Làng nghề Quảng Nam: Khó khăn về nguyên liệu

LÊ QUÂN 24/02/2017 09:14

Nguyên liệu luôn là thách thức hàng đầu đối với các làng nghề thủ công truyền thống. Giá nguyên vật liệu cao, chưa kể có lúc thiếu hụt… là một trong nhiều lý do làm “khó” các làng nghề Quảng Nam.

Trong khi đó, các vùng nguyên liệu làng nghề đã có sẵn tại nhiều địa phương như Duy Vinh, Tam Kỳ, Thanh Hà (Hội An)… vẫn chưa được chú trọng để mở rộng. Với các làng nghề thực phẩm, hầu như nguồn nguyên liệu đầu vào rất thất thường.

Không thể chủ động nguyên liệu

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), qua nhiều đợt khảo sát, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu đã diễn ra trên diện rộng trong những năm gần đây do nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm tăng cao, trong khi các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, khai thác tràn lan, công tác quản lý ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo. Ngoài những làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) vẫn gặp tình trạng khó khăn tương tự. Những chủng loại chính được coi như nguyên liệu hàng TCMN Việt Nam bao gồm tre, mây, gỗ, cói, lục bình, dừa nước hay thủy, hải sản các loại… Và thiếu hụt cũng là tình trạng chung đối với người làm nghề truyền thống trên cả nước.

Không thể chủ động về nguồn nguyên liệu thủy, hải sản, khiến những làng nghề chế biến nước mắm, thực phẩm gặp khá nhiều khó khăn. Ảnh: L.Q
Không thể chủ động về nguồn nguyên liệu thủy, hải sản, khiến những làng nghề chế biến nước mắm, thực phẩm gặp khá nhiều khó khăn. Ảnh: L.Q

Trước đây, hàng TCMN được sản xuất chủ yếu bằng nguồn nguyên liệu trong nước, bây giờ, theo thống kê từ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nguồn nguyên liệu đã phải nhập khẩu đến 50% để phục vụ sản xuất, chế biến. Ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cho biết, trong tất cả nguồn nguyên liệu làm nghề, thì nguyên liệu gỗ là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất. Nhìn trên bình diện cả nước, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu gỗ chiếm đến 80%. Các ngành chế biến gỗ xuất khẩu phải nhập khoảng gần 10 triệu mét khối gỗ tròn từ Campuchia, Lào, Malaysia…

Cũng theo khảo sát từ hiệp hội này, ngành mây, tre đan xuất khẩu hiện có đến hơn 42% các cơ sở đang hoạt động cầm chừng và có nguy cơ đóng cửa vì không chủ động được nguyên liệu. Nhiều dự báo cho rằng, trong 10 năm tới, hệ thống làng nghề TCMN Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thoái trào nếu không có chiến lược quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu hợp lý.

Trong khi đó, ở các làng nghề thực phẩm, chế biến thủy, hải sản các loại, câu chuyện nguyên liệu đầu vào vẫn chưa bao giờ ngừng khan hiếm. Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ cơ sở nước mắm Thanh Hải (Làng nghề nước mắm Cửa Khe, Bình Dương, Thăng Bình), cho biết, mới ở những tháng đầu năm nhưng người làm nghề nước mắm truyền thống lại phải đối mặt với câu chuyện giá thành cá cơm - nguyên liệu làm nghề tăng cao, chưa kể đến việc nguồn cá cơm khan hiếm, đe dọa năng suất sản phẩm. Trên địa bàn xã chỉ còn 6 phương tiện lưới vây trủ hoạt động nên thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ. Các cơ sở sản xuất phải đi mua nguyên liệu cá cơm từ nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh lẫn các tỉnh phía Nam, nhưng vẫn không thể chắc chắn được sẽ đủ để sản xuất liên tục. Cũng như vậy, tại làng gốm Thanh Hà, nguồn nguyên liệu đất sét ngày một ít dần, nhiều hộ sản xuất phải mua đất sét từ ngoài Bắc chuyển vào.

Hàng loạt khó khăn

Làng nghề truyền thống Quảng Nam vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, bên cạnh sự thiếu hụt về nguyên liệu sản xuất; nhất là phần lớn lao động tại các làng nghề đều lớn tuổi, già yếu, mất sức lao động, chưa thích ứng, năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường. Do thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên hầu hết lao động trẻ không gắn bó với nghề của làng, chuyển dịch sang các công việc khác dẫn đến việc cấy nghề, truyền nghề gặp nhiều khó khăn. Các chủ làng nghề tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn, mức cho vay thấp, thời gian trả nợ vay ngắn, thủ tục phức tạp rườm rà, ngân hàng không mặn mà với việc cho vay đối với đối tượng làng nghề. Chưa kể thị trường tiêu thụ khó khăn, sản phẩm của làng nghề truyền thống có giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng và marketing thua hẳn các sản phẩm tương tự của các doanh nghiệp lớn.

“Từ đó, người tiêu dùng vẫn chuộng các sản phẩm chế biến công nghiệp có giá rẻ hơn như nước mắm Nam Ngư, Chin Su...; sản phẩm làm bằng nhựa thay cho những sản phẩm làm bằng mây tre đan; các loại gốm trang trí nội thất đến từ Trung Quốc... Mặc dù các làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống, nhưng rất nhiều làng nghề hầu như không được quan tâm đầu tư, nhất là kinh phí hỗ trợ cho phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm... còn quá ít (chủ yếu từ nguồn kinh phí khuyến công). Kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường tại các làng nghề, đặc biệt các làng nghề gắn với hoạt động du lịch rất ít, thậm chí nhiều địa phương không có” - ông Nguyễn Phi Hồng, chuyên viên Chi cục PTNT tỉnh chia sẻ. Đã có rất nhiều cuộc thương thảo, hội họp giữa người làng nghề và các cơ quan chức năng, UBND tỉnh, nhưng xem ra, không thể trong một thời gian ngắn mà tháo gỡ được những khó khăn người làng nghề gặp phải.

Quay về với câu chuyện nguyên liệu, hiện tại, Sở NN&PTNT đã có kế hoạch trình UBND tỉnh triển khai xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét, đất trồng cói lác, tre, mây... và có kế hoạch đầu tư, phục tráng, dẫn nhập các giống cây nguyên liệu có năng suất cao, quy cách và chất lượng để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường chủ yếu là dòng nguyên liệu nông nghiệp như chiếu cói, đay, mây, tre… Quy hoạch vùng dừa nước Cẩm Thanh đang là điểm khởi đầu để “tháo nút thắt” cho làng nghề thủ công tranh, tre, dừa nước Cẩm Thanh. Cùng với đó, sẽ có chiến lược quy hoạch, cải tạo vùng nguyên liệu cho một số làng nghề như vùng nguyên liệu đất sét cho Làng nghề gốm Thanh Hà, vùng nguyên liệu cói lác cho các làng nghề dệt chiếu tại Duy Xuyên, Tam Kỳ… Tuy nhiên, vẫn cần rất nhiều các hành động liên quan để bước đầu duy trì sản xuất và mở rộng thị trường, giúp người làm nghề vững vàng trước nhiều sự cạnh tranh.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN