Cải thiện PCI: không phải muốn là được

TRỊNH DŨNG 22/03/2017 09:08

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Quảng Nam dù tăng điểm nhưng lại tụt 2 bậc (từ hạng 8 xuống hạng 10). Tại sao quyết tâm cải thiện của chính quyền Quảng Nam khi đưa ra kế hoạch, nâng chất từng chỉ số cụ thể vẫn không thể tăng hạng? Rất cần những cuộc phân tích, mổ xẻ đến tận cùng.

Tăng điểm nhưng tụt hạng

Đà Nẵng vẫn tiếp tục chiếm vị trí quán quân. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có sự thay đổi khá rõ ràng về thứ hạng và tổng điểm PCI. Quảng Nam tiếp tục đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất Việt Nam, đứng thứ 2 các tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung. Điều bất ngờ, tổng điểm các chỉ số thành phần PCI của Quảng Nam năm 2016 ghi nhận tăng từ 61,06 lên 61,17 điểm, nhưng thứ hạng lại tụt 2 bậc so với năm 2015. So với kế hoạch hành động của UBND tỉnh ban hành, phấn đấu từ năm 2016 luôn đứng trong nhóm có chỉ số tốt (đạt từ 60 điểm trở lên), luôn lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất nước thì kết quả này là một thành công. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thang điểm năm 2016 sẽ cần phải phân tích cụ thể để cho thấy cuộc cải thiện năng lực cạnh tranh đã thắng lợi hay chưa?

Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh đi vào hoạt động, hy vọng sẽ góp phần nâng cao chỉ số thành phần PCI của tỉnh năm 2017.Ảnh: T.D
Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh đi vào hoạt động, hy vọng sẽ góp phần nâng cao chỉ số thành phần PCI của tỉnh năm 2017.Ảnh: T.D

Thống kê bảng điểm các chỉ số thành phần của Quảng Nam cho thấy có 4 chỉ số tăng điểm. Đó là: cạnh tranh bình đẳng, vốn bị các doanh nghiệp (DN) than phiền nhiều năm đã “xuất sắc” vượt qua điểm số 4,17 để tăng đến 5,69; gia nhập thị trường luôn được đánh giá tốt đã tăng điểm từ 8,52 lên 8,75; tính minh bạch tăng từ 6,11 lên 6,56 điểm; tính năng động cũng đã được DN cho điểm tăng từ 5,13 lên 5,55. Không ít ngạc nhiên khi chính quyền, cơ quan quản lý đã liên tục nỗ lực để giảm bớt phiền hà cho DN, tăng cường hỗ trợ bằng nhiều hình thức, mở rộng đường cho DN tiếp cận lao động và giảm chi phí thời gian, nhưng các chỉ số loại này đều bị thấp điểm. Chỉ số tiếp cận đất đai đã bị giảm từ 6,52 xuống 6.04; chi phí thời gian từ 7,55 xuống còn 7,17; chi phí không chính thức đã giảm gần 1 điểm, từ 6,45 xuống còn 5,51; hỗ trợ DN cũng không khá hơn khi chỉ được đánh giá 5,7 điểm so với 5,77 điểm năm 2015; đào tạo lao động giảm từ 5,76 xuống còn 5,68; thiết chế pháp lý từ 6,8 xuống thang điểm 6,33.

Con số hơn 13.750 tỷ đồng thu nội địa năm 2016 được cho là tấm gương phản chiếu rõ nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh Quảng Nam. Nhưng nhìn vào bảng điểm số thành phần này có thể hiểu rằng những cải cách, cải thiện năm qua vẫn chưa thực sự tạo ra đột phá để nhận về sự hài lòng của DN. Đất đai và chi phí không chính thức luôn là gánh nặng của DN, là những “nút thắt” khó gỡ của Quảng Nam trong một thời gian dài vẫn không có dấu hiệu thay đổi. Nhất là chỉ số chi phí không chính thức, trong đó quan trọng là giám sát chặt chẽ việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp thụ lý, giải quyết hồ sơ cho DN, kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm, hạn chế đến mức có thể trường hợp DN liên hệ trực tiếp với cán bộ, công chức để giải quyết hồ sơ vẫn chưa thấy có dấu hiệu chuyển động!

Chờ cuộc cải cách đi vào thực tiễn

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã từng đặt ra câu hỏi trong nhiều hội nghị phân tích chỉ số PCI thường niên rằng, tại sao những mục tiêu, giải pháp mục tiêu, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh đưa ra không thực hiện được? Năm nào cũng bàn biện pháp cải thiện nhưng càng ngày năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính lại tụt hạng thấp? Lý do được đưa ra là chưa có những giải pháp cụ thể tạo ra sức ép phải thực hiện với cán bộ, công chức thừa hành; những tiến bộ, cải cách từ lãnh đạo cấp cao đã bị đội ngũ này vô hiệu hóa. Nỗi lo lắng của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khi năm 2015, lần đầu tiên Quảng Nam lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất nước rằng, nâng điểm số đã khó, duy trì lại càng khó hơn, khi 63 tỉnh, thành phố đều nỗ lực để thăng hạng và gia tăng điểm số, giờ đã thành hiện thực.

Phải xác nhận một điều rằng, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát đi thông điệp mạnh mẽ về một “Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ, phục vụ người dân và DN, không để chính sách sáng nắng, chiều mưa” hồi cuối tháng 4.2016, Quảng Nam đã đưa ra kế hoạch cụ thể bằng việc chuyển đổi tư duy “quản lý” sang “phục vụ” DN và chọn năm 2016 làm năm cải cách hành chính. Quảng Nam đã rà soát quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp thị trường và quyền kinh doanh của DN; kịp thời phát hiện loại bỏ, chỉnh sửa các thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà, bổ sung các thủ tục hành chính cần thiết. Những cuộc “tiếp DN định kỳ”,“cà phê doanh nhân”, vận hành Cổng thông tin Hỗ trợ DN, “một cửa liên thông”… và khá nhiều chương trình hỗ trợ DN đã được mở, kết nối giao thương, gắn kết thị trường, làm cầu nối cung cấp thông tin về nhu cầu mua bán, cơ hội giao thương cho DN.

Song thực tế PCI cho thấy sự vận hành các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn nằm trong giai đoạn thử nghiệm. Không ai cho biết những kiến nghị của DN thông qua các sáng kiến cải thiện ấy đã được giải quyết dứt điểm đến đâu. Những kiến nghị của DN không được giải quyết dứt điểm thì tất cả sáng kiến cải thiện cũng sẽ chỉ mang tính hình thức, lấy điểm nhất thời và sẽ chẳng mang lại kết quả cải thiện bao nhiêu. Và thực tế, một trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư hay các cải cách của một chính quyền “phục vụ” chỉ mới bắt đầu, phải đợi đến kết quả khảo sát PCI năm 2017 và kết quả thu hút đầu tư có mạnh hay không trên thực tế mới có thể khẳng định những sáng kiến, cam kết của Quảng Nam đã lan tỏa, bắt rễ trong hiện thực hay không.

Có lẽ đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế VCCI tại cuộc phân tích chỉ số PCI năm 2015 vẫn còn nguyên giá trị khi cho biết những nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng thứ hạng PCI của Quảng Nam đến nay vẫn đúng đắn. Tuy nhiên, xét đến cốt lõi của công cuộc cải thiện này, những chính sách được xem là thành công nhất của Quảng Nam lại là những quyết định giảm bớt thủ tục, quy định hành chính, gây phiền hà, rắc rối cho DN. Không phải là những chính sách trực tiếp thúc đẩy DN phát triển.

Cái đích của PCI không phải là thứ bậc mà là những dư địa cải cách được chỉ ra để thay đổi. Câu trả lời cần được ưu tiên giải đáp không chỉ từ những lãnh đạo cao nhất của Quảng Nam mà còn phải lan tỏa và lay động đến từng cơ quan thừa hành tiếp xúc hàng ngày với các nhà đầu tư, DN.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG