Doanh nghiệp "khát" lao động

TRỊNH DŨNG 02/12/2016 08:57

Hơn 22.000 lao động bị thất nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn luôn than phiền thiếu lao động. Đó là một nghịch lý tại Quảng Nam. Một chiến lược dài hạn đào tạo lao động có tay nghề cao dù đã được ban hành vẫn chưa như mong muốn.

Thiếu lao động trầm trọng

Không như ô tô Trường Hải có riêng một trường dạy nghề, giải quyết nạn thiếu hụt lao động cho chính doanh nghiệp thì hầu hết doanh nghiệp Quảng Nam đều không thể chủ động được nguồn lao động. Có đến 88,5% doanh nghiệp tuyên bố đã gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động tại Quảng Nam. Chất lượng lao động quá thấp khi chỉ có 14% lao động học hết trung học, 3% trình độ đại học và 83% lực lượng lao động thiếu tay nghề. Nhiều doanh nghiệp cho rằng để tuyển được nhân viên giỏi, lao động có tay nghề tại địa phương rất khó. Tuyển nhân viên quản lý cao cấp thì gần như không thể. Trình độ lao động hiện tại chưa thể đáp ứng yêu cầu nên các nhà đầu tư mới chỉ dừng lại ở các dự án dịch vụ, không thể đủ lực gia tăng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất theo công nghệ hiện đại, tạo ra các giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế. Cho dù chính quyền Quảng Nam đã đưa ra sáng kiến chuyển dịch lao động từ miền núi xuống đồng bằng để hiện thực hóa các cơ hội đầu tư, nhưng thực tế chỉ mới khởi đầu và không dễ dàng như hiện tại.

Doanh nghiệp rất cần lao động có tay nghề (ảnh minh họa). Ảnh: T.D
Doanh nghiệp rất cần lao động có tay nghề (ảnh minh họa). Ảnh: T.D

Ông Nguyễn Văn Khánh – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Duy Xuyên cho biết địa phương đã tìm nhiều cách giúp doanh nghiệp tuyển dụng, kể cả người dân ở các vùng phụ cận, nhưng không thể nào đủ lao động, nên chính quyền đã hạn chế cấp phép đầu tư cho nhiều dự án may mặc, dệt, nhuộm… Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai cho hay đến cuối năm 2018, khu công nghiệp này sẽ sử dụng hơn 30.000 lao động. Theo tính toán của các doanh nghiệp, hiện chỉ thu hút được 2.277 lao động. Dự báo lao động phục vụ cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp này sẽ thiếu hụt trong những ngày tới, kể cả lao động quản lý. Không còn cách nào khác, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Chu Lai đã buộc lòng phải tạm dừng thu hút các dự án may để bảo đảm lao động cho các nhà máy hiện tại.

Thiếu hụt lao động chính là nỗi lo lớn của các doanh nghiệp trong hiện tại. Nhiều doanh nghiệp kêu cứu với chính quyền nên xem xét và có sự điều phối, nhất là ngành may mặc cung không đủ cầu, xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Thậm chí có chủ doanh nghiệp như bà Nguyễn Thị Nhung - Giám đốc Công ty TNHH May Phú Mỹ Kim Anh đề xuất một khi nguồn cung cấp lao động chưa đủ thì chính quyền không nên cấp phép, thu hút các nhà đầu tư khác cho những ngành nghề có quá nhiều thâm dụng nhân công giá rẻ như may mặc, giày da, thủy sản…

Chiến lược nhân lực

Chỉ số lao động bị xem là điểm yếu nhất của PCI Quảng Nam trong nhiều năm qua đã bất ngờ “thăng hạng” điểm số cao năm 2015, đánh dấu bước phát triển mới của nỗ lực phát triển nguồn nhân lực tại địa phương. Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh, 46 cơ sở dạy nghề và 16 trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp đã đào tạo hàng năm hàng chục ngàn công nhân kỹ thuật. Lượng lao động được đào tạo có xu hướng tăng nhanh. Chất lượng dạy nghề đã gia tăng đáng kể, góp phần tăng thêm việc làm mới cho 15.000 lao động. Năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 45,5%/tổng số lao động, nâng số tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn Quảng Nam lên 50,6%. Tuy nhiên, một con số thống kê khác cho thấy hiện có hơn 22.000 người thất nghiệp, thiếu việc làm, trong đó nông thôn có khoảng 15.300 người.

Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay tồn tại rõ nhất của lao động Quảng Nam là năng suất thấp, tỷ lệ lao động chuyên môn kỹ thuật, trình độ kỹ thuật cao rất thấp. Cơ cấu lao động chuyển dịch chưa thể đồng bộ với cơ cấu kinh tế khi 95% lao động phân bổ chủ yếu ở đồng bằng và đô thị. Chất lượng giáo dục phổ thông giữa miền núi và đồng bằng, đô thị có độ chênh lệch quá lớn. Hiệu quả đào tạo nghề thấp, nhất là đào tạo nghề cho nông thôn. Cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực đào tạo chưa hợp lý, dàn trải, thiếu mũi nhọn. Nhiều ngành đào tạo chưa gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động thực tế tại các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng không giải quyết được đầu ra hoặc không tuyển sinh được đầu vào.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, tại nhiều cuộc gặp gỡ, doanh nghiệp đều than phiền thiếu hụt lao động. Quảng Nam không còn dồi dào lao động nữa. Có thể đào tạo lao động không cung ứng kịp nhu cầu thị trường. Hiện tại khá nhiều dự án may mặc lớn đã được triển khai như Panko, Sedovina, Hòa Thọ… và nhiều dự án du lịch ven biển đang tái khởi động. Những dự án đó cần đến hàng chục ngàn lao động, nhưng khả năng cung ứng về số và chất lượng lao động của Quảng Nam chưa đáp ứng. Ngày 14.10.2016, UBND tỉnh đã ra quyết định quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020. Chính sách này sẽ hỗ trợ tài chính lẫn cơ chế cho bất cứ doanh nghiệp nào có kế hoạch đào tạo có địa chỉ, cung ứng lao động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tại Quảng Nam. Chính quyền sẽ hỗ trợ tuyển dụng lao động theo yêu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động theo nhu cầu phát triển, phối hợp tích cực cùng doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG