Đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang: Chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển

ALĂNG NGƯỚC 14/12/2016 09:36

Bên cạnh sự đổi thay về diện mạo từ các công trình xây dựng, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang (gọi tắt là Khu KTCK) cũng còn những hạn chế về cơ chế chính sách do thiếu nguồn lực đầu tư mới…

Nguồn lực đầu tư đang giúp hoàn thiện nhiều công trình trọng điểm tại Khu KTCK Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nguồn lực đầu tư đang giúp hoàn thiện nhiều công trình trọng điểm tại Khu KTCK Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đầu tư chưa xứng tầm

Xác định mục tiêu xây dựng phát triển Khu KTCK Nam Giang trở thành vùng động lực ở miền núi, những năm qua nhiều hạng mục công trình đã  được đầu tư xây dựng, góp phần tạo nên diện mạo mới tại khu vực biên giới. Với nguồn vốn đầu tư hơn 237 tỷ đồng, Khu KTCK được kỳ vọng sẽ kết nối  những vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam với các vùng kinh tế Nam Lào, đông bắc Thái Lan và Campuchia theo tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Bên cạnh lợi thế nằm trên tuyến giao thông huyết mạch đến các vùng kinh tế trọng điểm của các nước, hoạt động giao thương qua Khu KTCK cũng sẽ giúp mang lại lợi ích kinh tế cao nhờ tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển. Đồng thời mức độ luân chuyển hàng hóa xuất nhập cảnh, hành khách và phương tiện qua Khu KTCK cũng được đánh giá rất thuận lợi so với các cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thành lập, Khu KTCK vẫn chưa thực sự đi vào hoạt động đúng quy mô và định hướng phát triển do nguồn lực đầu tư mới chỉ đáp ứng về hạ tầng thiết yếu tại tiểu khu 1, thuộc khu vực cửa khẩu biên giới. Dù đã có quy hoạch chi tiết nhưng nhiều hạng mục công trình đối với các dự án thuộc tiểu khu 2 và tiểu khu 3 hiện vẫn chưa được đầu tư mới.

Quy hoạch phát triển chung Khu KTCK Nam Giang trên tổng diện tích tự nhiên 31.060ha gắn liền với tuyến quốc lộ 14D - là trục trung tâm nối Khu KTCK với các đầu mối giao thông khác của khu vực. Theo đó, không gian xây dựng được chia làm 3 khu chính, gồm: tiểu khu 1 gắn với khu vực cửa khẩu Nam Giang, chức năng chủ yếu là khu kiểm soát và khu thương mại dịch vụ; tiểu khu 2 tại khu vực xã Chàl Vàl với quy mô khoảng 630ha, chức năng chính khu đô thị, các khu phi thuế quan, khu công nghiệp và các trung tâm thương mại, hành chính công cộng, các cụm dân cư nông thôn… và tiểu khu 3 được bố trí tại khu vực xã La Dêê trên tổng diện tích khoảng 56ha, với chức năng chính là trung tâm hành chính công cộng, các khu ở, thương mại dịch vụ và các cụm dân cư nông thôn.

Theo bà Lê Thị Thu Bồn - Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, nguyên nhân là sự hạn chế về nguồn lực đầu tư ngân sách, chưa đảm bảo về cơ chế chính sách cho phát triển khu vực biên giới. Bên cạnh đó, các nguồn vốn đầu tư bên ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu vẫn chưa tạo nên sức hút mạnh mẽ. Theo bà Bồn, việc hình thành và phát triển Khu KTCK cùng với các cơ chế chính sách hiện hành đã tác động tích cực và tăng vị thế của các khu vực biên giới cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho người lao động, nâng đời sống người dân miền núi và thu hút dân cư đến làm ăn, sinh sống tại khu vực biên giới. “Dù vậy, trong thời gian qua việc thực hiện các cơ chế chính sách tại Khu KTCK vẫn còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là nguồn lực đầu tư để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng Khu KTCK, khiến việc thu hút đầu tư cũng như phát triển Khu KTCK còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số hạng mục công trình hạ tầng xây dựng xong và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, nhưng xét về tổng thể vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động và phát triển đối với Khu KTCK Nam Giang” - bà Bồn cho biết thêm.

Cần thêm nguồn lực mới

Tính đến quý 3 năm 2016, nguồn vốn được cấp thực hiện các dự án tại Khu KTCK ước hơn 146 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương gần 106 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình đường giao thông, hệ thống thoát nước, dự án điện, nhà công vụ, san ủi mặt bằng, trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu và dự án cấp nước. Riêng trong năm 2016 đã hoàn thành công trình đầu tư Quốc môn cửa khẩu và đang tiếp tục triển khai các hạng mục hạ tầng thiết yếu tại tiểu khu l. Theo lộ trình phát triển mới, giai đoạn 2016 - 2020, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu tại tiểu khu 1, bao gồm các công trình san nền, hệ thống điện, đường giao thông và hệ thống thoát nước với tổng nguồn vốn đầu tư gần 17 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh mới đây, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh kiến nghị tỉnh cần tiếp tục ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu KTCK giai đoạn 2017 - 2020 tại tiểu khu 2. Đồng thời đưa cửa khẩu Nam Giang vào tuyến đường hành lang kinh tế Đông - Tây 2 và nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc thành cửa khẩu quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giao thương với nước thứ ba. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh, cùng với việc tận dụng cơ hội từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cần phát huy lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi gắn với sản xuất công nghiệp và phát triển du lịch sinh thái mang tính đặc trưng của vùng. “Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ sở hạ tầng, nâng mức đầu tư có hiệu quả từ các nguồn vốn tại Khu KTCK, các đơn vị có liên quan cần tập trung cho công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư và tạo ra chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng, hướng đến trở thành trung tâm giao dịch thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC