Đóng tàu cho ngư dân thuê, tại sao không?

TÙY PHONG 22/02/2017 08:47

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, năm 2016, đã có thêm 27 chủ tàu cá ký kết hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại, nâng số chủ tàu tiếp cận được vốn vay theo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ (Nghị định 89) lên 60/92 tàu được phê duyệt. Tổng vốn giải ngân đến cuối tháng 12.2016 khoảng 598 tỷ đồng, đạt 89,76% giá trị cam kết đầu tư. Số còn lại chưa biết bao giờ mới có thể giải ngân được khi chương trình tạm dừng vào ngày 31.12.2016 để tổng kết, đánh giá.

Theo Nghị định 89, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn cho vay. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi suất cho ngư dân đóng mới tàu và chủ tàu có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả gốc, lãi đúng hạn cho ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay đã khuyến cáo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay theo nghị định này. Hiện tại chỉ có 2/5 ngân hàng thương mại cho vay là quá ít, nhưng không thể buộc các ngân hàng này thực hiện. Rõ ràng, đây là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, chứ không phải của Nhà nước, vay phải hoàn trả nợ và gốc đầy đủ. Ngân hàng đưa ra lượng vốn lớn để đầu tư dự án nên thận trọng, cần phải có thời gian để thẩm định các yếu tố cần thiết và thực hiện các bước theo đúng quy trình của ngành trước khi ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho khách hàng.

Trong khi thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, tại sao không nghĩ đến một phương án khác, dễ thấy hiệu lực hơn. Chẳng hạn Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra đóng tàu cho ngư dân thuê (theo đúng tiêu chuẩn của ngư trường mỗi địa phương) và thu nợ, hoàn vốn từ dân sau mỗi chuyến biển… Thực tế cho thấy, ngư dân Việt Nam có thừa tinh thần bám biển, nhưng đa số rất nghèo, thiếu đội tàu lớn đánh bắt dài ngày trên biển. Vì vậy, việc phân bổ nguồn ngân sách cho các công trình đầu tư lớn nên dành vốn đầu tư đội tàu lớn cho ngư dân thuê, thậm chí mượn để ngư dân tham gia “trấn giữ” Biển Đông là điều cần thiết. Trong một phiên họp Quốc hội trước đây, đại biểu Trần Du Lịch đã mạnh dạn đề nghị Nhà nước nên tập trung đóng tàu cho ngư dân thuê. Đây là vấn đề cần làm. Không đợi ngư dân đóng. Có bàn tay Nhà nước hỗ trợ là bài toán tương kế tựu kế, đạt được nhiều mục tiêu. Cùng quan điểm ấy, ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, việc đóng tàu cho ngư dân thuê là chuyện đáng để bàn. Tại sao không nghĩ đến việc sử dụng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, của Ngân hàng Phát triển hay quỹ đầu tư để đóng vài con tàu thí điểm cho ngư dân thuê? Bởi các ngân hàng hay quỹ này cũng đã từng đầu tư tài chính vào các dự án để sinh lời? Nếu các tổ chức này không thể thực hiện vì sợ rủi ro hay gì đó thì cũng không nên trách các ngân hàng thương mại khi họ “cân nhắc” cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 89.

TÙY PHONG

TÙY PHONG