Phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người dân
Năm qua, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) huyện Núi Thành đạt được kết quả khả quan là tiền đề để địa phương đẩy mạnh phát triển nhằm giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân…
Năm 2016, theo thống kê, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp - xây dựng trên địa bàn huyện Núi Thành đạt hơn 47.277 tỷ đồng (tính theo giá so sánh năm 2010), đạt 100% kế hoạch, tăng 30% so với mức thực hiện năm 2015. Trong năm, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, thi công đường trục chính, đường nội bộ và đường gom dân sinh tại Cụm công nghiệp Nam Chu Lai; san nền tại Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây; hoàn thành việc trồng cây xanh vệt cách ly giữa Cụm công nghiệp Nam Chu Lai và khu tái định cư Nam Chu Lai. Huyện cũng đã thi công công trình hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp Trảng Tôn và đường trục chính vào làng nghề nước mắm Tam Tiến; tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Là vùng động lực kinh tế phía nam tỉnh, ngoài các doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành hiện có 1.128 cơ sở sản xuất CN-TTCN hoạt động trên địa bàn, chủ yếu là sản xuất, gia công cơ khí, sửa chữa ô tô, tàu thuyền, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, may mặc, thủ công mỹ nghệ... giải quyết việc làm cho 2.076 lao động. Huyện có 3 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích 92,59ha. Hiện tại, đã có 2 cụm công nghiệp Trảng Tôn và Nam Chu Lai đi vào hoạt động với diện tích 48ha; Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây đang thi công san lấp mặt bằng với diện tích 20,13ha. Tại Cụm công nghiệp Trảng Tôn (khối phố 7, thị trấn Núi Thành) với diện tích 15,49ha, hiện nay đã thực hiện được 9ha với 4 doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho 870 lao động, hàng năm nộp ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Cụm công nghiệp Nam Chu Lai (tại xã Tam Nghĩa) có tổng diện tích 56,97ha, thực hiện giai đoạn 1 được 39ha và đang có 6 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động, đóng góp thuế và các khoản vào ngân sách nhà nước hơn 9 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Vinh - Giám đốc Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện Núi Thành cho biết: “Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp thời gian qua có hiệu quả, góp phần tạo ra giá trị công nghiệp trên địa bàn, giải quyết nhiều lao động của địa phương và đóng góp ngân sách khá lớn. Có thể nói, đến nay các cụm công nghiệp đã có nhiều khởi sắc, từ chỗ trước đây là những bãi đất trống nay nhiều nhà máy, công trường mọc lên, góp phần vào sự phát triển chung của huyện”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đầu tư hạ tầng vào các cụm công nghiệp của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp phải trở ngại về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Số dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp còn ít, ngành nghề sản xuất trong các cụm chưa đa dạng... Ngoài ra, tại địa phương, tình trạng các hộ sản xuất - kinh doanh đang xen kẽ trong các khu dân cư, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến gây ô nhiễm về tiếng ồn, bụi, mùi hôi... làm ảnh hưởng đến môi trường, không phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới...
Với mục tiêu phát triển CN-TTCN nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nhưng phải bảo vệ môi trường sinh thái, huyện ưu tiên đầu tư cho các nhóm ngành nghề giải quyết được nhiều lao động như chế biến nông lâm sản và thực phẩm; gia công da giày, may mặc; sản xuất và tinh chế đồ gỗ, cơ sở sản xuất bia mộ, mua bán phế liệu...
VĂN PHIN