trà Leng là “thủ phủ” của quế Trà My không chỉ bởi diện tích lớn mà còn ở năng suất, giá trị kinh tế. Cá biệt ở vùng cao này có hộ mỗi năm trồng đến 20 nghìn cây quế bản địa. “Làn sóng” phát triển cây quế lan rộng là do cây quế đã tìm lại vị thế, hiệu quả kinh tế cao hơn loại cây keo nguyên liệu, giống lại rẻ hơn, hộ gia đình có thể tự sản xuất vườn ươm được.

Thuyết trình cho sự cần thiết phải đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế Trà My giai đoạn 2017 - 2020, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu khẳng định, quế là cây trồng truyền thống của địa phương và là nguồn thu nhập chính của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Bh’ noong. Loại cây này cũng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc. Qua khảo sát, giống quế Trà My được trồng trên địa bàn chiếm hơn 95% diện tích, còn giống quế nguồn gốc nơi khác chiếm khoảng 5% diện tích. “Do lợi ích về mặt kinh tế nên thời gian qua có tình trạng người dân lựa chọn những giống quế có thời gian thu hoạch nhanh để trồng nhằm phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm và hương liệu, còn mục đích dùng vỏ quế làm dược liệu rất ít do chu kỳ kinh doanh dài, lâu thu hồi vốn. Do vậy hiện nay trên địa bàn huyện những rừng quế có tuổi đời hơn 20 năm tương đối ít. Nếu không có giải pháp bảo tồn cấp thiết, thì quế Trà My sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng” - ông Bửu lo lắng.

Nhiều năm qua, thông qua các chương trình 30a, 135II, quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ, Nam Trà My hỗ trợ vật tư, hơn 20 triệu cây giống cho đồng bào thụ hưởng. Còn huyện Bắc Trà My bỏ tiền ngân sách mua giống quế cấp miễn phí cho dân trồng. Theo thống kê của UBND huyện Nam Trà My, tổng diện tích trồng quế trên địa bàn là 2.864ha, trong đó 2 xã chiếm diện tích lớn là xã Trà Mai có diện tích 838ha, chiếm (29,3%); Trà Leng 722,5ha (chiếm 25,2%) diện tích toàn vùng. Tiếp đến là các xã Trà Dơn (328,6ha), Trà Tập (256,5ha), Trà Cang (195,6ha), Trà Don (174,4ha), Trà Vinh (165,1ha), Trà Vân (145,1ha)... Hạn chế nhất hiện nay là chế biến tinh dầu quy mô còn nhỏ lẻ. Trong vùng trồng quế chỉ có 1 nhà máy chế biến tinh dầu của Công ty TNHH MTV Hương Quế Hùng Dũng (Bắc Trà My), với công suất 10 tấn lá và cành nhỏ/ngày đêm, cho ra khoảng 75kg tinh dầu/ngày đêm. Thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu qua Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ... Trong tỉnh, một số cơ sở chính thu mua, sơ chế sản phẩm quế như Công ty TNHH Quế Quảng Nam; Công ty TNHH MTV Hương Quế Hùng Dũng; Công ty Thương mại Trà My Quảng Nam; Công ty CP Thương mại Dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam.

Theo ông Bửu, để giữ vững thương hiệu quế Trà My, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đột phá. Trước mắt cần tập hợp các hộ trồng quế lại với nhau để cùng sản xuất theo quy mô lớn. Chính quyền chịu trách nhiệm hướng dẫn các hộ về kỹ thuật trồng, hợp tác làm ăn, cung cấp thông tin thị trường, làm cầu nối giữa các cơ quan nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp. Các tổ hợp tác ra đời sẽ hoạt động theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, người dân cần góp đất để tích tụ diện tích đủ lớn cho trồng quế. Đối với một số vùng dự kiến đưa vào dự án có diện tích lớn nhưng số hộ trồng tương đối ít, không đủ nguồn lực để hình thành được vùng chuyên canh tập trung, cần có chính sách giao đất cho nhóm cộng đồng dân cư cùng tổ chức trồng theo mô hình tổ hợp tác sản xuất hoặc thực hiện cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân. Thêm vào đó, Nhà nước phải lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển thâm canh cây quế; cụ thể hóa cơ chế ưu đãi doanh nghiệp lên miền núi đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế. Để khuyến khích mở rộng vùng chuyên canh quế tập trung, Nhà nước tạo điều kiện cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp, hợp lý, phù hợp với chu kỳ kinh doanh của cây quế.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU