Siết chặt quản lý phân bón
Thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh đang được các ngành chức năng phối hợp quản lý chặt chẽ, tạo sự cạnh tranh kinh doanh lành mạnh cũng như bảo vệ người tiêu dùng.
Tích cực
Ngành nông nghiệp đang vào vụ sản xuất đông xuân nên thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Tấp nập các nông hộ đến các điểm kinh doanh phân bón mua hàng về phục vụ canh tác trồng trọt. Bà Nguyễn Thị Thuận (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) đến đại lý kinh doanh phân bón Hân Hạnh (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) để mua các loại phân urê, kali, lân về “thúc” lúa, bắp và một ít hoa màu đang canh tác trên 5 sào đất. “Đại lý này niêm yết giá bán rõ ràng. Lúc cân bán cũng không chênh lệch nên tôi quen mua hàng ở đây. Tin tưởng nên hơi xa một chút cũng không sao chứ mua nơi khác lại không yên tâm” - bà Thuận nói. Các nông hộ khác nghe nói có nhiều loại phân bón giả, phân trộn hóa chất độc hại gây tác động xấu đến sinh trưởng của cây trồng nên người sản xuất e dè lựa chọn địa điểm mua phân bón.
Thị trường phân bón tương đối ổn định trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ảnh: N.Q.V |
Có mặt ở cơ sở kinh doanh này, chúng tôi nhận thấy các loại phân bón được bố trí ngăn nắp theo từng gian, rộng rãi, thoáng mát và đầy đủ ánh sáng. Ông Nguyễn Vũ Hân - chủ đại lý kinh doanh phân bón Hân Hạnh cho biết, tham gia buôn bán các loại phân bón từ những năm 1986 đến nay. Đại lý cấp 2 này chỉ phân phối các mặt hàng phân bón được các đại lý cấp 1 ở TP.Đà Nẵng và Quy Nhơn (Bình Định) kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Những thương hiệu phân bón nổi tiếng như Bình Điền, Văn Điển được đại lý này phân bổ hàng cho các đại lý cấp 3 ở các vùng ven trên địa bàn TP.Tam Kỳ như Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng kịp thời cung cấp cho nông hộ. “Kinh doanh mặt hàng này, chúng tôi chỉ mong được ổn định, nền nếp, bà con nông dân yên tâm sản xuất thuận lợi” - ông Hân nói.
Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam, cả tỉnh hiện có hơn 200 cơ sở kinh doanh phân bón. Với vai trò kiểm soát thị trường, ngành chức năng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón nhưng chưa thấy xảy ra trường hợp nào kinh doanh phân bón giả, phân bón “nhái”, phân bón “rởm”. “Qua nhiều đợt kiểm tra, chúng tôi có phát hiện kinh doanh phân bón không đúng quy định là quá hạn sử dụng. Có một ít cơ sở kinh doanh phân bón đã nhập hàng về rồi cứ thế chất chồng lên các hàng phân bón được bố trí trước. Khi bán, cứ bán từ ngoài vào trong nên xuất hiện tình trạng trên. Chúng tôi nhắc nhở chứ ít khi phải xử phạt” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.
Từ năm 2016 đến nay, Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật đã tiến hành 3 cuộc thanh tra, kiểm tra 147 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng... phát hiện 13 trường hợp vi phạm, xử phạt gần 61 triệu đồng. Đáng nói là không có trường hợp kinh doanh phân bón nào bị phát hiện và xử phạt. “Kinh doanh phân bón tương đối ổn định trên địa bàn tỉnh. Có nhiều đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT, ngành bảo vệ thực vật, các đơn vị quản lý thị trường mà không phát hiện, xử phạt cho thấy điều đó” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.
Quản lý chặt
Nhiều nội dung được nhiều đơn vị kiểm tra Mới đây, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã yêu cầu các Chi cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý thị trường trực thuộc phối hợp chặt chẽ với công an, các lực lượng thanh tra của Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, Sở TN&MT, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các cơ quan liên quan khác đẩy mạnh kiểm tra nhiều nội dung quan trọng về phân bón. Theo đó, có các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón; thực hiện các quy định đăng ký kinh doanh, giấy phép sản xuất, gia công phân bón; hồ sơ công bố hợp quy các loại phân bón; hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ phân bón. Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón nào vi phạm phải xử lý nghiêm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. |
Kinh doanh phân bón chưa có khúc mắc nào trên địa bàn tỉnh nhưng thị trường phân bón lại đang có sự tách khúc, chia đôi. Hiện tại, ngành nông nghiệp của tỉnh quản lý thị trường phân bón hữu cơ, còn ngành công thương quản lý phân bón vô cơ. Mỗi ngành quản lý một mảng đã khiến cho tình trạng chồng chéo xảy ra. Quá nhiều văn bản pháp quy quản lý của riêng mỗi ngành đã khiến cho bất cập nảy sinh. Việc kiểm soát chất lượng, định lượng, hàm lượng phân bón không xuể bởi nguồn lực giới hạn.“Chúng tôi được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, vì vậy không thể nới lỏng, thiếu kiểm soát để cho phân bón giả, phân nhập lậu, phân kém chất lượng lưu hành. Mặc dù đã thành lập Phòng thanh tra nhưng chúng tôi lại không được bố trí nhân lực. Có phòng mà không có người là rất bất cập”, ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Quảng Nam nói.
Ông Ngô Tấn cho rằng, thị trường phân bón tương đối ổn định trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên trong công tác quản lý lại phát sinh bất cập. Cụ thể, lực lượng thanh tra mỏng mà thị trường phân bón lại đa dạng chủng loại, quá nhiều mẫu mã, số lượng cơ sở kinh doanh nhiều nên khó kiểm soát. “Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cần sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn quốc gia cũng như tiêu chuẩn quản lý nhà nước về phân bón. Điều đó là cấp thiết, tạo thuận lợi cho kinh doanh phân bón bền vững, bảo vệ nông dân, phục vụ sản xuất nông nghiệp thuận lợi” - ông Ngô Tấn nói.
Theo Bộ Công thương, dự báo trong thời gian đến, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân nhập lậu có thể sẽ phức tạp, khó kiểm soát. Vì vậy, Bộ Công thương yêu cầu các lực lượng quản lý thị trường triển khai ngay các đợt cao điểm kiểm soát thị trường phân bón và xem đó là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Về điều này, ông Đoàn Ngọc Sơn cho biết, đơn vị đang siết chặt quản lý thị trường cũng như phối hợp với các cơ quan quản lý khác cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu của các tổ chức, cá nhân sản xuất, vận chuyển, kinh doanh phân bón để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử phạt răn đe cần thiết.
NGUYỄN QUANG VIỆT