Khó khăn xử lý nợ xấu
Hệ thống ngân hàng Quảng Nam cam kết sẽ xử lý nợ xấu về ngưỡng an toàn, nhưng cơ chế, giải pháp nào để xử lý hiệu quả vẫn là câu chuyện đầy khó khăn, trong khi lại phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào trước sự trồi sụt của thị trường.
Tăng trưởng cao và “gánh” nợ xấu
Tăng trưởng tín dụng năm 2016 của hệ thống ngân hàng Quảng Nam đạt mức 43.556 tỷ đồng, tăng 28,39%, cao hơn mức tăng 26,82% năm 2015, vượt xa kế hoạch đăng ký 26,41% của các tổ chức tín dụng và khoảng 10% tốc độ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, được đánh giá đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam thừa nhận cùng với tăng trưởng tín dụng, nợ xấu cũng đã diễn biến theo biểu đồ hình sin. Nợ xấu tăng đột biến vào tháng 4 năm 2016 với các món vay của doanh nghiệp thuộc khối ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm nhẹ vào những tháng cuối năm, nhưng tổng nợ xấu đến cuối năm 2016 ở khoảng 386,44 tỷ đồng, chiếm 0,89%/tổng dư nợ và tăng đến 202,27% so với đầu năm. Khối ngân hàng thương mại cổ phần chiếm cao nhất (74,51%) và khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 24,1%. Số còn lại thuộc các tổ chức tín dụng khác.
Ngân hàng tìm cách xử lý nợ xấu và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quyết định chất lượng tín dụng. (ảnh chỉ có tính minh họa). |
Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng tín dụng cao và “gánh” nợ xấu. Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam cũng không là một biệt lệ. Ngân hàng này đã đạt mức tăng trưởng 5,9%, đạt 100% kế hoạch giao. Nếu không tính dư nợ chương trình cho vay học sinh sinh viên giảm thì tốc độ tăng đã lên đến 10,37%. Cho dù, ngân hàng đã xóa nợ gốc 1,999 tỷ đồng, xóa lãi 334 triệu đồng cho 226 hộ vay, khoanh nợ số tiền 233 triệu cho 12 hộ vay cho những món vay gặp rủi ro vì nguyên nhân khách quan và nợ xấu đã giảm 5,115 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng nợ xấu vẫn còn chiếm tỷ lệ đến 0,09%.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, con số nợ xấu hiện tại của hệ thống ngân hàng Quảng Nam không quá để lo lắng. Việc giới ngân hàng cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ, tiếp cận vốn vay, đáo hạn trả nợ cho khách hàng, tiếp tục xem xét cho vay mới đối với nhu cầu cho vay mới có hiệu quả và bảo đảm khả năng trả nợ, tiếp tục kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm giải thấp chi phí tài chính cho doanh nghiệp… Tất cả điều này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh và tạo nguồn thu trả nợ. Đó là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, công luận vẫn phân vân bởi việc giảm nợ xấu chủ yếu là xử lý rủi ro (chiếm 96%) và bán nợ cho VAMC. Nhưng bản chất của việc sử dụng nguồn dự phòng rủi ro bù đắp tổn thất hay bán nợ chỉ làm giảm vốn chủ sở hữu ngân hàng, chuyển từ hạch toán nội bảng sang ngoại bảng. Rốt cuộc nợ xấu vẫn chưa được thu hồi. Khởi kiện ra tòa để buộc các doanh nghiệp trả nợ là việc ít ngân hàng lựa chọn bởi thủ tục pháp lý khá rườm rà, thời gian thu hồi nợ quá dài… Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Quảng Nam cho hay nợ xấu đã tốt hơn rất nhiều so với các năm. Giới ngân hàng không còn phải đau đầu, nhức óc khi gặp gỡ, bàn định triển khai công tác ngân hàng cho năm trước như trước đây, nhưng kiểm soát nợ xấu cũng không hề dễ dàng.
Nguy cơ tiềm ẩn rủi ro tín dụng
Tất cả ngân hàng đều cam kết sẽ tiếp tục đưa tăng trưởng dư nợ và giữ vững chất lượng tín dụng, tập trung xử lý tốt nợ đến hạn, nợ xấu. Tuy nhiên, thực tế không dễ như mong đợi. Các ngân hàng đang đối mặt với một tình trạng về mặt pháp lý liên quan đến các vấn đề xử lý nợ cũng như tài sản đảm bảo. Mặc dù khi cho vay, ngân hàng đã chủ động ràng buộc các điều kiện pháp lý với các bên liên quan bằng nhiều hợp đồng như hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tín dụng…, nhưng khi rủi ro phát sinh thì việc xử lý thu hồi nợ của ngân hàng luôn gặp khó khăn. Thực tế, nợ xấu vẫn đang là nỗi nhức nhối của hệ thống ngân hàng. Không ít ngân hàng đã tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc vẫn chưa thể xử lý nổi thì hiện tại nguy cơ rủi ro tín dụng vẫn đang tiềm ẩn.
Ông Trần Quang Hổ - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay nợ xấu tuy đã được duy trì, cải thiện nhưng các ngân hàng cần thận trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng vì nợ xấu vẫn còn nhiều tiềm ẩn rủi ro tăng cao trong thời gian đến. Một trong những nguy cơ được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam và giới ngân hàng thương mại cổ phần thông báo chính là cho vay theo Nghị định của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản dù dẫn đầu cả nước, nhưng sẽ khó khăn trăm bề khi thu hồi nợ sau này. Ông Hổ nói khu neo đậu tàu thuyền tránh bão Hồng Triều (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) đã bị bồi lấp. Tàu thuyền không thể ra khơi được. Điều này đã và sẽ ảnh hưởng đến việc trả nợ vốn vay của chủ tàu, nên cần có kế hoạch nạo vét. Hiện chi nhánh lập hồ sơ đề nghị xử lý xóa nợ sau đợt đối chiếu, phân tích nợ theo chỉ đạo của trung ương đối với những món vay không có khả năng trả nợ với tổng tiền gốc 677 triệu đồng, 1,165 tỷ đồng tiền lãi cho 489 món vay.
Theo ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam, tỉnh luôn bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ giảm chút ít khi chi nhánh đã lập hồ sơ đề nghị xử lý xóa nợ sau đợt đối chiếu, phân tích nợ theo chỉ đạo của trung ương đối với những món vay không có khả năng trả nợ với tổng tiền gốc 677 triệu đồng và 1,165 tỷ đồng tiền lãi cho 489 món vay. Khó khăn lớn nhất vẫn là cuộc “truy tìm tông tích” các hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú. Năm 2016, chỉ mới tìm kiếm và thu hồi được 1,253 tỷ đồng từ 80 hộ vay. Số còn lại khoảng 197 hộ bỏ đi với số tiền 3,163 tỷ đồng.
TRỊNH DŨNG