AFTA không còn xa

NHẬT PHONG 27/01/2017 14:35

(Xuân Đinh Dậu) - Ước vọng một ngày những chuyến hàng ô tô mang nhãn hiệu Việt Nam đầu tiên hay hàng hóa Quảng Nam xuất khẩu sang khu vực AFTA từ Thaco, Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ không còn là chuyện xa xôi…

Con sếu đầu đàn

Chẳng có gì ngạc nhiên khi Quảng Nam đã chọn Thaco làm dự án động lực của Khu kinh tế mở Chu Lai. Gần 15 năm qua, không ít nhà đầu tư đến rồi đi, để lại những lời hứa hẹn, có khi “một đi không trở lại”, hoặc dang dở đầu tư thì Thaco âm thầm tạo dựng thương hiệu thành công trong 65 dự án đầu tư tại Chu Lai. Sự kiện liên tục xuất xưởng mẫu xe Kia Sedona (CKD) và Mazda2 (CKD), đầu tư thêm nhiều nhà máy sản xuất, mở rộng cảng, khu công nghiệp cơ khí ô tô…, không chỉ đưa Thaco trở thành nhà sản xuất và phân phối đầy đủ phân khúc xe du lịch mà còn khẳng định hướng đi đúng của Thaco trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để dần tiến tới lộ trình gia nhập ASEAN.

Cảng Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cảng Chu Lai - Trường Hải.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Thaco đã và đang theo đuổi “giấc mộng” sản xuất, lắp ráp ô tô để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới thị trường AFTA và khu vực ASEAN. Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải có hơn 20 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, nâng tỷ lệ nội địa hóa 40% cho các sản phẩm ô tô tải, 50% xe bus và 15 - 20% cho xe du lịch. Việc xây dựng các nhà máy sản xuất và lắp ráp xe và các nhà máy hỗ trợ đã đem đến cho Thaco một quy trình sản xuất khép kín, giúp kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm ở từng bộ phận, tạo ra các sản phẩm khác biệt có lợi thế cạnh tranh, chủ động nguồn cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần giảm chi phí sản xuất.

Kết nối tuyến hàng hải quốc tế trực tiếp từ cảng Chu Lai - Trường Hải.   TRONG ẢNH: Lễ đón tàu trọng tải 20.000 tấn tại bến cảng số 1 Tam Hiệp.Ảnh: NHẬT PHONG
Kết nối tuyến hàng hải quốc tế trực tiếp từ cảng Chu Lai - Trường Hải. TRONG ẢNH: Lễ đón tàu trọng tải 20.000 tấn tại bến cảng số 1 Tam Hiệp.Ảnh: NHẬT PHONG

Theo Cục Thuế Quảng Nam, năm 2016, Thaco bán ra thị trường 57.400 xe du lịch (kể cả xe nhập khẩu) với tổng số thuế nội địa nộp ngân sách hơn 7.800 tỷ đồng. Con số này một lần nữa chứng minh năng lực Thaco được phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, kèm theo sự phát triển kinh doanh của một số ngành nghề khác liên quan, bổ trợ cho ngành sản xuất, kinh doanh ô tô, gia tăng thị phần, tiếp tục đứng đầu thị trường ô tô tại Việt Nam. Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc thường trực Thaco cho biết, Chu Lai có đủ diện tích đất để đầu tư dự án, thuận lợi xuất khẩu bằng đường bộ sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và đường thủy sang các nước khác trong khu vực ASEAN. Thiết kế khoa học, thiết bị hiện đại, hạ tầng tốt, dây chuyền công nghệ tiên tiến và sự cam kết về chất lượng, nhà máy của Thaco sẽ dần giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh kinh doanh linh kiện, phụ tùng do Thaco sản xuất tại Chu Lai để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hội nhập AFTA

Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ Quảng Nam chiếm 96%, không khác gì những ngọn đèn leo lét trước gió lớn, có thể tắt trước sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn, tập đoàn nước ngoài sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam khi các FTA có hiệu lực. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương nói tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không đáng kể. Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng 70 - 80% kim ngạch xuất khẩu, nhất là may mặc, giày da, nhưng cũng chỉ gia công, làm thuê, thiếu nguồn lực đầu tư nên vẫn cảnh bấp bênh triền miên. Cơ hội đã mở ra cho 15 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Quảng Nam, nhưng doanh nghiệp có tận dụng được hay không vẫn là bài toán không dễ có lời giải đáp.

Sản xuất ô tô cũng sẽ gặp khó. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra là chỉ còn 2 năm nữa, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0%, liệu có đủ thời gian để cạnh tranh hay trở thành nơi nhập khẩu ô tô có xuất xứ Thái Lan và Indonesia? Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã phải kiến nghị, hiến kế chính sách, tạo sức bật cho ngành công nghiệp ô tô, nhưng vẫn phải phòng thân bằng việc từng bước đặt chỗ trước cho thị trường xe nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp chọn con đường an toàn: nhập xe nguyên chiếc về phân phối. Khá nhiều người không biết Thaco sẽ làm gì trong “cơn lốc” chuyển dịch này. Thaco đã chọn sự khác biệt. Và đây là câu trả lời của họ khi trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, Thaco đã gia tăng vốn đầu tư, khánh thành nhà máy xe chuyên dụng hạng nặng và sơmi rơmoóc, một khu công nghiệp cơ khí ô tô mở rộng với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đã được khởi công sau hơn 2 tháng gặp gỡ với các nhà đầu tư Madza (Nhật Bản) đến Chu Lai tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chuyến tàu SITC từ cảng Inchon (Hàn Quốc) trọng tải 20.000 tấn đã cập bến cảng số 1 Tam Hiệp an toàn ngày 5.8.2016. Cảng Chu Lai - Trường Hải chính thức trở thành một “cảng quốc tế” xuất khẩu trực tiếp tại Quảng Nam.

Có thể hiểu, với các sự kiện và động thái đầu tư này, chắc chắn Thaco đã tính toán chiến lược cụ thể cho lộ trình hội nhập 2018. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco nói, đã chuẩn bị cho một chu kỳ đầu tư mới về tài chính và nhân lực. Thaco quyết tâm trở thành nhà sản xuất, lắp ráp ô tô không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực. Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải sẽ trở thành “cứ điểm” sản xuất linh kiện, phụ tùng và lắp ráp ô tô có tầm vóc trong khu vực ASEAN. Sự kiện liên tục xuất xưởng các mẫu xe mới và gia tăng vốn đầu tư, đầu tư mở rộng khu công nghiệp cơ khí và kết nối tuyến hàng hải trực tiếp đến cảng Hàn Quốc đã khẳng định Thaco sẵn sàng cho cạnh tranh hội nhập đầy khốc liệt. Chiến lược này sẽ từng bước phát triển Thaco thành tập đoàn đa ngành nghề mang tầm khu vực ASEAN.

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG