Chế biến gỗ trong sân chơi hội nhập

HỮU PHÚC 24/01/2017 14:18

(Xuân Đinh Dậu) - Trong xu hướng hội nhập, ngành công nghiệp chế biến gỗ đối mặt nhiều rủi ro nhưng lại là “thời cơ vàng” với người trồng rừng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ.

Chấm dứt gỗ bất hợp pháp

Vì sao doanh nghiệp trong nước cũng như ở Quảng Nam phải nhập khẩu gỗ trong khi mình là xứ rừng trồng? Ngành công nghiệp chế biến gỗ thiếu nguồn nguyên liệu? Câu trả lời: trong nước thừa và đa dạng chủng loại gỗ, nhưng thiếu điều doanh nghiệp cần là nguồn gốc gỗ hợp pháp và đạt chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững (FSC). Ngay cả doanh nghiệp có truyền thống trồng rừng trong tỉnh như Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam cũng phải nhập khẩu gỗ từ Malaysia với giá 145 - 150 USD/m3 thì mới đủ nguyên liệu đầu vào.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh luôn ổn định thị trường tiêu thụ, đạt doanh thu cao trong xu thế hội nhập.  Ảnh: H.P
Ngành công nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh luôn ổn định thị trường tiêu thụ, đạt doanh thu cao trong xu thế hội nhập. Ảnh: H.P

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến gỗ 11 tháng đầu năm 2016 đạt 74,5 triệu USD. Thị trường tiêu thụ chính là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Tại Quảng Nam có ít nhất 4 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu gỗ chế biến (gồm Công ty CP Cẩm Hà, Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, Công ty CP Gỗ Minh Dương Chu Lai, Công ty TNHH Innovgreen Chu Lai) đều có thị trường tiêu thụ ổn định, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Theo quy định của FLEGT (Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ”), sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU phải có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, nếu gỗ không rõ nguồn gốc sẽ bị trả về nước xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc Dự án quản trị rừng bền vững (thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - WWF), trong xu thế hội nhập, chuẩn bị ký kết các hiệp định thương mại tự do với châu Âu về ngành gỗ, doanh nghiệp và người trồng rừng ở Quảng Nam sẽ có thuận lợi hơn. Bởi, nhiều doanh nghiệp đã, đang liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn và tăng quy mô diện tích đạt chứng nhận FSC.

Thời cơ để bứt phá

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gỗ là ngành có tiềm năng phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Quyết định 889/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo đà chuyển cơ cấu xuất khẩu dăm gỗ sang cung cấp nguyên liệu cho chế biến gỗ, giảm dần nhập khẩu nguồn nguyên liệu. Ở Quảng Nam đề án tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp cũng đã ưu tiên phát triển rừng đạt tiêu chuẩn FSC và có chính sách hỗ trợ chế biến sâu ván nhân tạo thay thế dần sản xuất nguyên liệu dăm giấy xuất khẩu như hiện nay.

Nhiều năm nay, Công ty CP Gỗ Minh Dương - Chu Lai (nhà máy hoạt động tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai) sản xuất chế biến gỗ để xuất khẩu ổn định qua thị trường Anh, Nhật, Mỹ. Nguồn nguyên liệu công ty mua chủ yếu từ gỗ rừng trồng của nước ngoài đạt tiêu chuẩn FSC và gỗ cây cao su trong nước đã thanh lý. Ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Công ty CP Gỗ Minh Dương - Chu Lai cho biết, mỗi năm công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho 500 lao động, đạt doanh thu hơn 130 tỷ đồng. Các đối tác đều là “bạn hàng” truyền thống nên doanh số ổn định. Năm 2016, dự kiến doanh thu cao hơn 2015 từ 10 đến 15%. “Trong bối cảnh hội nhập, vì xác định chiến lược làm ăn lâu dài nên doanh nghiệp đều mua, nhập khẩu nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng” - ông Mạnh khẳng định. Còn lãnh đạo Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam cho rằng, nếu thị trường châu Âu, Nhật, Mỹ... quản lý FLEGT chặt chẽ, chính phủ sẽ có những giải pháp căn cơ đầu tư hỗ trợ phát triển rừng gỗ lớn, đáp ứng tiêu chuẩn FSC. Khi đó doanh nghiệp sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ liên kết, hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật trồng rừng, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về gỗ xuất khẩu.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC