Đông Khương đợi người làm nghề
Quyết đầu tư lớn để phát triển làng nghề, một Cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp - thủ công mỹ nghệ Đông Khương (Điện Phương, thị xã Điện Bàn) ra đời để hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, thúc đẩy kinh tế của địa phương. Nhưng đã một thời gian khá dài, Đông Khương vẫn là “dấu lặng” với người làm nghề và nhà đầu tư...
Chưa thu hút
Có quyết định thành lập từ năm 2009, Cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp - thủ công mỹ nghệ Đông Khương (sau đây gọi tắt Cụm làng nghề Đông Khương) có tổng diện tích theo quy hoạch 7,3ha. Đến tháng 9.2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Cụm làng nghề Đông Khương gắn với phát triển du lịch, tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng. Trong đó diện tích đất sản xuất theo quy hoạch hơn 3,5ha; đất tiểu thủ công nghiệp chiếm hơn 3,3ha với 11 khu sản xuất dành cho các ngành nghề thủ công truyền thống. Với những kỳ vọng được đưa ra như một mô hình sản xuất của các làng nghề truyền thống và cơ sở thủ công mỹ nghệ thu nhỏ tại Đông Khương dựa trên một số lợi thế sẵn có, hướng đến tạo nên điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách, kết hợp với một số điểm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch làng nghề truyền thống, tham quan thắng cảnh.
Quy hoạch chi tiết Cụm làng nghề Đông Khương. |
Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy hình thành và phát triển các loại hình thương mại dịch vụ khác, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân Đông Khương và một số vùng lân cận; từng bước xây dựng vệt đô thị theo quy hoạch chung của Điện Bàn. Những hạng mục về cơ sở hạ tầng bắt đầu được đầu tư từ năm 2013. Trong đó, hệ thống giao thông cụm làng nghề đã đầu tư hoàn thiện về cơ bản, tuyến giao thông đối ngoại đang được xây dựng...
Tuy nhiên, hiện tại Cụm làng nghề Đông Khương chỉ mới có 2 hộ vào sản xuất, cũng là những hộ dân trước đó sinh sống và làm nghề tại khu đất này, là Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp và Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ. Ông Trần Hồng Quang - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, trong 3,3ha đất dành cho tiểu thủ công nghiệp mới chỉ sử dụng 0,6ha. “Mặc dù đã đưa ra nhiều ưu đãi về giá mặt bằng, thời hạn thuê hay hỗ trợ thuế, nhưng đến thời điểm hiện tại, ngoài công ty của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp và khu sản xuất gốm của nghệ nhân Lê Đức Hạ, vẫn chưa nhận được tín hiệu mới nào từ các hộ làm nghề khác” - ông Quang nói.
Cơ sở sản xuất Đất nung Lê Đức Hạ tại Cụm làng nghề Đông Khương. Ảnh: K.THOA |
Nhiều lực cản
Mặc dù đã chi hơn 5 tỷ đồng trong giai đoạn 2013-2016 cho các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp làng nghề, nhưng người làm nghề truyền thống vẫn không mặn mà câu chuyện sẽ “di dời” vào cụm làng nghề này. Những hộ làm nghề lâu đời lý giải, bởi họ đã hoạt động tại gia đình lâu năm, còn nhỏ lẻ, không mặn mà với việc di dời cơ sở sản xuất vào cụm làng nghề. Thêm nữa, với những ngành nghề thủ công, do tận dụng lao động nhàn rỗi tại địa phương nên khi di dời sẽ gặp khó trong việc thuê nguồn lao động. Chưa kể việc di chuyển từ cơ sở hiện tại để vào cụm làng nghề, dù đã có các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền thuê đất có thời hạn, nhưng chi phí san lấp mặt bằng, đầu tư cơ sở quá cao so với tài chính của người làm nghề...
Ông Nguyễn Văn Tiếp, ở vai trò của một chủ doanh nghiệp làm nghề thủ công truyền thống, cho biết để có được một cơ sở sản xuất “nên hình nên dạng” như hôm nay, chỉ tính riêng cơ sở hạ tầng, ông phải bỏ ra xấp xỉ 1,3 tỷ đồng và tự lo các khâu. “Tôi nhận đất từ tháng 7.2014, lúc đó vừa xây dựng cơ sở vừa sản xuất. Giá bồi thường thời điểm đó vẫn còn “mềm”, chỉ 3.900 đồng/m2 và được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí. Tuy nhiên, để có 3.200m2 đất xây dựng cơ sở, tôi phải ứng trước hơn 130 triệu đồng cho chi phí giải phóng mặt bằng, sau này trừ dần vào tiền thuê đất. Nếu bây giờ các hộ làm nghề vào sản xuất thì phải chịu áp giá bồi thường cao hơn. Đó cũng là lý do càng về sau người làm nghề càng khó khăn khi quyết định vào đây” - ông Tiếp nói. Ở vai trò Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, theo ông Tiếp, phần lớn hộ làm nghề lâu đời dù đã có xưởng với gần 10 lao động nhưng vẫn e ngại chuyện thành lập doanh nghiệp. Trong khi quy định hiện hành, các chế độ hỗ trợ phát triển chỉ ưu tiên cho những cơ sở sản xuất quy mô lớn, hoặc doanh nghiệp. “Nhưng vì ngại các thủ tục rườm rà về giấy tờ cũng như thuế, nên họ từ chối việc thành lập doanh nghiệp. Mà nếu là hộ sản xuất cá thể thì họ sẽ không muốn vào cụm làng nghề” - ông Tiếp nói thêm.
Cần mặt bằng “sạch”, thủ tục gọn, và...
Với những hộ làm nghề đúc đồng lâu đời, dù biết quy trình sản xuất của nhôm đồng sẽ gây tác hại đến môi trường nên rất cần một khu sản xuất xa dân cư, nhưng họ vẫn không muốn vào cụm làng nghề. Một nghệ nhân làm nghề lâu năm tại làng đúc đồng Phước Kiều cho biết, ông đã đầu tư khá nhiều chi phí để phát triển sản xuất cho cơ sở hiện tại, nếu tiếp tục di dời Nhà nước phải có thêm các khoản hỗ trợ, đồng thời ông phải nhìn thấy tiềm năng về kinh doanh mới nghĩ đến chuyện vào cụm làng nghề. “Hiện nay, với mặt bằng kinh doanh nằm ngay trên quốc lộ, một xưởng sản xuất ở gần nhà, tôi thấy như vậy tiện lợi và dễ làm ăn hơn” - nghệ nhân này nói.
Trong khi người làm nghề thủ công mỹ nghệ hoặc các ngành nghề truyền thống tại Điện Bàn không mặn mà với câu chuyện sản xuất tập trung với các lý do về mặt bằng, chi phí, thì theo ông Tiếp, vẫn có một số nhà đầu tư ở những địa phương khác đang tính đến chuyện “đặt vấn đề” với thị xã Điện Bàn để tham gia. Nhưng trở ngại về khâu “làm sạch” mặt bằng ban đầu khiến họ còn chần chừ. Theo ông Tiếp, nếu cụm làng nghề đã có sẵn mặt bằng “sạch” và hộ kinh doanh hay làm nghề chỉ cần thêm một thủ tục là thuê đất, lúc đó sẽ thu hút nhà đầu tư về các mảng khác như du lịch hay kinh doanh ẩm thực tìm đến.
Đến thời điểm này, giải pháp được chính quyền thị xã Điện Bàn đưa ra là sẽ tiếp tục xây dựng Cụm làng nghề Đông Khương có đủ điều kiện để làm điểm du lịch cho khách tham quan. Đồng thời xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết hợp với xem các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật chế tác, hoặc du khách tự tay làm các sản phẩm nghề đơn giản. “Địa phương sẽ hỗ trợ hình thành những tour du lịch kết nối với du lịch làng nghề, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, xúc tiến thương mại và quảng bá giới thiệu sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp, người làm nghề truyền thống ở những nơi khác đầu tư vào Cụm làng nghề Đông Khương” - ông Trần Hồng Quang cho biết.
LÊ QUÂN