Trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản: Áp lực vẫn còn
Mặc dù UBND tỉnh đã rất quyết tâm trong việc giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong vài năm tới; tuy nhiên, trên thực tế áp lực trả nợ vẫn còn rất lớn khi con số nợ của 2 năm 2015 & 2016 chưa được thống kê đầy đủ.
Nỗ lực trả nợ
Nỗ lực của các cơ quan quản lý, chủ đầu tư (các ngành và địa phương) trong vòng 2 năm “thắt lưng buộc bụng” đã giảm số nợ đọng từ 2.964 tỷ đồng xuống còn khoảng 967 tỷ đồng. Ngoài khoản nợ 7 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách trung ương 31 tỷ đồng sẽ được thanh toán dứt điểm theo các văn bản thẩm định nguồn của các bộ, ngành trung ương, con số 930 tỷ đồng thuộc ngân sách địa phương phải trả, chiếm nhiều nhất thuộc khối ngành quản lý (619 tỷ đồng) và dự án nợ nhiều nhất là cầu Cửa Đại (495 tỷ đồng), sẽ chưa thể tất toán dứt điểm ngay trong năm 2017. Theo ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT, năm 2017 sẽ bố trí 302 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách tỉnh 32 tỷ đồng, nguồn cải cách tiền lương 270 tỷ đồng trả nợ dự án cầu Cửa Đại. Số còn lại 193 tỷ đồng sẽ tiếp tục thanh toán sau khi dự án được phê duyệt quyết toán. Số nợ của các dự án khác khoảng 124 tỷ đồng, sẽ được bố trí khoản trả nợ ½ ngay trong năm 2017 và sẽ phân bổ trả nợ dứt điểm khi các dự án được phê duyệt quyết toán ngay trong năm 2018.
Dự án cầu Cửa Đại có số nợ đọng xây dựng cơ bản nhiều nhất, chưa thể xử lý dứt điểm. Ảnh: T.DŨNG |
Theo tính toán của Sở KH&ĐT, khoản nợ của các địa phương quản lý phải bố trí trả nợ khoảng hơn 310 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng nợ ngân sách địa phương, được hoàn trả theo cách, thay vì không cấp, cơ quan quản lý sẽ chuyển thẳng vào tài khoản nợ để thu hồi. Các nguồn thu để lại cho địa phương sẽ được tính trên cơ sở bố trí thanh toán tối thiểu 50% cho năm thứ nhất, 30% cho năm thứ hai và sẽ tất toán dứt điểm nợ vào năm thứ ba. Với lộ trình này, đến hết năm 2018 sẽ xử lý xong nợ thuộc khối sở, ban, ngành quản lý và các địa phương sẽ hoàn tất việc xử lý số nợ đọng này vào năm 2019. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm lộ trình bố trí vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 31.12.2014 đúng kế hoạch.
Kế hoạch năm 2017 “ngắn gọn” trong nhiều chữ “không”. Đó là sẽ không quyết định chủ trương đầu tư dự án khi xét thấy không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không cân đối được nguồn vốn đầu tư. Không quyết định đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Không quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công. Kế hoạch năm 2017 là tập trung nguồn lực bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 31.12.2014, ưu tiên thanh toán dứt điểm đối với các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Không gia hạn tiến độ thi công đối với các dự án do ảnh hưởng của tiến độ giải phóng mặt bằng hoặc nhà thầu vi phạm các cam kết trong hợp đồng.
Và áp lực...
Những năm qua, thu ngân sách tăng trưởng cao; riêng số thu nội địa năm 2016 đã vượt dự toán gần 5.000 tỷ đồng; nhờ vậy số nợ đã trả 2 năm qua đã đạt đến 67%. Những thống kê này là chỉ dấu lạc quan để Quảng Nam đủ khả năng tất toán các khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản theo lộ trình phân bổ. Tuy nhiên, áp lực trả nợ vẫn lớn khi phải gánh thêm số nợ mới trong 2 năm (2015 & 2016), tuy chưa được thống kê đầy đủ. Trong một báo cáo gần đây của Sở KH&ĐT, cho dù theo quy định của Luật Đầu tư công, số nợ đọng sẽ phải được khống chế kể từ ngày 31.12.2014. Năm 2015 &2016 hay nhiều năm sau nữa không được phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản, song cơ quan này cho biết hiện vẫn còn một số “đặc thù”, đã khiến một số dự án phải thi công theo điểm dừng kỹ thuật, hoặc hoàn thành kế hoạch vượt mức vốn bố trí hàng năm, nên nợ đọng phát sinh là điều không thể tránh khỏi. Sở KH&ĐT cho biết hiện các chủ đầu tư báo cáo tình hình nợ phát sinh trong vòng 2 năm qua, sẽ tổng hợp, báo cáo HĐND và UBND tỉnh.
Từ những báo cáo trên cho thấy, Luật Đầu tư công vẫn chưa được thực hiện triệt để. Nếu như áp dụng nguyên tắc vốn đến đâu thi công đến đó theo quy định của luật thì nợ đọng đã không thể xuất hiện.Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần được nhìn nhận là phải dựa vào địa chỉ cụ thể để tất toán việc trả nợ, tránh theo sự đổ bể nợ dây chuyền đang có nguy cơ bùng phát. Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh từng than phiền nếu không kiểm soát được nguồn, dòng tiền trả nợ, không xác định rõ ràng số nợ của doanh nghiệp để thanh toán dứt điểm thì sẽ có nguy cơ nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản bởi không thể có nguồn vốn tái sản xuất, kinh doanh. Thực tế, nợ đọng xây dựng cơ bản đã đưa đến một hệ lụy dễ dàng nhìn thấy. Một cái vòng luẩn quẩn về nợ đọng: chính quyền địa phương - chủ đầu tư các dự án xây dựng cơ bản có vốn từ ngân sách nhà nước nợ tiền doanh nghiệp, đến lượt doanh nghiệp nợ lương người lao động, nợ tiền ngân hàng, nợ các doanh nghiệp cung cấp vật liệu… Theo nhiều doanh nghiệp, liệu có ai thử tính toán đầy đủ quy mô nợ dây chuyền giữa các doanh nghiệp. Và các cơ quan nhà nước cũng cần nghĩ tới việc chuyển các khoản nợ của chính quyền với doanh nghiệp sang hình thức Nhà nước nợ ngân hàng để cứu những doanh nghiệp khỏi rơi vào sự bất an trước các khoản nợ dây chuyền.
TRỊNH DŨNG