Nguy cơ mất vốn ngân sách
Không thiếu văn bản, chỉ thị hay yêu cầu từ phía chính quyền và các cơ quan quản lý, nhưng cho tới nay, việc xử lý số nợ tạm ứng tồn đọng từ năm 2010 trở về trước vẫn chưa có diễn biến gì mới mẻ.
Thu hồi không đáng kể
Kể từ khi UBND tỉnh quyết định thành lập một tổ công tác xử lý nợ, số nợ tạm ứng khoảng 34 tỷ đồng, kéo dài từ năm 2010 trở về trước đã có chút thay đổi. Tổ này đã kiến nghị thu hồi dứt điểm 6 dự án và 3 chủ đầu tư. Đó là Công ty Vinaconex 25, Trường Chính trị Quảng Nam và Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường đô thị Tam Kỳ. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, hiện tổng số dư nợ tạm ứng của 27 dự án thuộc 6 chủ đầu tư khoảng 28,5 tỷ đồng. Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay tổ công tác và bộ phận giúp việc đã xác định chi tiết nguyên nhân số dư, nhà thầu tạm ứng từ năm 2010 trở về trước. Ngoài số dư tạm ứng đã được thu hồi, công tác đối chiếu công nợ các dự án khác để khấu trừ nợ tạm ứng cũng đã được tiến hành.
Dự án đường phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn là một trong những dự án có nợ tạm ứng lưu cữu nhiều năm không thể thu hồi được.Ảnh: T.DŨNG |
Hầu hết nhà thầu đã thống nhất khấu trừ nợ khối lượng hoàn thành sang thanh toán số dư nợ tạm ứng hợp đồng giữa các chủ đầu tư trên địa bàn Quảng Nam với các dự án khác do cùng một nhà thầu thi công. Tổ công tác đã phối hợp với các chủ đầu tư, nhất là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (chiếm 60% tổng nợ tạm ứng kéo dài) đôn đốc và mời các nhà thầu vào làm việc để xác định khối lượng hoàn thành, đối chiếu công nợ, lập biên bản thanh lý hợp đồng hoặc khấu trừ nợ tạm ứng. Ông Bảo nói, khó khăn lớn nhất hiện nay là đa số nhà thầu không hợp tác, không thống nhất số liệu hoặc cử đại diện không đúng thành phần, không có thẩm quyền, nên không thể đối chiếu được số liệu giữa các bên để làm cơ sở thu hồi nợ hoặc không thực hiện lệnh thi hành án sau khi có quyết định của tòa.
Mặc dù cơ quan quản lý đã xác định nợ và tìm ra lời giải cho việc thu hồi nợ, nhưng 10 tháng qua, chỉ thu hồi hơn 3 tỷ đồng của 10 dự án là con số quá ít ỏi so với số nợ tạm ứng treo trên bảng báo cáo đã nhiều năm, dù các chủ đầu tư, nhà thầu đều đã cam kết “thanh toán dứt điểm” vào cuối năm 2016. Không chấp nhận ngân sách “mất đi”, không thể để mất lòng tin dân chúng và không đủ kiên nhẫn để chờ đợi “thiện chí” hoàn ứng hay trả nợ từ các nhà thầu, chính quyền, chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến trình siết chặt quản lý, tìm cách thu hồi nợ. Chính quyền huyện Nam Trà My đã gửi văn bản khởi kiện về số nợ 2,398 tỷ đồng của dự án đường ô tô đến xã Trà Tập vẫn đang chờ bản án của tòa án tối cao để Ngân hàng BIDV chi nhánh Thăng Long hoàn trả số tiền tạm ứng. Còn 2 công ty là Công ty CP Xây dựng Quảng Nam – Đà Nẵng (đơn vị mua lại Công ty TNHH MTV Xây dựng Quảng Nam) của dự án khu dân cư phía tây đường An Hà – Quảng Phú, gói thầu số 1) và Công ty TNHH Minh Phú (dự án san nền tổ hợp ô tô Việt Nam và dự án đường thanh niên ven biển giai đoạn 1 và 2, gói thầu số 3) không đủ khả năng tài chính để trả nợ tạm ứng. Nhà thầu không thực hiện quyết định thi hành án của tòa, nên chủ đầu tư đã hoàn chỉnh thủ tục khởi tố 2 công ty này.
Ai chịu trách nhiệm khi mất vốn?
Ông Trần Phước Tào – Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay không ít hồ sơ đã chuyển cho cơ quan thi hành án để thu nợ, nhưng cơ quan này đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu vì không thể xác định được tài sản bởi công ty đã giải thể hoặc bán lại cho đơn vị khác. Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đã giải thể. Không thể đưa ra tòa vì không biết kêu ai tới hầu, tài sản không có gì thì biết giải quyết làm sao? Con số dư tạm ứng xây dựng cơ bản từ năm 2010 trở về trước vẫn cứ mãi treo trong các báo cáo của Kho bạc Nhà nước, không có cách gì xử lý, thậm chí còn dự báo “bi quan” là số nợ đọng này không thể thu hồi. Theo ông Tào, tỷ lệ thu hồi không đáng kể. Ngoài việc nhiều nhà thầu giải thể không có khối lượng thanh toán cũng còn không ít nhà thầu không chấp nhận giá trị quyết toán. Còn muốn khởi kiện nhà thầu thì phải có đối chiếu công nợ, nhưng nhà thầu không ký thì không thể làm gì được.
Trong một diễn biến khác được nhiều chủ đầu tư cho hay, họ không thể kiện nhà thầu không thanh toán số nợ tạm ứng vì kiện sẽ bị thua bởi đã có không ít nhà thầu kiện ngược và thắng nhà đầu tư với lý do chủ đầu tư đã không giao được mặt bằng cho họ thi công nên không thể đẩy nhanh tiến độ dự án. Đó là chưa kể đến việc nhiều nhà thầu viện dẫn lý do Nhà nước nợ tiền xây dựng của họ nên không thể hoàn trả cho ngân sách. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp hụt hơi, đuối sức và không ít doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đứng trên bờ vực phá sản.
Hầu như tất cả chủ đầu tư đều giải thích số nợ đọng tạm ứng kéo dài không thể thu hồi được thuộc về các dự án, gói thầu đã ngừng thi công, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể… không thể tìm ra địa chỉ. Ngay những bản án đã được thi hành vẫn không thể xác định được tài sản và không biết kêu ai tới tòa. Và với con số nợ được thu hồi quá ít ỏi kia, không thể không nghĩ đến ngân sách có nguy cơ bị mất. Liệu các chủ đầu tư có thể phủi tay chối bỏ trách nhiệm? Chẳng lẽ không ai chịu trách nhiệm? Xét cho cùng tiền ngân sách cũng là tiền của dân nên thất thoát phải có ai đứng ra trả lời cụ thể và nhận trách nhiệm rồi có hướng khắc phục?
TRỊNH DŨNG