Sẵn sàng cho thách thức
Tái cơ cấu nền kinh tế, nâng chất lượng, hiệu quả năng lực cạnh tranh; đa dạng hóa quan hệ thương mại, đầu tư, tăng cường tính chủ động, tránh lệ thuộc vào thị trường; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, bảo đảm tăng trưởng 11,5 - 12% là mục tiêu và những định hướng phát triển của Quảng Nam trong năm 2017.
Cảng Tam Hiệp - Trường Hải. Ảnh: MINH ĐỨC |
12/18 chỉ tiêu đạt và vượt
Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh (khóa IX), UBND tỉnh công bố năm 2016 có đến 12/18 chỉ tiêu theo nghị quyết đã đạt và vượt. Nổi trội trong bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội này là tăng trưởng GRDP đạt đến 14,73% (theo cách tính mới). Ngành công nghiệp gia tăng 15,5%, chiếm 35,4% tổng cơ cấu kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vị thế chủ lực với giá trị sản xuất chiếm hơn 92% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dù không theo kịp chỉ tiêu (chỉ đáp ứng tăng trưởng 7/15%) nhưng vẫn tăng đến 7%. Khu vực nông, lâm, thủy sản không chịu “lép vế” khi đạt giá trị hơn 12.200 tỷ đồng, tăng 2,9%. Theo một thống kê khác, tăng trưởng tín dụng và huy động đã vượt chỉ tiêu kế hoạch, cao hơn mức tăng trưởng cả nước khi huy động tăng 32% và tín dụng tăng 28,2%. Tín hiệu lạc quan dễ nhận thấy là thu ngân sách tăng cao, sớm vượt dự toán năm. Đáng kể nhất là thu nội địa đã bất ngờ gia tăng đến 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 35% so với năm 2015. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng kiểm soát đầu tư và nợ công nhưng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2016 vẫn đạt kế hoạch và cao hơn năm trước là một cố gắng lớn trong việc thực thi các giải pháp huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2016 vẫn còn đến 6 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo nghề, cơ cấu lao động, số cơ sở y tế hệ điều trị có hệ thống xử lý chất lỏng, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh). Cho dù, những tồn tại này không ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển của Quảng Nam nhưng cũng cho thấy mức độ tăng trưởng như hiện tại đã không thể như kỳ vọng. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng theo thẩm tra của ban này thì hiện tại sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa được cải thiện, nhưng còn thấp. Kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa rõ nét. Thiếu vắng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các mô hình sản xuất hiệu quả chưa nhiều, chưa có cơ chế và giải pháp đủ mạnh để thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các chính sách khuyến khích đầu tư vào miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư. Không thiếu cơ chế nhưng việc quản lý hiện trạng đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều khó khăn, khiến tiến độ giải ngân, đầu tư các dự án bị ảnh hưởng…
Xác định động lực tăng trưởng
Kế hoạch của Quảng Nam năm 2017 là sẽ tăng khoảng 11,5 - 12% GRDP, thu nội địa sẽ tăng gần 9% so với năm 2016, tăng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 28,5 - 29%. Quảng Nam tiếp tục xem xét lại cơ cấu đầu tư từ vốn ngân sách để bảo đảm nguồn đầu tư vào những dự án hiệu quả, cấp thiết, tạo cơ sở hạ tầng làm nền móng để tự địa phương và người dân ổn định đời sống. Chính quyền sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án, công trình để cân đối nguồn vốn, cắt giảm quy mô đầu tư để không phát sinh nợ. Sẽ điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp với thực tế. Không để xung đột các mục tiêu phát triển công nghiệp và du lịch, kiên quyết “nói không” với những dự án có nguy cơ ảnh hưởng môi trường.
Quan điểm của chính quyền Quảng Nam là sẽ tăng cường tính chủ động, tránh lệ thuộc nhiều vào thị trường, chủ động trong nguồn lực chính yếu của địa phương. Một trong những vấn đề quan trọng chính là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh bằng cách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; củng cố, ổn định thị trường xuất khẩu, tìm thêm thị trường mới, chú trọng thị trường nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho, phát triển hàng hóa về nông thôn và khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế mở rộng kinh doanh với chỉ tiêu thêm 1.000 doanh nghiệp nữa khởi nghiệp… Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, mục đích của Quảng Nam là chuyển đổi mô hình tăng trưởng ổn định và bền vững, hiệu quả và chất lượng cao. Quảng Nam dứt khoát từ bỏ mong muốn tăng trưởng bằng mọi giá, đổ thật nhiều vốn để đạt con số tăng trưởng cao nhưng kém hiệu quả và trở lại yêu cầu cơ bản của nền kinh tế là tăng năng suất lao động, đặt sự an toàn của cả nền kinh tế vào chất lượng tăng trưởng bằng hiệu quả của các kế hoạch điều hành kinh tế.
Theo nhìn nhận của nhiều đại biểu tại kỳ họp, định hướng tập trung bằng mọi giá để có hạ tầng tốt, tháo gỡ vướng mắc, cơ chế, chính sách, nhanh chóng tiến hành, không thể trì hoãn cuộc cải cách từ trong nội tại các cơ quan quản lý để cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, đủ sức cạnh tranh hoặc sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư là sự thay đổi lớn. Ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê cho hay thực lực phát triển công nghiệp Quảng Nam vẫn còn khai thác tốt. Xuất khẩu, nông nghiệp và dịch vụ luôn mang yếu tố ổn định. Sự xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi sẽ cho thấy hiệu quả trong năm 2017. Tuy nhiên, thế mạnh xuất khẩu của Quảng Nam là thủy sản thì lại bị tụt dài về năng lực sản xuất và xuất khẩu, nhưng lại thiếu một đề án xuất khẩu. Nếu thực hiện tốt các chính sách đầu tư nông thôn và triển khai mạnh các dự án vùng đông, tây và tập trung đầu tư hỗ trợ công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, da giày, ô tô… để gia tăng xuất khẩu thì có nhiều khả năng tăng trưởng.
TRỊNH DŨNG