Cơ hội đón nhà đầu tư
Tiềm năng và lợi thế của Quảng Nam sẽ tiếp tục được quảng bá tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2017 nhằm thu hút các dự án đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh góp phần giải quyết bài toán việc làm vùng nông thôn. Trong ảnh: Công nhân may tại Khu công nghiệp Đông Quế Sơn. Ảnh: NGUYỄN SỰ |
Hội nghị diễn ra tại TP.Tam Kỳ vào ngày 26.3 tới do UBND tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư tổ chức. Dự kiến có khoảng 500 đại biểu tham dự, gồm Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan của các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
20 năm thu hút đầu tư
Quảng Nam sau 20 năm tái lập đã có bước chuyển cơ bản, từ một tỉnh thuần nông sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu đến năm 2020 là tỉnh phát triển khá của cả nước và sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Bước chuyển này có thể thấy ở tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ trong GRDP tăng từ 50% (năm 1996) lên 86% (năm 2016); khu vực nông, lâm, thủy sản giảm xuống còn 14% (năm 2016).
Toàn tỉnh có 5.293 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 38 doanh nghiệp nhà nước, 129 doanh nghiệp FDI và 5.126 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Năm 2016 có 1.050 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 20% so với năm 2015. Số doanh nghiệp bị giải thể và thu hồi giấy phép kinh doanh từng bước giảm xuống, năm 2016 có 100 doanh nghiệp giải thể (giảm 3 doanh nghiệp so với năm 2015), 250 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh (giảm 43% so với năm 2015). Trong năm 2016, các doanh nghiệp trên địa bàn đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 11.661 tỷ đồng (đạt 158,45% so với dự toán). Trong đó nhiều nhất phải kể đến đóng góp của doanh nghiệp ngoài quốc doanh với khoảng 10.073 tỷ đồng (chiếm 86,38% trong tổng mức đóng góp ngân sách nhà nước từ doanh nghiệp), còn lại là doanh nghiệp nhà nước với hơn 453,4 tỷ đồng (chiếm 6,46%) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 835,3 tỷ đồng (chiếm 7,16%). |
Theo Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, tính đến cuối năm 2016 có 129 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,98 tỷ USD, gấp hơn 31 lần so với cuối năm 1997 (riêng năm 2016 cấp mới 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký gần 122,8 triệu USD). Trong đó, tại Khu kinh tế mở Chu Lai có 118 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 2,15 tỷ USD (33 dự án FDI, 85 dự án đầu tư trong nước). Một số dự án lớn được đánh giá là dự án động lực như: Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc, Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải… Ngoài ra, tại địa bàn các khu công nghiệp của tỉnh có 88 dự án đầu tư còn hiệu lực (32 dự án FDI, 56 dự án có vốn đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.415,7 tỷ đồng và hơn 454,3 triệu USD. Năm 2016, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khu công nghiệp trong tỉnh phần lớn được duy trì ổn định và đạt hiệu quả, góp phần tạo nguồn thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm.
Tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh 20 năm qua đạt khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 32% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 126 nghìn lao động trong tỉnh (gấp gần 7 lần so năm 1997). Thu nhập xã hội từ du lịch năm 2016 ước đạt 6.763 tỷ đồng (tương đương 304 triệu USD), chiếm khoảng 8,5% trong tổng GRDP toàn tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thành quả thu hút đầu tư của Quảng Nam ngoài dựa vào tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Như việc giáp ranh với Đà Nẵng nên Quảng Nam hưởng lợi rất nhiều yếu tố ở thành phố này để thu hút nhà đầu tư, từ cơ sở hạ tầng, sân bay, cảng biển đến hệ thống đào tạo nhân lực, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…
Khoảng 100 dự án được kêu gọi đầu tư
Để phục vụ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2017, Ban chỉ đạo cùng các Tiểu ban lễ tân, hậu cần, nội dung của hội nghị đã và đang triển khai thực hiện theo tiến độ chi tiết công việc. Trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, bắt đầu đăng tải các thông tin quảng bá hình ảnh Quảng Nam. Cạnh đó, công tác cổ động trực quan trên các tuyến phố ở Quảng Nam, TP.Đà Nẵng đã được các đơn vị thực hiện. Ban chỉ đạo Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2017 cho biết, dự kiến có hơn 300 nhà đầu tư tham dự hội nghị lần này để tìm kiếm cơ hội. Trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan và một số đến từ Mỹ, châu Âu.
Sức hút kích cầu đầu tư vào Quảng Nam đến từ đâu? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cầu Cửa Đại hoàn thành đã mở ra cơ hội đầu tư về các khu đô thị du lịch, vui chơi giải trí ở ven biển vào đến tận Chu Lai. Lĩnh vực công nghiệp cơ khí, ô tô đã hình thành trung tâm lắp ráp ô tô lớn nhất cả nước tại Trường Hải; đơn vị này đang tiếp tục đầu tư thêm nhiều dự án chiến lược khác. Đi theo đó rất là nhiều ngành công nghiệp phụ trợ để xây dựng Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp ô tô và cơ khí đa dụng quy mô lớn. Ngành dệt may, da giày cũng đang thu hút nhiều doanh nghiệp và đầu tư hoàn chỉnh, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may. Trong khi đó tại vùng núi, trung du, nhờ tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng nên lợi thế ở việc triển khai trồng và phát triển các loại cây dược liệu, tiến tới ngành công nghiệp chế biến dược liệu chiết xuất từ thiên nhiên; trồng rừng gỗ lớn tiến đến ngành công nghiệp chế biến gỗ từ nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này ngoài kêu gọi nhà đầu tư vào Quảng Nam, còn khẳng định vị thế của tỉnh trên bản đồ đầu tư của cả nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, hiện cơ sở hạ tầng của tỉnh đã được đầu tư khá đồng bộ, khá hoàn chỉnh từ giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, hàng không; ngoài ra còn đẩy mạnh kết nối các trục giao thông lên vùng tây, sang Lào, Thái Lan. Chính sự hoàn chỉnh về mặt giao thông khiến việc thông thương thuận lợi, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra nhanh hơn nên Quảng Nam tự tin trong thu hút nhà đầu tư. “Tại hội nghị xúc tiến đầu tư sắp tới, Quảng Nam cũng sẽ giới thiệu 6 nhóm dự án trọng điểm ở khu vực phía đông và 5 nhóm ở phía tây của tỉnh. Danh mục đầu tư có khoảng 100 dự án được đưa ra tại hội nghị để kêu gọi trên nhiều lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
VĂN HÀO