Phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Giang: Chọn hướng đi phù hợp

ALĂNG NGƯỚC 22/02/2017 08:46

Cùng với phát huy những lợi thế và tiềm năng sẵn có của vùng để phát triển kinh tế, huyện Đông Giang đang tiếp tục nỗ lực chọn hướng đi mới phù hợp, tạo động lực cũng như sự đột phá trong tiến trình phát triển kinh tế của địa phương.

Khẳng định đặc sản của vùng

Với hiệu quả bước đầu từ các sản phẩm kinh tế đặc trưng theo mô hình phát triển “cây bản địa”, những năm gần đây huyện Đông Giang đã mở rộng đầu tư, lập các đề án cụ thể nhằm nhân rộng trong nhân dân. Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ngoài tập trung đầu tư xây dựng theo các chương trình giảm nghèo của Chính phủ, địa phương còn mở hướng và khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, các mô hình trồng chuối tập trung, ớt ariêu, chè dây razéh,… từng bước giảm nghèo bền vững. Bởi đây được xem là lợi thế - đặc sản của vùng, có thể mở rộng phát triển tại các địa phương trên toàn huyện.

Do vậy, bên cạnh khuyến khích người dân chuyển đổi dần từ phương thức sản xuất truyền thống sang hướng xen canh gắn với “cây trồng, con vật nuôi”, huyện Đông Giang đã và đang khẳng định giá trị cây đặc sản của vùng, thông qua xây dựng nhiều đề án nâng cao chất lượng sản phẩm kinh tế mang tính đặc thù. “Những năm gần đây, nhận thấy được giá trị của các mô hình trồng ớt ariêu, chè dây razéh, lòn bon… chúng tôi đã triển khai dự án nâng cao chất lượng, bắt đầu thử nghiệm cụ thể tại một số địa phương. Sau một thời gian, các loại cây trồng này đã cho sản phẩm chất lượng cao hơn, từ đó nâng cao giá bán, góp phần giảm nghèo cho người dân địa phương” - ông Minh nói.

Người dân địa phương đến mua sắm tại siêu thị HT Mart Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Người dân địa phương đến mua sắm tại siêu thị HT Mart Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo số liệu báo cáo mới đây, năm 2016 doanh thu mang lại từ mô hình trồng cây ớt ariêu hơn 300 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, năm 2017 địa phương đang tiếp tục trồng mới thêm 2ha, nâng tổng số diện tích trồng ớt ariêu hiện nay hơn 4ha. Cũng năm 2016, huyện Đông Giang đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 43,49% theo chuẩn mới. “Bên cạnh tiếp tục  đẩy mạnh trồng và chăm sóc có hiệu quả các loại cây dược liệu dưới tán rừng và mô hình chăn nuôi gia súc tập trung, chúng tôi cũng đang tính đến việc mở rộng và hình thành thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế mới mang tính chủ lực ở các xã lân cận trên địa bàn huyện, giúp chuyển đổi dần phương thức sản xuất theo hướng phù hợp và đem lại hiệu quả cao, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Trong đó, chú trọng đến các loại cây bản địa như ớt ariêu, chuối mốc, lòn bon và chè dây razéh” - ông Minh cho biết thêm.

Đưa siêu thị lên núi

Khác với nhưng năm trước đây, cận Tết Nguyên đán 2017, bên cạnh tìm mua các mặt hàng nhu yếu phẩm tại địa phương của mình, nhiều người dân ở Đông Giang đã háo hức tìm đến siêu thị HT Mart Đông Giang ngay tại trung tâm thị trấn P’rao để mua sắm. Đây là siêu thị thứ 2 được hình thành tại địa phương miền núi của tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, phục vụ cuộc sống của đồng bào vùng cao. Kể từ khi có siêu thị, người dân ở các xã vùng cao Đông Giang đã có thêm không gian mua sắm mới, đầy đủ và đa dạng hơn, giúp dễ dàng trong việc lựa chọn các mặt hàng phục vụ cuộc sống. Như dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, khi các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ không cung ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị HT Mart Đông Giang trở thành nơi cung cấp các mặt hàng tết phục vụ đồng bào miền núi. Dù chỉ vài tháng đi vào hoạt động, nhưng siêu thị mini này đã nhanh chóng được người dân địa phương quan tâm và thường xuyên lui tới. Chị Vy, người dân ở địa phương cho hay, không chỉ vì chất lượng hàng hóa, người dân tìm đến siêu thị ngày càng đông là bởi nơi đây vừa bày bán đầy đủ các mặt hàng từ nhu yếu phẩm cho đến may mặc, lại vừa tiện lợi, nhanh chóng trong cách thức mua sắm, thay đổi thói quen bán mua truyền thống và tiết kiệm được thời gian.

Ông Nguyễn Tiến Hưng - chủ siêu thị HT Mart Đông Giang chia sẻ, nhu cầu mua sắm của người dân địa phương đã thôi thúc ông và gia đình đầu tư vốn để đưa siêu thị lên núi. Hơn 10 năm ở vùng đất Đông Giang này, ông Hưng từng chứng kiến rất nhiều đợt mưa lũ kéo dài gây tắc đường khiến thiếu hụt hàng hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân địa phương. Vì thế, ông đầu tư phát triển theo mô hình kinh doanh hiện đại, nhằm xây dựng một không gian mua sắm uy tín, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cao cho đồng bào vùng cao. Siêu thị mini này được ông Hưng đầu tư hơn 2 tỷ đồng, trên cơ sở tái tạo và tận dụng khu tầng hai của chợ mới của địa phương, mở hướng kinh doanh mới trên vùng đất “cửa ngõ” Đông Giang. “Ngoài bình ổn về giá cả, chúng tôi còn xác định việc kinh doanh phải gắn với các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì thế, các sản phẩm được bày bán tại siêu thị cũng được chúng tôi liên kết nhập từ các nhà cung ứng có uy tín ở các TP.Tam Kỳ và Đà Nẵng, nhằm phục vụ tốt nhất cho bà con vùng cao” - ông Hưng cho hay.  

Không chỉ đồng bào ở địa phương, kể từ khi siêu thị HT Mart Đông Giang được hình thành đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua sắm cho người dân lân cận ở huyện Tây Giang. Không còn lạ lẫm như ngày mới đưa vào hoạt động, với người dân vùng cao bây giờ, siêu thị đang là điểm mua sắm lý tưởng, đáp ứng đủ đầy theo nhu cầu trong cuộc sống mới.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC