Sức lan tỏa của hàng Việt
Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng đem lại những kết quả tích cực trên địa bàn Quảng Nam.
Rộng khắp
Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ thu hút khách vào thời điểm cuối tuần. Chị Nguyễn Thị Phương Lan (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) là khách hàng quen thuộc ở siêu thị này. Chị đang chăm chú lựa chọn các loại sữa dành cho con nhỏ. Chị bảo, ưu tiên hàng đầu là chất lượng sữa vì con khỏe mạnh, thông minh quan trọng hơn là giá cả đắt hay rẻ. “Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu sữa dành cho trẻ em như Vinamilk, Dutch Lady, NutiFoods. Mặt hàng sữa rất chênh lệch giá cả, hàng ngoại đắt đỏ hơn sữa trong nước rất nhiều. Nghiên cữu kỹ, tôi chọn mua sữa Vinamilk vì yên tâm về chất lượng” - chị Lan nói.
Người tiêu dùng Quảng Nam ngày càng chuộng hàng Việt. Ảnh: N.Q.V |
Theo quan sát của chúng tôi, sản phẩm sữa bột của Vinamilk có giá cả dao động 200.000 - 330.000 đồng/hộp. Trong khi đó, Dutch Lady lại có mức giá rất cao, 200.000 - 500.000 đồng/hộp. Chị Phan Thu Trang (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) cũng đang mua sữa tại Co.opMart Tam Kỳ để về cho con nhỏ uống. Chị cho rằng, các sản phẩm sữa nội địa có chất lượng ổn định, giá cả phải chăng nên rất được nhiều gia đình ưa chuộng. Chị chọn mua sữa Vinamilk và luôn tin rằng thương hiệu này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường sữa Việt Nam.
Hiện tại, các sản phẩm rau sạch, nước mắm, rượu được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh đã len lỏi, có mặt tại các thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm luôn được ngành công thương và các doanh nghiệp chú trọng. Trong số 8 doanh nghiệp thường xuyên tham gia hội nghị kết nối cung cầu - Đà Nẵng được tổ chức hằng năm thì có 6 doanh nghiệp Quảng Nam khẳng định thương hiệu, sự đón nhận nhiệt tình của khách hàng, gồm Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Mỹ Hưng, Làng nghề sản xuất và chế biến nước mắm Cửa Khe, Hợp tác xã nông lâm nghiệp Ma Cooih, Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Anh, Tổ hợp tác sản xuất chè dây Ra Zéh, Cơ sở sản xuất rượu ba kích Chính Châu. Sở Công Thương cho biết, cơ quan chức năng luôn vận động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức bán hàng lưu động về các vùng nông thôn, miền núi. Co.opMart Tam Kỳ, BigC Đà Nẵng đã triển khai nhiều chuyến bán hàng lưu động với chủ đề “Đưa hàng Việt về nông thôn” nhằm tạo điều kiện để đồng bào vùng sâu, vùng xa, ngoại thành và nông thôn có điều kiện tiếp cận hàng hóa Việt Nam có uy tín, đạt chất lượng tốt. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho rằng, các chuyến đi bán hàng ở vùng sâu, vùng xa rất ý nghĩa vì người dân đón đợi, mua sắm rất nhiệt tình. Hiện tại, có hơn 90% sản phẩm kinh doanh tại các siêu thị trên địa bàn là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Chú trọng chất lượng
Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để lưu thông hàng hóa kém chất lượng Tại buổi làm việc của UBND tỉnh với các thành viên Ban Chỉ đạo 389 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đã yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động. Để cuộc vận động đi vào chiều sâu, lan tỏa giá trị, Ban Chỉ đạo 389 cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách hỗ trợ nhằm đưa hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông. |
Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, trong năm 2016, Sở Công Thương triển khai thí điểm mô hình bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện miền núi Nam Trà My. Mô hình đã hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức dịch vụ giao nhận, tổ chức kênh phân phối hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng trong tỉnh, nhất là các vùng nông thôn, miền núi. Ý nghĩa của mô hình là giúp doanh nghiệp sản xuất có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với thị trường và cung cấp những mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng Quảng Nam. Công tác tuyên truyền, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa sức hút hàng Việt trong các cộng đồng dân cư của tỉnh. “Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và các kỳ tổ chức hội chợ, phiên chợ, chúng tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng khá lớn. Người dân Quảng Nam ngày càng chuộng hàng Việt, ưu tiên sử dụng hàng Việt” - ông Lâm nói.
Hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng hơn. Việc cạnh tranh hàng hóa trên thị trường trong nước ngày càng khốc liệt do hàng hóa nhập khẩu vào nước ta theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác nước ngoài ngày càng nhiều hơn. Theo ông Lê Thành Lưu - Phó Giám đốc Sở Công Thương, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, chế biến hàng hóa cần chủ động tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường. Các nhà sản xuất, công ty, doanh nghiệp cũng cần thiết lập những kênh phân phối sản phẩm thuận tiện hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn để đưa hàng Việt ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng. “Ngành công thương rất mong muốn sự hợp tác lớn của các cơ quan, ban ngành, tổ chức trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt. Chúng tôi kêu gọi các tầng lớp nhân dân phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu” - ông Lưu nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT