20 năm điện lực Quảng Nam: Đi trước một bước...

ĐẶNG HÙNG 17/03/2017 09:05

Hai mươi năm qua, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thử thách, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cung cấp điện năng rộng khắp đến các địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đầu tư, cải tạo hệ thống điện

Ngay từ khi tái lập tỉnh, Quảng Nam đã có chủ trương thu hút đầu tư thúc đẩy công nghiệp. Tuy nhiên, xuất phát điểm từ một tỉnh nghèo, với nền nông nghiệp thuần túy, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém… là lực cản rất lớn để tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Về hạ tầng điện, lúc bấy giờ toàn tỉnh có đến 6 huyện miền núi chưa có điện. Nhiều huyện, nguồn điện chỉ đến được tới trung tâm hành chính; trong khi đó còn đến 101 xã với gần một nửa số dân “trắng điện”. Lưới điện trung áp do ngành điện quản lý chưa đến 1.000km và chỉ có duy nhất 1 trạm biến áp (TBA) 110kV; 8 TBA 35kV; 600 TBA phụ tải. Sản lượng điện thương phẩm 92 triệu kWh, điện dùng sản xuất công nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 12%. Chính vì vậy, nhiệm vụ cung ứng điện cho nông thôn và đô thị, đã tạo áp lực đối với PC Quảng Nam, kể cả đầu tư lưới điện và quản lý, vận hành và cung ứng điện.

Với cơ chế cấp điện đến chân hàng rào cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, PC Quảng Nam góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Với cơ chế cấp điện đến chân hàng rào cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, PC Quảng Nam góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong 20 năm qua, PC Quảng Nam đã làm tốt “cầu nối” giữa lãnh đạo địa phương và Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc tham mưu và triển khai một số chủ trương, các dự án lớn giữa địa phương và ngành điện, nhất là việc đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện, cung ứng điện kịp thời trong phát triển kinh tế xã hội. Cùng với việc bàn giao và tiếp nhận quản lý lưới điện nông thôn, EVN CPC đã đầu tư cho PC Quảng Nam hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vay của các dự án điện như WB, RE1, ADB, KFW, DEP, ADB mở rộng..., xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo lại hệ thống lưới điện ở các vùng nông thôn, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng cho các dự án kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Với phương châm “điện đi trước một bước” để tạo đà tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh, PC Quảng Nam đã đặc biệt chú trọng công tác đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện, góp phần không nhỏ trong việc thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu tăng công suất, mở rộng sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. PC Quảng Nam đã thực hiện cơ chế đầu tư “cấp điện đến chân hàng rào” các nhà đầu tư, thay vì trước đây, chỉ đầu tư đến chân hàng rào khu, cụm công nghiệp. Đổi mới việc cấp điện bằng các cam kết thỏa thuận rút ngắn 1/2 thời gian đầu tư so với quy định của ngành điện. Trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ, PC Quảng Nam đã được đầu tư hơn 300 tỷ đồng để cải tạo lưới điện cho TP.Tam Kỳ (dự án ADB) và Hội An (dự án JBIC). Hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn cùng nhiều khu du lịch ven biển cũng như các lễ hội được tổ chức trên địa bàn tỉnh đã được cấp điện đầy đủ, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng và phát triển của ngành du lịch - dịch vụ. Với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, PC Quảng Nam đã đóng góp không nhỏ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Đến nay, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong tổng sản phẩm giảm từ 48% xuống còn khoảng 11,9%, công nghiệp xây dựng và dịch vụ tăng từ 52% lên 88,1%.

PC Quảng Nam đang quản lý mạng lưới điện hoàn chỉnh, đồng bộ, rộng khắp, đủ cung ứng điện cho sự phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Đ.H
PC Quảng Nam đang quản lý mạng lưới điện hoàn chỉnh, đồng bộ, rộng khắp, đủ cung ứng điện cho sự phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Đ.H

Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng lưới điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, PC Quảng Nam cũng đã tập trung xây dựng hoàn thành các công trình điện, làm thay đổi diện mạo nông thôn trên toàn tỉnh. Các dự án đưa điện về Trà My - Tắc Pỏ, Tơ Viêng, Ch’Ơm, cửa khẩu Đắc Ốc bán điện quan Lào, đưa điện vượt biển ra đảo Cù Lao Chàm... đã góp phần đưa điện lưới quốc gia tỏa rộng khắp đến các địa bàn, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo. Điện về không chỉ cung ứng cho sinh hoạt của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có 185/204 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, trong đó có 62 xã được công nhận xã nông thôn mới.

Quản lý đồng bộ, hiện đại

Tính đến nay, PC Quảng Nam đang quản lý hơn 3.420km đường dây trung thế, 3.874km đường dây hạ áp, 2.900 TBA với tổng dung lượng 705MVA, cấp điện cho hơn 376 nghìn khách hàng sử dụng điện; 100% huyện, thị xã, thành phố có điện; trực tiếp cung ứng điện cho 242/244 xã, phường, thị trấn với 98% số hộ sử dụng điện. Sản lượng điện tiêu thụ tăng nhanh mỗi năm; chỉ tính riêng sản lượng điện cung ứng  năm 2016 tăng gấp 16 lần so với năm đầu tái lập tỉnh (năm 1997).

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, trong những năm gần đây, PC Quảng Nam đã ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thông tin, viễn thông và tăng cường hệ thống giám sát, điều khiển tự động cho hệ thống lưới điện, hệ thống đo đếm từ xa; nâng độ tin cậy của lưới điện, khả năng dự báo nhu cầu phụ tải và lập kế hoạch cung cấp điện; khách hàng chủ động quản lý thông tin chi tiết về sử dụng điện. Đối với việc hiện đại hóa hệ thống đo đếm, PC Quảng Nam đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử 1 pha, 3 pha đo xa và quản lý, khai thác hệ thống đo xa cho khách hàng sử dụng điện để từng bước chuẩn bị cho việc triển khai lưới điện thông minh.

Tính đến nay, PC Quảng Nam đã lắp đặt, đưa vào sử dụng hơn 87 nghìn công tơ điện tử 1 pha và hơn 7 nghìn công tơ 3 pha có tích hợp công nghệ đo xa RF-Spider, đạt tỷ lệ hơn 27,32% tổng số công tơ trên lưới. Nhờ đó, PC Quảng Nam đã từng bước xây dựng được một hệ thống thu thập các thông số từ xa, có khả năng tự động hóa hầu hết thao tác từ ghi chỉ số, phân tích và truyền số liệu theo nhu cầu quản lý. Đây là biện pháp để ngành điện thực hiện giám sát, phát hiện các hành vi tác động vào hệ thống đo đếm điện năng, góp phần giảm tổn thất điện trong kinh doanh; đồng thời hỗ trợ khách hàng kiểm soát lượng điện năng tiêu thụ, nâng cao độ an toàn trong sử dụng các thiết bị điện. Theo kế hoạch đến năm 2020, PC Quảng Nam sẽ phấn đấu lắp đặt đạt 80% công tơ điện tử cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh.

Tự động hóa lưới điện phân phối nhằm vận hành tối ưu hệ thống và tăng độ tin cậy theo lộ trình phát triển hệ thống lưới điện thông minh, PC Quảng Nam đang xúc tiến xây dựng trung tâm điều khiển đặt tại Phòng Điều độ, có chức năng vừa giám sát, thu thập dữ liệu, điều khiển lưới điện phân phối 110kV và từng bước hoàn thiện kết nối SCADA đến các các trạm 220kV Tam Kỳ, Thạnh Mỹ và các trạm 110kV Núi Thành, Thăng Bình, Hội An, Điện Nam - Điện Ngọc. Đối với các phụ tải thuộc khu, cụm công nghiệp, trên cơ sở tốc độ tăng trưởng phụ tải sẽ từng bước tách ra khỏi lưới điện dân sinh nhằm đảm bảo cho các khách hàng sản xuất công nghiệp nhận được chất lượng điện tốt hơn. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư cấp điện cho các khu công nghiệp, khu chế xuất; các phụ tải lớn như Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải, Khu du lịch Nam Hội An...  “Với truyền thống vượt khó vươn lên của ngành, PC Quảng Nam tin tưởng rằng những người thợ điện xứ Quảng hôm nay sẽ viết tiếp trang sử vẻ vang của đơn vị và cùng chung tay góp sức xây dựng công ty  không ngừng lớn mạnh; đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nối tiếp hành trình “Thắp sáng niềm tin” đến với các nhà đầu tư, đến mọi người dân xứ Quảng” - ông Tuấn khẳng định.

ĐẶNG HÙNG

ĐẶNG HÙNG