Cả nước còn hơn 700 doanh nghiệp nhà nước
Chiều 6.12, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo và phát triển doanh nghiệp, trong vòng 15 năm (từ 2001 đến tháng 10.2016), DNNN đã giảm mạnh về số lượng, chủ yếu là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, kém hiệu quả, với tổng số DNNN đã sắp xếp là 6.010 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.508 doanh nghiệp. Tính đến tháng 10.2016, cả nước chỉ còn 718 DNNN có quy mô vừa và lớn, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực. Theo đánh giá, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập. Tuy nhiên, đến nay việc thoái vốn diễn ra chậm, hiện còn khoảng 92% vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, tại hội nghị, Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu thảo luận để tìm nguyên nhân vì sao thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa còn thấp; đồng thời bàn giải pháp để đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước vừa đảm bảo lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, lợi ích xã hội… Về mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn và cổ phần ở doanh nghiệp then chốt như địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn… Những doanh nghiệp còn lại phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Được biết, từ năm 2001 - 2015, Quảng Nam đã thực hiện cổ phần hóa 31 DNNN thuộc tỉnh quản lý.
VINH ANH