Xử lý nợ ưu đãi đầu tư vượt quy định: Chờ quyết định cuối cùng
UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX xem xét xử lý dứt điểm nợ ưu đãi đầu tư vượt quy định của Chính phủ tồn tại nhiều năm không thể có một phương án giải quyết hữu hiệu. Không chỉ chính quyền mà cơ quan thuế, doanh nghiệp cũng đang chờ đợi quyết định cuối cùng để gỡ nợ treo dai dẳng.
Doanh nghiệp đang chờ đợi kết quả cuối cùng từ quyết định của HĐND tỉnh trong việc xóa nợ thuế ưu đãi đầu tư. (Ảnh minh họa)Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Treo nợ thuế hơn 109 tỷ đồng
Sở KH&ĐT công bố 137 dự án đã được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư có nội dung vượt quy định Chính phủ. Kết quả rà soát, thống kê, phân loại, cơ quan này xác định 66 dự án đã chấm dứt hoạt động, 61 dự án khác đang thuộc diện chưa phát sinh ưu đãi vượt quy định hoặc đã phát sinh nhưng doanh nghiệp đã nộp tiền ưu đãi vào ngân sách nhà nước đến hết năm 2015 hay không đủ điều kiện hưởng ưu đãi vượt trội. Hiện chỉ còn 10 dự án hoạt động, đủ điều kiện hưởng ưu đãi vượt quy định phát sinh đến ngày 31.5.2016.
Theo thống kê này, danh sách doanh nghiệp chờ xử lý ưu đãi do Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và Sở KH&ĐT theo dõi, bao gồm: Xí nghiệp chế biến gỗ Cẩm Hà, Công ty Giày Rieker Việt Nam, Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Công ty Shanghai Huachen Rel Estate Co.Ltd, Doanh nghiệp tư nhân Hà Tiên Khôi, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch - xây dựng dân dụng - trang trí nội thất và thương mại Kim Vinh, Công ty TNHH Phước Thịnh, Công ty CP Thương mại dịch vụ Cát Vàng, Công ty TNHH Thương mại - du lịch - dịch vụ Bạch Vân và Công ty TNHH Indochina Resort Residences. Tổng nợ còn treo trong báo cáo thuế hơn 109,3 tỷ đồng (hơn 20,7 tỷ đồng ưu đãi về thuê đất và hơn 88,6 tỷ đồng về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp).
Theo Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt 650 triệu USD, tổng thu ngân sách nội địa đạt 13.000 tỷ đồng và giải quyết hàng trăm ngàn lao động tại địa phương là minh chứng rõ nhất từ tác động hiệu quả của các cơ chế này. Nhưng hai cơ chế ưu đãi vượt trội của UBND tỉnh (Quyết định số 13/2003/QĐ-UB ngày 30.1.2003 và số 94/2004/QĐ-UB ngày 17.12.2004) đã bị Trung ương “huýt còi” vì có một số điểm không phù hợp với quy định của Chính phủ. UBND tỉnh đã nhiều lần báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép Quảng Nam tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi này, nhưng không được chấp thuận. Ngày 31.5.2016, Tỉnh ủy đã ban hành văn bản số 305-CV/TU định hướng xử lý ưu đãi đầu tư đã cấp vượt quy định của Chính phủ từ ngày 31.12.2005 trở về trước. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định chấm dứt việc thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư của tỉnh đối với các dự án đã được cấp phép kể từ ngày 1.6.2016. Tuy nhiên, vẫn không thể có cách gì xóa số nợ kể trên.
Mong mỏi chờ xử lý dứt điểm
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về việc xử lý nợ ưu đãi đầu tư vượt quy định Chính phủ đối với những dự án đã được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư trước ngày 31.12.2005 là cần thiết. Việc xử lý nợ này đã được thảo luận nhiều qua các kỳ họp, kiên quyết xử lý dứt điểm để bảo đảm thực hiện nhất quán chủ trương của UBND tỉnh, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và giảm áp lực nợ thuế. Theo ông Đức, phương án xử lý ghi thu - ghi chi bằng cách điều tiết 100% khoản thu vào ngân sách cấp tỉnh và không tính số thu này vào phần vượt thu ngân sách nhà nước trên địa bàn để thực hiện cải cách tiền lương, tuy có vướng so với quy định của pháp luật hiện hành trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước nhưng là phương án phù hợp trong điều kiện cụ thể của địa phương, nên đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua.
Không phải đây là lần đầu tiên chuyện xử lý nợ ưu đãi đầu tư đặt trên bàn nghị sự. Nợ thuế ưu đãi vượt trội lưu cữu nhiều năm của các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh trước ngày 31.12.2005 đã thực sự nóng tại các cuộc họp gần đây của UBND hay HĐND tỉnh với các cơ quan tài chính, kế hoạch. Nhiều cuộc họp bàn, nhưng kết quả nhiều năm vẫn rơi vào bế tắc. Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế cho hay cơ quan này đang chờ kết luận giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền. Cục Thuế chỉ có “khả năng” báo cáo, chứ không thể làm gì được với số nợ này, nhưng đã rất nhiều lần họp, nhiều lần báo cáo vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo cụ thể từ cấp trên. Không giải quyết dứt điểm, số nợ thuế và tiền phạt chậm nộp theo quy định ngày càng gia tăng, gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp và công tác quản lý của cơ quan thuế. Số thuế này cơ quan thuế đang theo dõi, từ đó làm tăng tổng số nợ phát sinh trên địa bàn, nhưng không có khả năng thu hồi. Quảng Nam có nguồn vượt thu nhiều thì có thể dành một khoản để xử lý rốt ráo vụ việc này. Chỉ cần một bút toán ghi thu, ghi chi là có thể dứt điểm khoản nợ và thực chất ngân sách vẫn không mất tiền.
Theo nhận định của nhiều cơ quan quản lý, nếu không có cơ chế ưu đãi vượt trội này thì chưa chắc số doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào Quảng Nam như hiện tại. Có thể xác nhận chính các ưu đãi này đã góp phần tăng trưởng sản xuất với số thu ngân sách nội địa hàng chục ngàn tỷ đồng so với vài trăm tỷ đồng như trước đây. Chắc chắn chính quyền Quảng Nam không thể bội ước với doanh nghiệp, nhưng họ không “đủ quyền” để quyết định. Sự vụ này chỉ còn chờ vào sự đồng ý của HĐND tỉnh được xử lý dứt điểm. Xóa được nợ này sẽ bảo vệ uy tín của chính quyền khi đã cam kết với các nhà đầu tư. Uy tín này không chỉ tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư hiện tại mà còn giúp các nhà đầu tư tương lai có cái nhìn thiện cảm hơn về hiệu lực của những cam kết về cải thiện môi trường đầu tư đã được chính quyền công bố lâu nay và cả trong tương lai.
TRỊNH DŨNG