Giá xăng dầu tăng: Người tiêu dùng gặp khó

NGUYỄN QUANG VIỆT 06/03/2017 09:29

Lần điều chỉnh từ ngày 18.2 đến nay, giá xăng RON 92 tăng 504 đồng/lít lên mức 18.098 đồng/lít; xăng E5 tăng 496 đồng/lít lên 17.818 đồng/lít; dầu diesel tăng 283 đồng/lít lên 14.305 đồng/lít.

Tiết kiệm chi tiêu

Những ngày qua, 6 chiếc tàu công suất lớn của ngư dân Huỳnh Minh Cảnh ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang (Núi Thành) vẫn ra khơi nhưng ông Cảnh đã “nhăn mày, nhíu trán” vì chi phí của những chuyến biển ngày một tăng thêm. “Chúng tôi phải tiết kiệm đủ đường. Nhiều khi phải tắt điện, tắt máy nổ trên tàu cá vào lúc không sản xuất khiến anh em lao động thấy rất bất tiện vì không quen với không gian tối mịt. Thậm chí nước sinh hoạt cũng dè sẻn sử dụng” - ông Cảnh nói. Theo tính toán của ông Cảnh, mỗi chuyến biển khai thác hải sản bằng nghề lưới vây ánh sáng ở ngư trường Hoàng Sa tốn không dưới 10 tấn dầu. Với mức tăng 283 đồng/lít, ngư dân phải chi phí thêm gần 18 triệu đồng cho một chuyến biển của đội tàu 6 chiếc.

Kinh doanh xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: N.Q.V
Kinh doanh xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: N.Q.V

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, qua các đợt điều chỉnh, giá dầu đã tăng thêm đến 4.000 đồng/lít. Như vậy, chi phí sản xuất đã tăng lên đến 240 triệu đồng/chuyến biển cho cả đội tàu. Mỗi năm, ít nhất đội tàu của ông Cảnh bám biển 12 chuyến nên tốn kém thêm tiền tỷ. “Ngoài chịu thiệt trực tiếp, chúng tôi còn chịu thiệt gián tiếp khi giá dầu tăng khiến cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, gas, đá cây cũng đồng loạt tăng giá. Tính tổng cộng hết thảy, ngư dân chúng tôi chịu thiệt rất lớn. Vậy mà trong vòng một năm qua, đầu ra hải sản cứ bị o ép, có thấy tăng giá bán ra đâu” - ông Cảnh buồn rầu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sức mua tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP.Tam Kỳ không giảm nhưng tại các khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa thì giảm rõ rệt. “Người ta cho rằng, giá xăng dầu tăng đã khiến cho giá thành các mặt hàng tăng theo nên gia đình tôi cũng ngại đi chợ mua hàng. Giá tăng một thì người ta lợi dụng để tăng thêm nhiều, chỉ có người tiêu dùng lãnh đủ mà thôi” - bà Thái Thị Mai ở thị trấn Tiên Kỳ cho biết. Ít mua hàng hóa, nhiều gia đình đã tiết kiệm chi tiêu, dè sẻn sử dụng điện, nước, các nhu cầu khác. Giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển hàng hóa, hành khách cũng tăng theo. Ông Nguyễn Tú, chủ một doanh nghiệp vận tải cho biết, giá xăng dầu dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Vì thế, sẽ giảm các chi phí quản lý, thậm chí cho tài xế kiêm nhiệm chức năng làm thủ quỹ, tiếp thị, đối ngoại với khách hàng. “Giá xăng dầu tăng mỗi lần chỉ vài trăm đồng, ít ai ngó nghĩ. Vậy nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng đã tăng liên tục, thêm đến 3.500 đồng/lít thì không thể gọi là nhỏ được. Rõ ràng phải thay đổi để thích nghi, thật sự chúng tôi không thu lợi nhiều trong kinh doanh” - ông Tú nói.

Chuyện bình thường

Trong tháng 2 vừa qua, giá xăng dầu trên thế giới dao động mạnh, tăng từ 557,3USD/tấn lên 563,27USD/tấn. Dự báo trong thời gian tới, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm giá bán ra. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, các ngành, các cấp cần phối hợp chặt chẽ, giảm thiểu áp lực tăng giá, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, điện...

Theo ông T. - chủ một đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.Tam Kỳ, giá xăng tăng cao do nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến các khoản thuế mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải đóng, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường. “Thuế càng tăng cao, Nhà nước càng có nguồn thu lớn hơn. Tuy nhiên, người dân khi tiêu dùng lại “cõng” quá nhiều thiệt thòi vì mặt hàng nào cũng liên quan đến vận chuyển bằng xăng dầu. Chúng tôi chỉ là đại lý kinh doanh thu lãi theo mặt bằng chung. Chúng tôi chỉ giảm giá bán xăng dầu khi ở cấp vĩ mô giảm giá trên thị trường. Vậy nhưng, cũng mong các khoản thuế được Nhà nước giảm xuống” - ông T. nói. Thời điểm này, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó dự kiến mức thuế tối đa với xăng là 8.000 đồng/lít. Một số doanh nghiệp cho rằng mức thuế như vậy là quá cao.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 160 đại lý, cơ sở kinh doanh xăng dầu, trong đó, Chi nhánh xăng dầu Quảng Nam (Petrolimex Quảng Nam) làm chủ 45 cửa hàng. Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Petrolimex Quảng Nam, giá xăng dầu tăng là do quyết định của Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu trung ương. Ở cấp tỉnh, doanh nghiệp điều hành giá xăng dầu theo vận động thị trường, tương đối độc lập theo quy định của Nhà nước, có thể thấp hơn giá sàn quy định vào một số thời điểm. Để ổn định kinh doanh, Petrolimex Quảng Nam đã không ngừng tăng mức chiết khấu cho các đại lý, đầu mối kinh doanh xăng dầu. “Việc này có 2 điều rất quan trọng. Một là mở rộng thị trường. Hai là, giúp các đại lý, cửa hàng, đầu mối hưởng lợi nhiều hơn và yên tâm kinh doanh, tránh các thủ đoạn trộn lẫn chất khác vào xăng dầu” - ông Hùng nói. Về các mức thuế phải đóng, trong đó có thuế bảo vệ môi trường đang được xem xét theo hướng tăng lên, ông Hùng cho rằng, ở cấp vĩ mô cần cân nhắc kỹ càng...

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thành Lưu - Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, tăng hay giảm giá xăng dầu là chuyện rất bình thường, năm nào cũng có đợt tăng giá bán và giảm giá bán cả. “Việc điều chỉnh giá xăng dầu luôn tuân theo quy luật của thị trường. Mỗi lần tăng giá đều không cao và việc này không ảnh hưởng lớn đến giá cả, tiêu dùng trên địa bàn” - ông Lưu nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT