Doanh nghiệp và ước vọng mới
Trước những thách thức của hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam đã đưa ra những chiến lược nhằm đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường… Nhiều doanh nghiệp tự tin có thể đứng vững và phát triển trước làn sóng cạnh tranh, nhưng họ cần nhiều hơn nữa những chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để đầu tư, kinh doanh. Chính quyền Quảng Nam đã cam kết đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đầu tư dài hơi và hiệu quả; hoàn thành việc vận hành cơ chế chính sách để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp.
TỰ TIN HỘI NHẬP
Không cần ưu đãi, chỉ cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và sự cạnh tranh bình đẳng sẽ kích thích xây dựng, nuôi dưỡng thương hiệu, tạo động lực phát triển Quảng Nam. Đó luôn là ước vọng của cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam.
Trường Hải tiếp tục phát triển. Ảnh: T.Dũng |
Sẵn sàng cạnh tranh khi hội nhập
Không ít nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đang có dự định sẽ rời Việt Nam sang các nước Đông Nam Á tiếp tục sản xuất, kinh doanh khi thuế nhập khẩu ô tô bằng 0%, nhưng Trường Hải (Thaco) có cách chọn lựa khác. Ngôi vị số 1 top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2016 đã tiếp thêm sinh khí cho doanh nghiệp này đầu tư thêm nhiều nhà máy, công nghệ, hướng đến trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành mang tầm khu vực ASEAN và đưa Khu phức hợp trở thành Trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia. Trường Hải đã khởi đầu năm 2017 bằng một cuộc hợp tác sản xuất và phân phối máy nông nghiệp với Tập đoàn LS Mtron (Hàn Quốc) hôm 17.1.2017. Một nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị các loại sử dụng trong nông nghiệp được LS Mtron chuyển giao công nghệ với tỷ lệ nội địa hóa đến 50% và phân phối độc quyền tại Việt Nam mang thương hiệu Thaco sẽ hoạt động vào tháng 10.2017.
Không phải Trường Hải quá lớn để không bị tác động bởi hội nhập. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Trường Hải - cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của ngành công nghiệp ô tô là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Mỗi một chiếc xe sản xuất tại Việt Nam đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên là đạt yêu cầu. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của xe bus Thaco đạt 60%, xe tải đạt 40%, còn xe du lịch bình quân 18%. Mục tiêu của Trường Hải là đến năm 2018, sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe du lịch lên 40%. Khi sản lượng đủ lớn, Trường Hải sẽ mời gọi liên doanh, liên kết, giảm giá thành. Hiện Trường Hải đang mời gọi Mazda vào Chu Lai, nhưng với điều kiện phải đạt sản lượng 50.000 xe sẽ bán tại Việt Nam. Trường Hải đang cố gắng đạt mục tiêu này bằng nhiều nỗ lực, thậm chí chấp nhận giảm hết mức có thể về lợi nhuận thông qua giảm giá bán để kích thích sức mua. Dự định của Trường Hải sẽ giảm giá xe trung bình 5% mỗi năm và đến năm 2018 sẽ giảm khoảng 15%. Năm 2017 sẽ gia tăng hơn 30% thị phần xe du lịch và 45% thị phần xe tải và xe bus. Kế hoạch này dựa trên việc tiết kiệm chi phí, quản trị doanh nghiệp chặt chẽ hơn và sản lượng ngày càng lớn. Hiện các linh kiện, phụ tùng sản xuất ở Chu Lai đang được xuất khẩu sang các nước ASEAN. Trường Hải cũng mở tuyến hàng hải trực tiếp từ Hàn Quốc – Chu Lai giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Không chỉ Trường Hải, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam cũng đang chuyển mình để đón nhận thách thức, cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hội nhập. Kính nổi, CCI, Dacotex Hải Âu xanh… ở phía nam, VBL, Giày Rieker, Inax, Uni – President, Modori Anzen… phía bắc và hàng loạt doanh nghiệp đầu tư khác trên khắp đất Quảng cũng đã bắt đầu sôi lên với những dự án đầu tư công nghiệp và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo khảo sát của các cơ quan quản lý, có hơn 50% doanh nghiệp có ý định mở rộng, gia tăng sản xuất kinh doanh ngay từ năm 2017. Ông Nguyễn Hữu Tuấn - kế toán trưởng Công ty CP Prime Đại Lộc - cho biết, sự phục hồi của thị trường bất động sản giúp triển vọng ngành vật liệu xây dựng nói chung và gạch ốp lát nói riêng đang tương đối thuận lợi. Tập đoàn này sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, tiếp tục đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã, áp dụng nhiều hệ thống quản lý như ISO, OHSAS, SPAP… vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tai nạn lao động. Dự kiến công ty sẽ tăng công suất sản xuất và tiêu thụ gần 20% với 25 triệu m2 và tiêu thụ hơn 26 triệu m2 gạch các loại, mở rộng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
Toan tính chiến lược và chờ sự thay đổi
Không đủ năng lực tài chính hay các mối quan hệ để có thể dễ dàng tiếp cận chính sách hay bổ sung vốn, nhưng 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa Quảng Nam cũng không chịu bị bứng ra khỏi thị trường dưới tác động hội nhập. Không ít doanh nghiệp đã chọn cho mình một lối đi hẹp hơn nhưng an toàn kèm theo nhiều ước vọng thay đổi từ chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước. Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Điện Phong, Điện Bàn) đã khởi động cho chương trình đưa sản phẩm ra khỏi biên giới quê nhà bằng một cuộc triển lãm “Con đường từ làng đến quê hương” từ ngày 1.1.2017 tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn Viết Linh – Chủ tịch HĐTV Công ty Âu Lạc - cho hay, họ không có gì để lo khi hội nhập. Nền tảng ban đầu về nghề, khả năng đào tạo tay nghề, kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ… giúp họ đủ sức hướng đến thị trường nội địa và khách du lịch bằng những sản phẩm mang tính đặc trưng riêng lẻ của mình.
Cộng đồng doanh nghiệp thừa nhận Chính phủ đã đặt doanh nghiệp vào trung tâm đổi mới thể chế kinh tế quốc gia. Những cải cách cho cơ hội kinh doanh bùng nổ đã giúp không ít doanh nghiệp tích lũy được nhiều của cải. Tuy nhiên, mong ước của họ là được nhìn thấy sự thay đổi lớn, thực thi tại các địa phương ngày càng sâu rộng hơn. Hầu hết doanh nghiệp cho rằng không cần hỗ trợ mà cái cần nhất chính là chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, sao cho chi phí sản xuất thấp nhất, doanh nghiệp ít gặp rủi ro về pháp lý. Họ mong những cải cách đừng “trên nóng, dưới lạnh”. Ông Nguyễn Quang Việt – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam – nói, không ít chính sách ưu đãi thu hút đầu tư mới đã vô tình tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũ trên cùng một địa bàn, trong cùng một ngành nghề. Ông Nguyễn Tâm - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng – nói, doanh nghiệp cần một hành lang pháp ý rõ ràng, chứ không cần sự ưu đãi. Lỗ, lãi là chuyện thường trong kinh doanh, nhưng đừng để doanh nghiệp bơi trong vòng luẩn quẩn. Một khi chính sách cho doanh nghiệp không rõ ràng thì sự tồn tại đã khó, nói gì đến “xây dựng” hay “nuôi dưỡng” thương hiệu. (TRỊNH DŨNG)
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: “Sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển” Doanh nghiệp phấn đấu đạt được mục tiêu và phát triển trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay là một điều không dễ dàng. Họ đã phải không ngừng cố gắng, chấp nhận gian khổ và vượt qua thách thức, xứng đáng để chính quyền và cộng đồng chia sẻ những khó khăn. Chính quyền cam kết đồng hành, chia sẻ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường luật pháp ngày càng minh bạch, bình đẳng, tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp. Chính quyền luôn cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp để ngày càng hoàn thiện việc vận hành cơ chế, chính sách, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. Các kiến nghị của giới doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ kịp thời. Những lời hứa về chính sách sẽ nhanh chóng được thực thi, áp dụng cụ thể vào đời sống để tạo lực cho nền kinh tế… Song chính quyền cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hợp tác, năng động, sáng tạo, nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì sản xuất, mở rộng kinh doanh. Một trong những việc quan trọng của tỉnh ngay những ngày đầu năm 2017 là tăng cường cải cách hành chính, ổn định và hoạt động hiệu quả Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh. Hiện tại chính quyền đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giãn tiến độ dự án đầu tư gặp khó khăn. Tỉnh sẽ duy trì việc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh. Đồng thời cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động, tiếp cận và ổn định trong sử dụng đất đai, vốn; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm, hàng tồn kho, phát triển hàng hóa về nông thôn; khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh khởi nghiệp. T.Dũng (ghi) |
DOANH NGHIỆP NGÀNH MAY: TĂNG NĂNG SUẤT, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG
Toàn tỉnh hiện có hơn 95 doanh nghiệp ngành may mặc, với kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong những năm gần đây của tỉnh. Trong năm 2017, điều các doanh nghiệp may mặc quan tâm nhất chính là gia tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ngay trong những ngày đầu ra quân sản xuất năm 2017, ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT Công ty Tuấn Đạt (Cụm công nghiệp Trường Xuân) đã cam kết với người lao động rằng công việc sẽ không thiếu, thu nhập năm 2017 đảm bảo sẽ cao hơn năm 2016. Nhưng điều ông băn khoăn nhất chính là năng suất lao động. “Năng suất lao động chính là khâu then chốt giúp cho tốc độ tăng trưởng ở mỗi doanh nghiệp đạt được mục tiêu đề ra. Tôi đã đề nghị người lao động cùng với công ty hoàn thành tốc độ tăng trưởng năm 2017 thêm 10% so với năm 2016. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn muốn và phấn đấu để tốc độ tăng trưởng cao hơn con số trên. Tôi chỉ mong người lao động đồng hành với chúng tôi để thực hiện đạt kế hoạch sản xuất trong năm” - ông Doãn nói. Ông Doãn cho biết thêm, Tuấn Đạt có thị trường ở Mỹ và châu Âu, nhận đơn hàng trực tiếp từ đối tác truyền thống lâu năm nên dù TPP có ngưng hay không thì không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất. Tuấn Đạt có kế hoạch hợp tác với đối tác nước ngoài để đầu tư thêm xưởng may mặc quy mô lớn trong năm 2017, đưa về vùng nông thôn để gần với người lao động hơn. Tuy nhiên do TPP bị ảnh hưởng khi Mỹ rút, nên Tuấn Đạt và đối tác đang cân nhắc lại thị trường, sau đó mới có kế hoạch cụ thể về nhà máy mới.
Nhiều doanh nghiệp may mặc như Công ty May Sportteam Corporation, Công ty CP May Hòa Thọ Hội An, Công ty TNHH Thời trang Nguồn Lực, Công ty TNHH May Minh Hoàng 2, Công ty CP May Hòa Thọ Điện Bàn, Công ty CP May Núi Thành, Công ty TNHH Dệt may thương mại Tấn Minh… đều là những đơn vị có thị trường truyền thống ổn định, nên họ không lo ngại bị ảnh hưởng khi Mỹ rút khỏi TPP. Điều mà họ quan tâm chính là đầu tư hệ thống máy móc, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động để nâng cao năng suất lao động. Năng suất lao động tăng đồng nghĩa với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng đơn hàng, yêu cầu của đối tác. Bởi chữ “tín” trong làm ăn thể hiện qua chất lượng sản phẩm. Ông Trương Đức Thịnh - Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt may thương mại Tấn Minh - cho biết: “Những thị trường như Mỹ, Nhật Bản, các nước trong khối EU đều là những thị trường khó tính, đòi hỏi tính kỹ thuật lẫn mỹ thuật trong mỗi sản phẩm. Nhưng khi đã chinh phục được các thị trường này rồi thì đối tác rất tin tưởng và điều đó làm nên chữ “tín” cho bản thân mỗi doanh nghiệp. Năm này dự kiến Tấn Minh sẽ tăng 15% kế hoạch sản xuất trong năm, nghĩa là có hơn 4 triệu sản phẩm đã được đối tác đặt hàng”.
Và một điều khiến các doanh nghiệp may mặc quan tâm nữa là tuyển dụng lao động mới. Doanh nghiệp may mặc thường cần rất nhiều lao động, nhưng nguồn lao động của tỉnh chưa có xu hướng dịch chuyển về lại địa phương mà đi ra các tỉnh khác nhiều hơn. Tỉnh đang có cơ chế đào tạo nghề may dành riêng cho các doanh nghiệp ngành may mặc, với những ưu đãi vượt trội dành cho người học nghề may và đi làm trong các doanh nghiệp trong tỉnh. Nhưng đến nay, việc tuyển người lao động học nghề đang rất khó khi lao động trẻ có xu hướng ly hương. Riêng năm 2016, toàn tỉnh có hơn 70 nghìn lao động đi làm việc ở các tỉnh khác. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngành may mặc. Các doanh nghiệp mới đầu tư vào KCN Tam Thăng (Tam Kỳ) đều có kế hoạch tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Các doanh nghiệp trên đều cho rằng họ không lo lắng về đơn hàng, về thị trường, mà điều quan tâm nhất chính là làm sao tuyển đủ lao động, kể cả lao động phổ thông vào để họ đào tạo tay nghề. (LÊ DIỄM)
GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ
Năm 2017, các doanh nghiệp đóng chân ở địa bàn TP.Tam Kỳ đặt ra nhiều kỳ vọng mới trong tăng trưởng doanh số sản xuất, kinh doanh, nhưng trước tiên họ luôn mong ước đảm bảo được nguồn lao động.
Dây chuyền sản xuất, gia công giày tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Thuận Yên.Ảnh H.P |
Thiếu nguồn nhân lực
Từ chỗ “thua chị kém em” giờ đây Khu công nghiệp (KCN) Thuận Yên (TP.Tam Kỳ) bắt đầu rục rịch phát triển. Những cơ chế thông thoáng cho phát triển KCN này tuy đến muộn nhưng cũng hứa hẹn cho cuộc chuyển động tích cực trong làn sóng thu hút đầu tư. Sở hữu một không gian, diện tích thuê đất lớn nhất với gần 4ha ở KCN Thuận Yên, Công ty CP Da giày Phước Kỳ Nam nhiều năm qua là một trong số những doanh nghiệp gia công giày xuất khẩu ăn nên làm ra, luôn sử dụng ổn định hơn 1.500 lao động địa phương. Hoạt động hơn 5 năm nay, Công ty CP Da giày Phước Kỳ Nam đã có nhiều chế độ chính sách tiền lương ưu đãi để giữ chân người lao động, và nơi đây chưa từng xảy ra tình trạng đình công, sự cố đáng tiếc nào với người lao động. Ấn tượng nhất khi đặt chân đến doanh nghiệp này là không gian cây xanh, môi trường thông thoáng và sạch sẽ. Theo ông Phạm Đỗ Kiến Quốc - Giám đốc Công ty CP Da giày Phước Kỳ Nam - kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp là tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm gia công giày da sang các nước Đông Âu, đào tạo tay nghề cho lao động phổ thông, tạo nhiều việc làm cho xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế vững chắc. Năm sau sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu hơn năm trước ít nhất 5%, đồng hành với địa phương giúp lao động chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp mà không phải xa quê, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động nông thôn.
Ông Lê Công Bình - Trưởng ban quản lý KCN Tam Thăng (thuộc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai), đến nay tại KCN có 7 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký 155 triệu USD và 40 tỷ đồng. Trong quý 1.2017, sẽ có 4 dự án khởi động. Các doanh nghiệp trong khu có nhu cầu sử dụng 21.000 lao động, tuy nhiên hiện mới có 4.000 công nhân, lao động làm việc và đang đào tạo nghề. |
Còn ở vùng đông, Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng thuộc (Tập đoàn Panko Hàn Quốc) thu hút hơn 3.600 lao động phổ thông, theo kế hoạch năm 2017, nhu cầu nhà máy này cần ít nhất 7.000 công nhân. Thiếu hụt nguồn lao động là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp dệt may lớn nhất tại KCN Tam Thăng này. Tập đoàn Panko Hàn Quốc quyết định đầu tư xây dựng nhà máy dệt nhuộm may tại KCN Tam Thăng với quy trình sản xuất hiện đại, khép kín có công suất lớn nhất tỉnh hiện nay (sản phẩm dệt đạt 24 nghìn tấn/năm; sản phẩm nhuộm 24 nghìn tấn/năm; sản phẩm may 75 triệu sản phẩm/năm và 30 triệu sản phẩm phụ liệu/năm). Cạnh đó, tập đoàn này cũng đầu tư một nhà máy phụ trợ ngành may, có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD trên diện tích 6,1ha tại KCN Tam Thăng. Ông Lê Công Bình - Trưởng ban quản lý KCN Tam Thăng - cho biết, một trong những khó khăn chung của các doanh nghiệp là thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động. Để hút lực lượng lao động, Tập đoàn Panko tiếp tục có nhiều chính sách chăm lo quyền lợi tiền lương, đóng bảo hiểm cho người lao động, chuẩn bị đưa công trình nhà ở cho công nhân (ở phường An Phú) vào hoạt động. Ngoài ra, tương lai gần sẽ xúc tiến hỗ trợ chính quyền xây dựng các công trình công cộng khác phục vụ đời sống, nhu cầu cho công nhân.
Chọn mặt gửi vàng
Có mặt bằng sạch nhưng chủ trương của lãnh đạo TP.Tam Kỳ là không thu hút đầu tư bằng mọi giá vào KCN Thuận Yên. Rõ nhất là 2 năm nay thành phố sẵn sàng từ chối nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công may mặc; ngược lại chỉ tiếp nhận những ngành nghề sử dụng công nghệ tân tiến, tạo ra giá trị sản phẩm cao, đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Sở dĩ có việc từ chối dự án may mặc như ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Phát triển khu, cụm công nghiệp - thương mại và dịch vụ TP.Tam Kỳ - lý giải, do ở vùng đông đã có Tập đoàn Panko Hàn Quốc. Hiện tại khó khăn chung của thành phố cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh là thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động. Thực tế đã có doanh nghiệp dệt may chịu chi trả lương cho công nhân mỗi tháng hơn 6 triệu đồng nhưng vẫn họ vẫn... dứt áo ra đi. “KCN Thuận Yên bây giờ khan hiếm mặt bằng nên bắt buộc phải sàng lọc nhà đầu tư. Hai năm nay, chính quyền hầu như chỉ thu hút cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất, gia công trang thiết bị y tế, hệ thống đèn trang trí ngoài đường, sản xuất phụ tùng hỗ trợ cho xe ô tô...” - ông Đức khẳng định.
Công ty TNHH MTV Shing Chang Vina (KCN Thuận Yên) chuyên sản xuất, gia công xuất khẩu thiết bị y tế sang các nước Hàn Quốc, Mỹ đã đi vào hoạt động từ tháng 9.2016. Với đặc thù nguồn lao động phải qua đào tạo, hiện công ty này mới thu hút 60 lao động trong khi nhu cầu cần 150 người. Theo cán bộ phụ trách nhân sự của công ty, cái khó của nhà đầu tư nước ngoài là loay hoay tìm kiếm lực lượng lao động có tay nghề. Những đơn đặt hàng của đối tác thì nhiều trong khi doanh nghiệp không thể phát huy hết năng suất hoạt động. Với đặc thù sản phẩm làm ra cần kiểm soát chặt chẽ nên dù thiếu lao động nhưng công ty vẫn dè dặt tuyển dụng. Còn ông Trần Đình Đức nhìn nhận, công nghiệp không phải là thế mạnh của địa phương mà chính là lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, đóng góp của giá trị công nghiệp trong cơ cấu kinh tế thành phố không phải nhỏ. Riêng tổng giá trị ngành dệt may của thành phố năm 2016 đạt gần 900 tỷ đồng (chiếm 31,8% tổng giá trị công nghiệp toàn thành phố). Kế hoạch 2017 của ngành may là 1.312 tỷ đồng chiếm 37,3% giá trị công nghiệp toàn thành phố. (TRẦN HỮU)