"Mở đường" phát triển

ĐẶNG HÙNG (thực hiện) 02/02/2017 09:46

Những năm qua, Quảng Nam đã huy động mọi nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông và xem đây là giải pháp đột phá. Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nhân - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) về vấn đề này.

P.V:Thưa ông, hạ tầng giao thông ở Quảng Nam trong những năm gần đây được tăng cường đầu tư, đã tạo động lực như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội?

Ông Nguyễn Văn Nhân: Trong định hướng phát triển của Quảng Nam, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông được xác định là một hướng đi đột phá chiến lược. Vì vậy, mặc dù những đầu tái lập tỉnh, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng Quảng Nam vẫn luôn ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt giao thông nông thôn. Đến nay, hầu hết tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, các dự án trọng điểm có tính đột phá đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu giao thông, nhất là từ năm 2011 đến nay, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường vào các khu, cụm công nghiệp, các tuyến đường lên biên giới...

Việc đưa vào hoạt động cảng Chu Lai - Trường Hải đã tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics của Thaco. Ảnh: Đ.H
Việc đưa vào hoạt động cảng Chu Lai - Trường Hải đã tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics của Thaco. Ảnh: Đ.H

Nhiều công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành kết nối và hình thành mạng lưới giao thông thông suốt và rộng khắp trên các địa bàn, từ miền núi đến vùng biển...  Nổi bật là các công trình cầu Cửa Đại, cầu Kỳ Phú 1 và 2, đường Nam Quảng Nam, quốc lộ 1, cầu Gò Nổi, cầu Ái Nghĩa; 30 tuyến đường ô tô đến trung tâm xã với tổng chiều dài hơn 464km, bê tông hóa được hơn 1.500km giao thông nông thôn. Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh đã tương đối hoàn chỉnh với hơn 7.000km và phân bổ đều khắp, hợp lý với trục dọc Bắc - Nam và trục ngang Đông - Tây. Chiều dài giao thông nông thôn với hơn 6.560km, tỷ lệ bê tông hóa đạt 60% (3.890km). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7 tuyến quốc lộ và đường Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 650km. Các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (91km), đường Trường Sơn Đông (145km) đang xây dựng, hứa hẹn sớm khớp nối liên hoàn hệ thống trục dọc và trục ngang. Trong đó, trục dọc là quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Trường Sơn Đông. Trục ngang là các tuyến quốc lộ 40B, 14B, 14D, 14G, 14E, 24C... Hệ thống đường ĐH có 227 tuyến với 1.998km đã được cứng hóa 1.414km (70,8%). Hệ thống đường ĐT có 18 tuyến dài 363km, thường xuyên được nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông, đi lại. Mạng lưới đường đô thị và nội bộ các khu, cụm công nghiệp đang được đầu tư đồng bộ và mở rộng…

P.V: Ngoài những thành tựu về hạ tầng giao thông, hoạt động trong lĩnh vực vận tải cũng đạt nhiều kết quả. Xin ông cho biết thêm về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này?

Ông Nguyễn Văn Nhân: Những năm qua, ngành GTVT Quảng Nam đã tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh, xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông vận tải; tăng cường quản lý trong lĩnh vực bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý hoạt động vận tải và triển khai quy hoạch phát triển giao thông trong địa bàn tỉnh trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hệ thống bến xe trên địa bàn tỉnh được nâng cấp và phát triển đúng định hướng quy hoạch. Đến nay đã có 19 bến xe và 1 trạm dừng nghỉ được đưa vào hoạt động. Công tác sát hạch lái xe luôn được chú trọng. Nhờ vậy đã nâng cấp được chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch, đáp ứng yêu cầu xã hội, đảm bảo tính khách quan, hiện đại.

Hạ tầng giao thông phát triển đã tạo động lực cho các loại hình phương tiện vận tải tăng trưởng nhanh. Lực lượng vận tải phát triển vượt bật về cả loại hình, số lượng, chất lượng. Các tuyến vận tải được mở mới, kết nối với các vùng miền trong cả nước. Đến nay, toàn tỉnh hiện có hơn 130 doanh nghiệp vận tải tham gia khai thác. Riêng vận tải hành khách công cộng, có 10 tuyến xe buýt không trợ giá và 5 tuyến xe buýt miễn phí của BigC được đưa vào hoạt động. Sân bay Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà đang được đầu tư đồng bộ và bước đầu đã phát huy hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách trong và ngoài nước.

P.V: Thưa ông, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngành GTVT đang đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm gì?

Ông Nguyễn Văn Nhân: Xác định GTVT thực sự là khâu đột phá trong thu hút đầu tư, bảo đảm quốc phòng an ninh, giao thông đi trước một bước để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới ngành GTVT Quảng Nam sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư và tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn. Theo đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tuyến đường trục chính đã quy hoạch, kết nối với mạng lưới giao thông khu vực ASEAN (các tuyến quốc lộ 14D, 14B, các tuyến nối đường ven biển, quốc lộ 1 với đường cao tốc); phát triển các tuyến kết nối đường trục quốc gia với giao thông địa phương để phát huy lợi thế giao thông của tỉnh và một số dự án khác. Trước mắt, tập trung triển khai có hiệu quả đề án “Kiên cố hóa mặt đường các tuyến điều hòa trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020”, đề án “Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020” kết hợp với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển mạng lưới đô thị và mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông quan trọng; xây dựng mới hệ thống cầu cống tại vị trí then chốt nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, nạo vét các tuyến đường thủy nội địa, xây dựng hạ tầng cụm cảng Kỳ Hà, tăng tần suất các chuyến bay để khai thác có hiệu quả cảng hàng không Chu Lai nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tăng trưởng nhanh, bền vững và thực hiện thành công mục tiêu phát triển chung của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

P.V:Xin cảm ơn ông!

 ĐẶNG HÙNG (thực hiện)

ĐẶNG HÙNG (thực hiện)