Tương lai nào cho các khu, cụm công nghiệp?
LTS: Quảng Nam - từ một tỉnh xếp hạng nghèo khi tái lập đã vươn lên đứng vào hàng ngũ những tỉnh tương đối phát triển toàn diện của khu vực miền Trung và cả nước. Ngân sách từ nhận trợ cấp hơn 70% năm 1997 đến nay đã tự cân đối và là một trong 15 tỉnh có điều tiết về trung ương. Trong hành trình đó, hẳn có hoa hồng và cũng không thiếu chông gai.
Tiến tới kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 42 năm ngày giải phóng Quảng Nam, từ số báo này, Báo Quảng Nam mở diễn đàn nhìn lại quá trình phát triển của Quảng Nam trong 20 năm qua: những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội và cả những hạn chế, bất cập trong đầu tư, phát triển, quy hoạch. Với những mảnh ghép này, chúng tôi hy vọng góp thêm một góc nhìn cho chặng đường tiếp theo.
Khu, cụm công nghiệp đã chứng minh cho việc tạo lực đẩy phát triển kinh tế, thu hút lao động, nhưng có cần thiết phải mở rộng, nâng cấp thêm nhiều cụm công nghiệp lên thành khu công nghiệp khi tỷ lệ lấp đầy không mấy khả quan? Đây là câu chuyện được nhiều người quan tâm.
Thừa… nhưng thiếu
Không chỉ chính quyền, cơ quan quản lý, nhà đầu tư mà ngay cả những người dân Quảng Nam cũng đã khẳng định rằng nếu chỉ tiếp tục với nền nông nghiệp truyền thống, không có sự xuất hiện của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) thì sẽ có cả trăm ngàn lao động không việc làm. Quảng Nam cũng không thể có được số thu ngân sách nội địa 13.745 tỷ đồng như năm 2016 và sẽ mãi phải nhận trợ cấp từ trung ương, không thể nào lọt vào nhóm tỉnh, thành điều tiết ngân sách về trung ương kể từ năm 2017. Tỷ lệ đóng góp hơn 45% giá trị công nghiệp Quảng Nam, tạo việc làm ổn định cho hơn 200.000 lao động, mỗi năm tăng thêm khoảng 15.000 người có việc làm từ các KCN, CCN thực sự là một con số ấn tượng.
Nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định tại các khu, cụm công nghiệp.Ảnh: T.DŨNG |
Tuy nhiên, có khá nhiều cuộc tranh biện đã từng diễn ra tại các phiên họp HĐND tỉnh hay cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh khi khó có thể xác định được thiếu hay thừa các KCN, CCN hiện tại bởi chính quyền và cơ quan quản lý đều khẳng định sự phát triển của các KCN, CCN phù hợp với quy hoạch tới năm 2020 của Quảng Nam. Song câu chuyện không hoàn toàn như vậy, nếu nhìn từ góc độ khác. Nhiều người đưa ra một tính toán: nếu so với con số hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách bỏ ra để quy hoạch, đầu tư, góp phần tạo dựng nên các KCN, CCN thì với diện tích đất sử dụng chỉ khoảng 1/3 diện tích quy hoạch, chỉ mới 6/9 KCN được đầu tư xây dựng với diện tích phát triển khoảng 2.321,56ha, 55/99 CCN được đầu tư phát triển với tổng diện tích đất hơn 600ha, thu hút chưa đến 500 dự án đầu tư, nhưng dự án thật sự hoạt động chưa quá 300 dự án và tỷ lệ lấp đầy của các KCN, CCN này cũng mới chỉ vượt khỏi mốc 50%... thì chưa thể nói là thực sự hiệu quả. Mục đích của KCN là đón các nhà đầu tư lớn (nội địa và nước ngoài), CCN đón doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng đến quản lý các cơ sở sản xuất làng nghề tập trung, tránh xa dân cư và ô nhiễm môi trường đã không thể thành hiện thực.
Những con số thống kê về tỷ lệ sử dụng đất ít ỏi có thể minh định quy hoạch các KCN, CCN hiện tại đã thừa, nhưng lại thiếu nền tảng căn bản để phát triển đúng hướng. Cái thiếu đầu tiên là không thể có một bản thống kê báo cáo số liệu cụ thể về năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau khi đầu tư vào KCN, CCN. Các số liệu thu hút đầu tư, giải ngân hay đóng góp vào chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế bao nhiêu ít được biết đến ngoài số lượng lao động. Chỉ cần một vòng quanh bất kỳ CCN nào cũng dễ dàng nhìn thấy số lượng dự án dệt may, da giày, chế biến gỗ, hải sản chiếm vị trí “thống soái” về số lượng dự án đầu tư vào các KCN, CCN, hoạt động rời rạc, không có sự liên kết “hưởng thụ” tài nguyên của nhau… nên hiệu suất đóng góp vào chất lượng nền kinh tế không cao. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết rất khó để quản lý các dự án đầu tư tại các KCN này. Cơ quan quản lý chỉ có chức năng theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, không hề có bất cứ chế tài nào với doanh nghiệp nên các số liệu thống kê, báo cáo chưa chính xác, kịp thời và đầy đủ. Ngoài Trường Hải, Soda, Kính nổi…, những dự án đầu tư vào khu vực này cũng chỉ là những dự án quy mô vừa, vốn đầu tư không cao. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng (thực tế nhiều địa phương đã quyết định không thu hút thêm dự án thâm dụng lao động kể cả KCN Tam Thăng) thì việc có đủ lao động cho các KCN, CCN trở nên không khả thi là cái thiếu thứ hai.
Chọn mô hình thí điểm đầu tư
KCN Điện Nam - Điện Ngọc là hình mẫu của KCN, KCN Tam Thăng phát triển nhanh chóng bởi xác định là một KCN ngành may và phụ trợ ngành may hay KCN cơ khí ô tô Trường Hải là những KCN chuyên đề. Chủ đầu tư các địa điểm này có thể “mặc cả” với nhà đầu tư để chọn những dự án phù hợp với thực tế đầu tư. Hầu hết KCN có đủ hạ tầng, có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư. CCN không được như vậy. Theo Sở KH&ĐT, tổng mức đầu tư hạ tầng cho các CCN đang triển khai hơn 700 tỷ đồng thì hoàn thiện ít nhất cần thêm tới 10.000 tỷ đồng. Ngân sách vẫn không đủ để đầu tư cho 31 CCN được UBND tỉnh ra quyết định thành lập. Hiện mức hỗ trợ ít ỏi, dàn đều mỗi năm thì chưa chắc đến năm 2020 đã có thể đầu tư hoàn chỉnh các CCN hiện tại.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng số CCN hiện có đã khá lớn. Tỷ lệ lấp đầy diện tích chỉ khoảng 1/3 quy hoạch, nhưng xu hướng lại ưu tiên phát triển thêm. Số tiền đầu tư này chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Chưa kể đến các KCN đã phát triển với những điều kiện ưu đãi, thuận lợi hơn cũng không thể lấp đầy. Vì vậy, tiếp tục phát triển mô hình KCN, CCN có thật sự cần thiết hay không? Hay là nên hướng đến việc sử dụng hiệu quả, tăng nhanh khả năng lấp đầy của các KCN, CCN. Khi số lượng và quỹ đất của các KCN, CCN hiện hữu còn nhiều, chưa khai thác hết thì nên tập trung vào khai thác chiều sâu để nâng cao chất lượng, tránh đầu tư tràn lan gây lãng phí tiền của và đất đai. Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, việc mở các CCN là điều không thể thiếu để đón các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải quyết lao động nông thôn. Quy hoạch để đón đầu. Nếu dừng ở con số này thì tương lai sẽ bí vì sẽ khó thỏa thuận với dân địa phương để giải phóng mặt bằng, dành đất cho những nhà đầu tư muốn đầu tư. Sẽ chọn lọc vài CCN thựa sự hiệu quả, có những dự án khả thi để bơm vốn khởi động hơn là rải đều cho tất cả CCN. Việc hình thành KCN, CCN đều sẽ phải dựa trên lợi thế so sánh từng vùng, liên kết vùng. Kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển KCN, CCN với quy hoạch đô thị và phát triển dân cư và tăng cường mối liên kết phát triển sản xuất giữa các khu vực này.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng không hề lãng phí và phá vỡ quy hoạch Quảng Nam khi mở các KCN. Diện tích quy hoạch hiện có của các KCN chưa đủ. Nếu nền kinh tế sôi động thì 9 KCN này sẽ được lấp đầy từ nay đến năm 2020. Sẽ đánh giá cụ thể mô hình KCN. Lựa chọn vài KCN có điều kiện thuận lợi nhất để “thí điểm” những chính sách đột phá. Quy hoạch CCN chỉ mang tính định hướng cho một tương lai xa. Yêu cầu cao nhất là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư, hướng đến sử dụng lao động tại chỗ để không xáo trộn lao động ra khỏi khu vực nông thôn. Có nhà đầu tư, vốn liếng, đủ điều kiện thì hình thành. Chưa đủ điều kiện thì để đó. Không phải đền bù, chuyển dân tới chỗ khác hay thu hồi đất đai sản xuất của họ. Không phải quy hoạch rồi treo… Ngân sách sẽ hỗ trợ đầu tư mỗi huyện từ 1 đến 2 CCN hoàn chỉnh. Tất cả sẽ được điều hành theo cơ chế thống nhất bằng việc hỗ trợ đầu tư cuốn chiếu. Hoàn thành CCN này sẽ đầu tư CCN khác.
TRỊNH DŨNG