Thu hồi nợ tạm ứng xây dựng cơ bản: "Khoảng trống" trách nhiệm
Số dư tạm ứng đầu tư ngày càng tăng. Không ít khoản nợ không thể thu hồi được đang là câu chuyện khó xử lý của các cơ quan liên quan.
Tạm ứng ngày càng tăng
Hàng trăm dự án đầu tư dang dở, ì ạch thi công vì không thể giải phóng mặt bằng hay năng lực tài chính yếu kém của nhà thầu… đã biến Quảng Nam thành một đại công trình. Hình ảnh những chiếc cọc đóng trên mặt sông Trường Giang kéo dài không có thêm khối lượng đầu tư nào được thi công tiếp diễn, con đường thanh niên ven biển chạy suốt từ bến cá An Lương (Duy Hải) đến Tam Kỳ hay con đường 129 nối thông hai đầu nam, bắc Quảng Nam vẫn còn khá nhiều hạng mục dở dang, không có dấu hiệu tiến triển. Không ít đơn vị tư vấn, nhà thầu đã bỏ đi, để lại số dư tạm ứng không đủ hồ sơ, thủ tục để hoàn ứng về ngân sách nhà nước.
Dự án nạo vét sông Trường Giang chưa thể hoàn ứng, thanh toán, làm sạch số tạm ứng trên sổ sách tại Kho bạc Nhà nước Quảng Nam. |
Hình ảnh đơn cử ấy cũng chỉ là lát cắt rất nhỏ trong câu chuyện nợ tạm ứng luôn đặt trên bàn nghị sự nhiều năm nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Ông Trần Phước Tào - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay các chủ đầu tư, nhà thầu không thật sự chủ đồng đến thanh toán, hoàn ứng. Họ cứ ù lì mãi đến khi sợ cắt vốn thì mới đến Kho bạc Nhà nước để thanh quyết toán. Kho bạc Nhà nước đã gửi rất nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện thanh toán tạm ứng. Thậm chí cơ quan này cũng đã hướng dẫn cụ thể đúng các quy định cho các chủ đầu tư, ban quản lý về những sai sót trong thủ tục, thời gian, kế hoạch vốn, chế độ thanh toán hiện hành, nhưng đến ngày kết toán, số dư tạm ứng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể kinh phí ứng trước) khoảng 1.926 tỷ đồng, chiếm 11% tổng chi ngân sách nhà nước. Chiếm nhiều nhất là dư nợ tạm ứng kinh phí chi đầu tư phát triển 1.124 tỷ đồng, trong đó khoản nợ tồn đọng từ năm 2010 trở về trước hơn 31,7 tỷ đồng của các hợp đồng đã hết hiệu lực.
Ngoài các nhà thầu vẫn đang tiếp tục thi công nhưng không biết vì lý do gì chưa chịu hoàn ứng thì cũng có không ít nhà thầu đã được UBND tỉnh gia hạn hợp đồng nhiều lần nhưng vẫn không thể có khối lượng để hoàn ứng. Nhiều dự án khác bị buộc phải hoàn ứng vẫn không có động tĩnh gì. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng kết quả các cuộc giám sát của HĐND tỉnh cho thấy tình trạng thẩm định báo cáo chủ trương đầu tư, thẩm định dự án chậm. Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hoàn chỉnh các thủ tục thanh toán của chủ đầu tư chưa kịp thời, chưa thể khắc phục việc dồn ứng hồ sơ thanh toán vào những thời điểm kết thúc tài khóa đã gây ít nhiều khó khăn cho việc kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước. Một vấn đề quan trọng cũng phải kể đến là số dư tạm ứng năm 2016 tăng cao là do trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc không thể hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án mới chậm, hay năng lực quản lý dự án yếu, đã dẫn đến khối lượng thanh toán, tiến độ thi công các công trình, dự án không đảm bảo. Ban Kinh tế & ngân sách đã nhiều lần kiến nghị tăng cường quản lý đầu tư, giám sát, áp dụng chế tài xử lý các nhà đầu tư, nhà thầu khi để vốn tạm ứng tồn đọng, kéo dài… nhưng không có dấu hiệu tiến triển đáng kể.
Nguy cơ mất vốn
Theo Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, Bộ Tài chính đã ban hành một thông tư giao cho Giám đốc Kho bạc Nhà nước toàn quyền xử lý, chế tài, xử phạt các chủ đầu tư, nhà thầu nợ tạm ứng kéo dài. Những nhà thầu chậm hoàn ứng sẽ chịu phạt. Nếu nhà thầu gửi hồ sơ tới chủ đầu tư đúng quy định, nhưng chủ đầu tư “ngâm” quá lâu, vượt thời gian quy định thì chính chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm và chịu phạt tiền. Toàn bộ tiền bị phạt này sẽ được lấy từ cá nhân những người vi phạm nộp vào Kho bạc Nhà nước Quảng Nam. Ngày 23.9.2015, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan quản lý, địa phương, chủ đầu tư gia tăng việc quản lý vốn đầu tư. Các chủ đầu tư khi ký kết hợp đồng với các nhà thầu phải nêu rõ các quy định ứng vốn và thanh toán tạm ứng chi đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm tránh tình trạng số dư quá thời hạn thanh toán kéo dài.
Các cơ quan quản lý hy vọng với chế tài trách nhiệm cá nhân vi phạm (lấy tiền túi bỏ ra nộp phạt) sẽ chấm dứt nạn tạm ứng kéo dài nhiều năm không giải quyết được. Nhưng thực tế, “tối hậu thư” này chỉ có thể tác động đến những nhà thầu thiện chí, chủ đầu tư năng động, còn những nhà thầu hay chủ đầu tư khác cố tình lảng tránh hay chây ì vẫn chưa thể có cách giải quyết hữu hiệu. Không ít ý kiến chất vấn gay gắt rằng ai sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ không thể thu hồi này? Còn lời giải thích suốt mấy năm nay của chủ đầu tư hay ban quản lý là số nợ đọng không thể thu hồi này thuộc về các dự án, gói thầu đã ngừng thi công, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể, không thể tìm ra địa chỉ. Ngay những bản án đã được thi hành vẫn không thể xác định được tài sản và không biết kêu ai tới tòa. Những câu hỏi và trả lời đều không đi đến một kết cục cụ thể nhiều năm qua, cho dù ai cũng biết “sự cố” này thực sự là khoảng trống của việc buông lỏng quản lý. Theo ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT, tồn tại, khó khăn lớn nhất hiện nay là các nhà thầu không hợp tác để đối chiếu công nợ với chủ đầu tư hoặc không thực hiện lệnh thi hành án sau khi có quyết định của tòa án. Các vướng mắc trước đây giữa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan dẫn đến không thu hồi hết số dư nợ tạm ứng đã được tổ công tác và bộ phận giúp việc phối hợp với chủ đầu tư và nhà thầu cơ bản đã tháo gỡ xong. Việc còn lại trong thời gian đến là trách nhiệm giữa chủ đầu tư và nhà thầu phối hợp sớm hoàn thành công tác quyết toán, đối chiếu công nợ theo thời gian đã cam kết, để có cơ sở hoàn ứng. Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay khả năng số dư nợ tạm ứng trước năm 2010 khó có khả năng thu hồi. Hiện cơ quan này chỉ còn cách quản lý, giám sát chặt số dư tạm ứng các hợp đồng còn hiệu lực, buộc các chủ đầu tư, nhà thầu nhanh chóng thi công, nghiệm thu công trình và hoàn ứng đúng hạn. Hạn chế thấp nhất việc phát sinh số dư tạm ứng tồn đọng khi hợp đồng đã hết hiệu lực trong thời gian đến.
TRỊNH DŨNG